Bạn đang ở đây

Điểm báo MOIT tuần từ ngày 23/5 đến ngày 29/5/216

31/05/2016 09:23:09

Cơ cấu hàng xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ chuyển dịch ngoạn mục

Bản tin Tài chính - Kinh doanh, Đài Truyền hình Việt Nam sáng ngày 23/5/2016 cho biết: Cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu vào Mỹ đã có sự chuyển dịch rõ rệt từ những mặt hàng có giá trị thấp sang nhóm hàng hóa có giá trị cao trong giai đoạn từ 2010 đến nay.

 

Chỉ 2 năm sau Hiệp định Thương mại song phương giữa hai nước, Mỹ đã trở thành thị trường xuất khẩu số 1 của Việt Nam. Năm 2010, dệt may và thủy sản lần lượt là 2 mặt hàng xuất khẩu chủ lực của nước ta. Trong đó dệt may chiếm đến gần 50% trong tổng cơ cấu hàng xuất khẩu.

Tuy nhiên, 5 năm tiếp theo đã ghi nhận sự chuyển dịch ngoạn mục của nhóm mặt hàng nông sản chế biến, dày dép, hàng điện tử, đồ gỗ và thủ công mỹ nghệ.

Xuất khẩu thủy sản đông lạnh, đặc biệt là cá tra và tôm liên tục giảm do vướng phải liên tiếp những vụ kiện bán phá giá và các quy định ngặt nghèo về chất lượng từ phía Hoa Kỳ.

Tính đến hết tháng 4/2016, điện thoại và giày dép là những nhóm hàng mới xuất hiện có giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD vào thị trường Hoa Kỳ. Quy mô xuất khẩu tăng nhưng tỷ trọng của ngành dệt may đã giảm dần theo thời gian.

Đặc biệt, không giống như nhiều thị trường khác, nông sản chưa phải là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, mà các mặt hàng có hàm lượng kỹ thuật cao như điện tử và linh kiện, máy móc, thiết bị mới đang chiếm ưu thế tại Hoa Kỳ.

Dự báo của Phòng Thương mại Mỹ (Amcham), kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam của nhóm hàng này có thể tiếp tục tăng mạnh trong các năm tiếp theo.

Doanh nghiệp Việt Nam – Hoa Kỳ ký kết hàng loạt hợp đồng lớn

Ngày 24/5/2016, Báo điện tử Diễn đàn Doanh nghiệp thông tin, tại buổi tiếp xúc doanh nghiệp do Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ (AmCham) và VCCI tổ chức tối 23/5, các doanh nghiệp hai bên đã ký kết hàng loạt thoả thuận hợp tác, biên bản ghi nhớ trong các lĩnh vực công nghệ cao, năng lượng sạch, v.v…

 

Đối với "Hợp tác chiến lược giữa Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam và Honeywell", Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PetroVietnam) và tập đoàn công nghệ Honeywell (Hoa Kỳ) đã có hợp tác từ lâu. Tuy nhiên, việc ký kết hợp tác lần này được kỳ vọng sẽ giúp thúc đẩy quan hệ giữa đôi bên trong ngành dầu khí, thông qua việc tư vấn, đào tạo, xây dựng các uỷ ban chung về lĩnh vực này.

Đối với "Biên bản ghi nhớ GE về phát triển 1.000MW điện gió", Tập đoàn General Electric (GE) đã ký biên bản ghi nhớ với Bộ Công Thương, để phát triển tối thiểu 1.000MW điện gió cho đến năm 2025. Trước mắt, các bên sẽ triển khai xây dựng giai đoạn 3 của Nhà máy điện gió Bạc Liêu. Khi hoàn thành, công trình sẽ cung cấp 300 MW vào lưới điện quốc gia. Sản lượng điện ước tính đủ cung cấp cho 1,8 triệu hộ dân Việt Nam. GE sẽ làm việc với các đối tác địa phương để xác định dự án tiềm năng.

Ngoài ra, tại buổi Lễ, doanh nghiệp hai bên đã ký Hợp tác dự án năng lượng mặt trời giữa First Solar và Thiên Tân; Biên bản ghi nhớ về Nhà máy Biomass Minnesota; Biên bản ghi nhớ giữa Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam và Công ty dầu Murphy, v.v...  Theo đó, Murphy đã tham gia khai thác dầu khí tại Việt Nam từ năm 2012, đang hợp tác khai thác khí ở khu vực Nam Côn Sơn. Biên bản này sẽ mở ra nhiều cơ hội hợp tác giữa hai bên về dầu khí, liên doanh năng lượng, đẩy nhanh đàm phán dự án ở đảo Thổ Chu và nhiều hợp đồng khác.

Hà Nội ký hợp tác xúc tiến đầu tư với ĐBSCL và các tỉnh phía Bắc

Theo ghi nhận của Phóng viên Báo điện tử Đài tiếng nói Việt Nam, ngày 27/5, Hội nghị hợp tác đầu tư, xúc tiến thương mại, du lịch giữa vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) với TP Hà Nội và một số tỉnh phía Bắc đã diễn ra tại Hà Nội chiều ngày 26/5/2016.

 

Hội nghị thống nhất đánh giá hợp tác phát triển giai đoạn 2011-2015 giữa vùng ĐBSCL và Hà Nội đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, kết quả chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của các địa phương.

Hội nghị cũng đã tập trung thảo luận, thống nhất đánh giá việc đẩy mạnh hợp tác xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch giữa các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL và Thành phố Hà Nội là hết sức quan trọng, mang tính chiến lược cao, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.

Thành phố Hà Nội và Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ (đại diện cho 13 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL và được sự thống nhất của lãnh đạo các địa phương) thống nhất nội dung hợp tác như sau: Củng cố và tăng cường hợp tác đầu tư, xúc tiến thương mại, du lịch giữa vùng ĐBSCL và Thành phố Hà Nội nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế giữa các địa phương. Giúp doanh nghiệp của địa phương gia tăng năng lực sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và sản xuất kinh doanh có hiệu quả gắn với thực hiện tốt cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Cùng với đó, tìm kiếm các lĩnh vực, biện pháp hợp tác mới phù hợp với nhu cầu phát triển của mỗi địa phương.

Nội dung hợp tác gồm: Xúc tiến đầu tư và thương mại; đẩy mạnh sản xuất, tiêu thụ nông sản; hợp tác quản lý nông nghiệp; xúc tiến du lịch, v.v…Trong đó đẩy mạnh phối hợp, thông tin, định hướng giúp các địa phương vùng ĐBSCL nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn theo quy định, đảm bảo nguồn cung hàng hóa; từ đó khuyến khích doanh nghiệp đẩy mạnh tiêu thụ các mặt hàng nông sản thế mạnh của Vùng tại hệ thống phân phối của Hà Nội, góp phần hình thành chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm, nông sản giữa Hà Nội và vùng ĐBSCL một cách ổn định, lâu dài. Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, làng nghề Hà Nội tham gia các Hội chợ triển lãm khu vực ĐBSCL, hỗ trợ doanh nghiệp vùng ĐBSCL tham dự các hội chợ triển lãm được tổ chức ở Hà Nội.

Doanh nghiệp vẫn “né” bêu tên đối tượng làm giả, nhái

Là khẳng đinh của báo Lao động, số 121, ra ngày 27/5/2016. Theo ghi nhận, không ít doanh nghiệp đã tìm cách im lặng để ít bị thiệt hại và tổn hại đến uy tín của thương hiệu và sản phẩm khi bị làm giả, làm nhái. Tuy nhiên, chính điều này lại là kẽ hở để nạn làm giả, làm nhái hoành hành làm doanh nghiệp điêu đứng, đồng thời người tiêu dùng cũng chịu không ít thiệt hại.

 

Nội dung bài báo cho biết, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) ông Trần Văn Ngọc tại Hội thảo “Chống hàng giả, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và vai trò doanh nghiệp” diễn ra ngày 25/5 tại Hà Nội - cho biết: Sau các đợt kiểm tra chuyên đề của Cục QLTT tấn công vào các mặt hàng có nguy cơ bị làm giả, vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm, bị làm giả, nhái, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ như thực phẩm, thực phẩm chức năng, phân bón, xăng dầu, dược, mỹ phẩm…, nhiều mặt hàng đã có dấu hiệu thuyên giảm. Song nhìn chung, công tác đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại vẫn diễn biến phức tạp. Các đối tượng vi phạm có sự phân công chặt chẽ, hình thành các đầu mối chuyên cung cấp nguyên vật liệu, linh kiện; các loại bao bì, tem, nhãn giả. Hàng giả được sản xuất dưới gia công sản phẩm chưa hoàn chỉnh ở một nơi, lắp ráp, đóng gói thành phẩm ở nơi khác. Khi có đơn đặt hàng mới gắn nhãn mác giả rồi xuất đến nơi tiêu thụ.

Thời gian qua, nổi cộm là vấn nạn phân bón giả, phân bón nhái, kém chất lượng hoành hành dữ dội từ khắp các vùng quê. Tương tự, với mặt hàng khí hóa lỏng (LPG), vấn đề nổi cộm là tình trạng sang chiết nạp gas trái phép gây không biết bao nhiêu hệ lụy. Điều này lý giải tại sao số vỏ chai trôi nổi, sang chiết nạp gas trái phép ngày càng tăng dẫn đến hằng năm xảy ra hàng trăm vụ cháy nổ, gây nguy hiểm chết người. Tuy nhiên, hiện chế tài xử lý các hành vi làm giả, nhái, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đang rất phức tạp, chồng chéo khiến các cơ quan chức năng khó kiểm soát.

Một thực tế nữa là không ít DN làm ăn chân chính khi sản phẩm bị làm giả, làm nhái, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ lại tỏ ra e dè, không sẵn sàng hợp tác với cơ quan chức năng, do lo sợ bị ảnh hưởng đến doanh thu, lợi nhuận. Điều này càng khiến cho các đối tượng gian lận có “đất sống”. Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải khẳng định: DN cần có sự nhập cuộc với cơ quan chức năng để bảo vệ quyền lợi của chính mình.

Hoan nghênh quyết định hủy bỏ chương trình giám sát cá da trơn của Thượng viện Hoa Kỳ

Là nhan đề bài viết đăng trên Báo điện tử Nhân dân ngày 28/5/2016.

 

Theo thông tin bài viết, ngày 27/5, Bộ Công Thương cho biết, với tỷ lệ phiếu thuận áp đảo (55/43), Thượng viện Hoa Kỳ đã bỏ phiếu thông qua Nghị quyết hủy bỏ chương trình giám sát cá da trơn của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), được quy định tại Luật Nông trại năm 2014 của Hoa Kỳ. Nghị quyết này được xây dựng dựa trên đề xuất ngày 7/12/2015 của các Thượng nghị sĩ Giôn Mắc-kên và Ke-li Ay-ốt-tê trong chương trình rà soát lại các luật đã ban hành của Quốc hội Hoa Kỳ.

Bộ Công Thương hoan nghênh quyết định đúng đắn của Thượng viện Hoa Kỳ và một lần nữa khẳng định: Chương trình giám sát cá da trơn của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ là chương trình không cần thiết, mang tính chất bảo hộ, không có lợi cho người tiêu dùng Hoa Kỳ, gây ảnh hưởng tiêu cực đến quan hệ kinh tế - thương mại đang phát triển tốt đẹp giữa hai nước và có khả năng không phù hợp các cam kết của Hoa Kỳ với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Ngay từ khi vấn đề giám sát cá da trơn được đặt ra tại dự luật Nông trại, Chính phủ Việt Nam đã nhiều lần yêu cầu Hoa Kỳ xem xét lại chương trình này. Lãnh đạo các bộ có liên quan của Việt Nam, trong đó có Bộ Công thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đã nhiều lần gửi thư và tiếp xúc song phương với Bộ Nông nghiệp, Bộ Thương mại và Cơ quan Đại diện Thương mại Hoa Kỳ để nêu quan điểm phản đối chương trình. Vấn đề cũng đã được Việt Nam nêu và được phía Hoa Kỳ quan tâm xử lý một phần trong quá trình đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) nhưng quyết định ngày 25-5 vừa qua của Thượng viện Hoa Kỳ là bước đi quan trọng đầu tiên, hướng tới việc xử lý dứt điểm và có hiệu quả vấn đề.

Bộ Công Thương kỳ vọng Nghị quyết hủy bỏ chương trình giám sát cá da trơn sẽ tiếp tục nhận được sự ủng hộ cao tại Hạ viện Hoa Kỳ và được Tổng thống Hoa Kỳ ký ban hành thành luật.

Gần 29.000 doanh nghiệp “chết lâm sàng” trong 5 tháng

Chủ nhật, ngày 29/5/2016, Báo điện tử VnEconomy đưa ra con số ấn tượng: Tính chung 5 tháng đầu năm, cả nước có 44.740 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới.5 tháng đầu năm 2015, thị trường đón nhận 44.740 doanh nghiệp thành lập mới, nhưng cũng phải nói “lời chia tay” với hơn 33.000 doanh nghiệp, trong đó 28.582 doanh nghiệp “chết lâm sàng”.

 

Tổng cục Thống kê vừa có báo cáo tình hình kinh tế xã hội 5 tháng đầu năm 2016. Theo đó, trong tháng 5, cả nước có 10.019 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 101.200 tỷ đồng, tăng 28,1% về số lượng và 78,1% về vốn so với cùng kỳ.

Tổng số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 5 là 104.700 người.

Tính chung 5 tháng đầu năm, cả nước có 44.740 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 349.500 tỷ đồng, tăng 24,1% về số doanh nghiệp và tăng 59,3% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ.

Số doanh nghiệp gặp khó khăn buộc phải tạm ngừng hoạt động trong 5 tháng đầu năm nay là 28.582 doanh nghiệp, tăng 25,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, 10.794 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động có thời hạn và 17.788 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ đóng mã số doanh nghiệp hoặc không đăng ký.

Cách đây ít ngày, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 35 nhằm hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020. Nghị quyết đặt mục tiêu đến năm 2020 cả nước có 1 triệu doanh nghiệp.

Theo đó, nghị quyết nhằm mục đích tạo một môi trường kinh doanh sạch cho doanh nghiệp phát triển: thanh kiểm tra 1 lần/năm, đối thoại 2 lần/năm, tự do kinh donah, doanh nghiệp tư nhân là động lực phát triển kinh tế, thống kê chi phí không chính thức, không hình sự hoá các quan hệ kinh tế.

 
Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương