15/07/2014 15:01:45
Theo Bộ trưởng Công thương đây cũng chính là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam dần thoát khỏi sự phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu chủ yếu từ Trung Quốc. Hơn nữa, các doanh nghiệp trong nước cần chủ động nguồn nguyên phụ liệu và nên chuyển hướng tìm kiếm các nguồn nhập khẩu từ các nước trong khu vực ASEAN tránh phụ thuộc vào một thị trường nhất định.
* “Đói” nguồn cung
Trên danh mục quan hệ thương mại hiện nay, Trung Quốc đang giữ vị trí đầu trong việc cung cấp nguồn nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất cho Việt Nam. Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) cho biết, ngành dệt may đang phụ thuộc quá lớn vào nguồn vải nhập khẩu với tỷ lệ 86%, riêng Trung Quốc chiếm tới 46%. Đây là “nút thắt cổ chai” trong chuỗi cung ứng dệt may của Việt Nam. Do vậy, chỉ cần một nửa nguyên phụ liệu dệt may nhập khẩu từ Trung Quốc “gặp trục trặc” thì doanh nghiệp dệt may Việt Nam đã lâm vào cảnh khốn khó với đầu vào cho sản xuất.
Thực tế cho thấy, 10 năm trở lại đây Việt Nam đã sản xuất được một số sản phẩm có tính chiến lược của ngành khiến các doanh nghiệp dệt may chủ động được phần nào nguồn cung nguyên phụ liệu. Đơn cử như sản phẩm vải veston đã có 7 nhà máy sản xuất; vải kaki, vải jeans cao cấp cũng đã có 6 nhà máy sản xuất, còn các nguyên phụ liệu khác như dây kéo, mếch dựng và các sản phẩm phụ liệu hỗ trợ khác hiện nay đều được sản xuất trong nước. Song song với việc đẩy mạnh sản xuất nguyên phụ liệu trong nước, Việt Nam đang đẩy mạnh việc phối hợp với các doanh nghiệp trong khối ASEAN và một số doanh nghiệp trong nước đã chủ động đặt những đơn hàng có tính chiến lược dài hơi để tạo sự ổn định cho nguồn nguyên phụ liệu.
Theo Chủ tịch HĐTV Tổng công ty May Hưng Yên, bên cạnh con số tăng trưởng xuất khẩu thì vấn đề cốt lõi hiện nay là phải giảm phụ thuộc nguyên phụ liệu từ nước ngoài bằng cách nội địa hóa các nguyên phụ liệu, tập trung gia tăng giá trị sản phẩm. Vì thế, công ty đang chuyển sang phương thức mua đứt bán đoạn (FOB) và đẩy mạnh sử dụng nhiều nguyên phụ liệu trong nước. Trong đó nội địa hóa một số nguyên phụ liệu để phục vụ cho đơn hàng FOB hoặc đẩy mạnh mua nguồn vải ở các thị trường khác như Thái Lan, Singapore… nhằm giảm bớt việc phụ thuộc vào nguyên liệu ở một thị trường.
Ông Nguyễn Chí Trung - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Giày Gia Định chia sẻ: Để sản xuất gần 3 triệu đôi giày xuất khẩu trong năm 2014 thì có tới hơn 60% nguyên phụ liệu sản xuất đều phải nhập từ Trung Quốc. Dù 100% đơn hàng làm theo phương thức FOB nhưng có đến 90% nguồn nguyên phụ liệu sản xuất đều do nhà đặt hàng chỉ định mua, phần lớn là từ Trung Quốc. Chỉ có 10% còn lại công ty tự chủ động nguồn cung do tự thiết kế và sản xuất. "Sở dĩ xảy ra tình trạng này bởi có một thực tế không thể phủ nhận là việc phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước quá kém khiến việc chuyển hướng tìm nguồn nguyên phụ liệu thay thế từ nước khác, nhất là khi một số chủng loại hầu như phải nhập toàn bộ từ Trung Quốc như thuốc nhuộm, hóa chất, phụ liệu trang trí... đòi hỏi phải có lộ trình. Dù chính sách phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ đã có từ hàng chục năm qua nhưng đến nay vẫn giậm chân tại chỗ".
Mối lo lắng sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng do căng thẳng với Trung Quốc ở Biển Đông không chỉ xảy ra đối với các doanh nghiệp phải nhập nguyên phụ liệu đầu vào cho sản xuất, mà cả những doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường này cũng khá căng thẳng. Theo Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam, nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực này “sống dở chết dở” và đi đến phá sản do nguồn nguyên liệu bị Trung Quốc thao túng. Nông sản xuất khẩu khi thừa, khi thiếu, không ổn định đã gây khó khăn trong việc phát triển các doanh nghiệp chế biến nông sản.
Chia sẻ cụ thể hơn về những rủi ro này, ông Phạm Vũ Hà- Tổng thư ký Hiệp hội Sắn Việt Nam cho hay, 85% sản lượng xuất khẩu sắn và sản phẩm từ sắn của Việt Nam là sang thị trường Trung Quốc. Sản phẩm tinh bột sắn, sắn lát Việt Nam chủ yếu phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Một số thị trường khác như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga… khối lượng không đáng kể hoặc đang trong giai đoạn thăm dò và thị trường này cũng đặc biệt khó tính, đòi hỏi chất lượng sản phẩm cao và nghiêm ngặt trong khi sản phẩm của Việt Nam chưa đáp ứng được. Tuy nhiên, trên thực tế, doanh nghiệp sắn lại đang bị ùn ứ, tồn đọng sản phẩm do thương nhân Trung Quốc “quay lưng”, chuyển sang mua hàng từ thị trường khác.
Để giảm bớt phụ thuộc vào nguyên phụ liệu từ nước ngoài, các chuyên gia thương mại khuyến cáo cần phải có chiến lược đầu tư vùng nguyên liệu cũng như các cơ sở sản xuất giúp sản phẩm xuất khẩu Việt Nam tham gia sâu hơn trong chuỗi giá trị, từ đó hàng xuất khẩu có thể tham gia vào nhiều thị trường khác nhau với giá trị cao hơn.
* Chủ động xoay sở
Bằng việc chủ động nắm bắt và dự báo tình hình, ngay từ giữa tháng 5/2014, Hiệp hội Dệt may Việt Nam đã có công văn gửi các doanh nghiệp trong ngành chủ động tìm các thị trường tiềm năng khác để nhập khẩu, tránh phụ thuộc quá lớn vào thị trường Trung Quốc. Trong đó, các thị trường tiềm năng khác mà Việt Nam có thể hợp tác là nhập khẩu xơ từ thị trường Thái Lan, Hàn Quốc và Inđônêxia; nhập khẩu sợi từ thị trường Thái Lan, Inđônêxia, Ấn Độ; nhập khẩu vải từ thị trường Hàn Quốc, Thái Lan và Malayxia… để đa dạng hóa nguồn nguyên liệu.
Trong khi chờ đợi chiến lược phát triển ngành công nghiệp phụ trợ cho ngành dệt may và da giày, một số doanh nghiệp đã “tự xoay xở” đa dạng hóa nguồn nguyên liệu. Theo ông Vũ Đức Giang, để chủ động nguồn cung nguyên phụ liệu, định hướng phát triển của ngành trong thời gian tới đã và đang tập trung khá mạnh vào lĩnh vực sợi, dệt, kể cả nguyên liệu mới (xơ viscose, len...) từng bước giảm nhập khẩu. Trong một số dự án mà Tập đoàn Dệt May Việt Nam đang và sắp triển khai với số vốn đầu tư lên đến hơn 2.000 tỉ đồng sẽ bổ sung hơn 40.000 tấn sợi/năm và 20 triệu mét vải/năm so với năng lực hiện tại kể từ năm 2015 trở đi. Ngoài ra, Tập đoàn này cũng có kế hoạch đầu tư hơn 10.000 tỉ đồng triển khai các dự án nguyên liệu mới và nguyên liệu nguồn trồng bông, trồng cây bạch đàn để làm bột gỗ DWP dùng sản xuất xơ viscose, len lông cừu từ nay cho đến năm 2020 cũng chỉ nhằm mục tiêu giảm bớt sự chi phối từ nguồn cung nguyên phụ liệu bên ngoài đang ngày một khó kiểm soát.
Một số doanh nghiệp ngành may mặc còn cho rằng nâng chất lượng và phẩm cấp hàng xuất khẩu là một trong những giải pháp mà các doanh nghiệp trong nước phải chủ động chuẩn bị để giảm bớt sự phụ thuộc nguồn cung nguyên phụ liệu từ Trung Quốc. Theo ông Nguyễn Xuân Dương, thay vì hài lòng và chấp nhận chủng loại xuất khẩu như hiện tại, các doanh nghiệp cần hướng tới việc nâng cao năng lực sản xuất, tay nghề người lao động, đầu tư hạ tầng chuyên sâu để thu hút được nhà đặt hàng đặt các sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Đồng thời xúc tiến phát triển thị trường ngách ngoài những thị trường truyền thống và các thị trường có các hiệp định thuế quan sắp ký trong thời gian tới.
Cùng với đa dạng thị trường nhập khẩu, để chủ động nguồn cung nguyên liệu về lâu dài, Việt Nam cần tính đến việc xây dựng nguồn cung cấp ngay tại trong nước và tăng tỷ lệ nội địa hóa nguồn nguyên liệu. Tuy nhiên, để nâng cao năng lực sản xuất trong nước cần sự nỗ lực của doanh nghiệp và chính sách hỗ trợ đồng bộ của Nhà nước.
Về phía Bộ Công Thương, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nhấn mạnh: Việt Nam đang đẩy mạnh đàm phán Hiệp định Thương mại tự do với Liên minh châu Âu (EU) và Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Việc tham gia các hiệp định thương mại này sẽ mở cửa thị trường hàng hóa, tạo điều kiện cho những mặt hàng có lợi thế của Việt Nam như dệt may, da giày, nông sản…thâm nhập với quy mô lớn hơn vào các thị trường tiềm năng, giảm bớt phụ thuộc vào một vài thị trường xuất khẩu nhất định và đảm bảo xuất khẩu ổn định, bền vững.
Theo Vinanet