Bạn đang ở đây

Để lâm nghiệp phát triển bền vững

13/04/2015 13:25:46

Ngành kinh tế chủ lực!

Phát huy thế mạnh của một tỉnh miền núi, từ nhiều năm qua, Yên Bái đã có nhiều chủ trương, chính sách khuyến khích, hỗ trợ thúc đẩy nghề rừng. Những quả núi, quả đồi trơ trọi thủa nào nay đã được phủ xanh bằng keo, mỡ, bồ đề và măng tre Bát Độ. Diện tích rừng cứ nối dài theo năm tháng, bình quân trong 5 năm trở lại đây, toàn tỉnh trồng mới trên 15.000ha rừng tự nhiên và sản xuất. Nếu như năm 2011, diện tích rừng mới đạt 410.792ha, độ che phủ đạt 58,1% thì đến nay đã đạt 428.138ha, độ che phủ trên 60,4%, dự kiến hết năm 2015 độ che phủ rừng sẽ đạt 63,5%.

Trong đó có 234.000ha rừng tự nhiên, còn lại là rừng trồng sản xuất và phòng hộ, chất lượng rừng ngày một nâng lên. Kinh tế lâm nghiệp đã có bước phát triển tốt, tăng thu nhập cho người lao động, tạo thêm nhiều việc làm, giải quyết lao động dôi dư ở các vùng nông thôn, vùng dân tộc thiểu số, góp phần vào công tác ổn định dân cư, xóa đói giảm nghèo, cải thiện đời sống nhân dân trong tỉnh. Giá trị sản xuất lâm nghiệp (tính theo giá so sánh 2010) của năm 2014 đạt trên 1.400 tỷ đồng, chiếm trên 32% giá trị toàn ngành nông nghiệp.

Chỉ tính riêng nguồn vốn đầu tư cho bảo vệ và phát triển rừng trong giai đoạn 2011 - 2015 là trên 234 tỷ đồng. Bên cạnh đó, người trồng rừng, bảo vệ rừng và các chủ rừng còn được hưởng trên 153 tỷ đồng từ phí dịch vụ môi trường rừng.

Song song với các nguồn vốn đầu tư và phí môi trường rừng thì mỗi năm bình quân người dân, các tổ chức khai thác trên dưới 2 triệu mét khối gỗ các loại và hàng ngàn tấn nguyên liệu sợi dài (tre, vầu, nứa, song, mây) mang lại một nguồn thu lớn.

Cùng với việc khai thác là có trên 400 công ty, nhà máy, cơ sở chế biến gỗ rừng trồng sản xuất hàng chục ngàn mét khối ván ghép thanh, ván ép và hàng trăm ngàn mét khối ván bóc, hàng chục triệu đôi đũa... vừa nâng cao giá trị vừa giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động địa phương. Trồng rừng, phát triển nghề rừng hôm nay không chỉ đơn thuần là xóa đói giảm nghèo mà nó đã thực sự trở thành nghề, nhiều hộ gia đình đã trở thành triệu phú, tỷ phú rừng như gia đình ông: Nguyễn Văn Minh, Hoàng Đình Lâm (Trấn Yên), Nguyễn Thế Bình, Triệu Tiến Lợi, Nguyễn Văn Hiền (Yên Bình), Bàn Văn Minh, Triệu Tài Thăng (Văn Yên)... Chưa bao giờ nghề rừng và chế biến gỗ rừng trồng lại thịnh vượng như bây giờ, huyện thị nào, vùng quê nào cũng có xưởng chế biến gỗ rừng trồng. Nhà xây, xe máy, ti vi, tủ lạnh, con em các dân tộc được học hành đầy đủ cũng từ rừng mà ra.

Những hạn chế cần khắc phục

Những giá trị kinh tế cũng như xã hội mà ngành kinh tế lâm nghiệp mang lại trong những năm qua là không ai có thể phủ nhận được. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, sản xuất lâm nghiệp nói chung và sản xuất rừng kinh tế nói riêng mang lại chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và giá trị thực của nó.

Có một thực tế là sản lượng khai thác thì nhiều nhưng năng suất và giá trị mang lại rất thấp. Trung bình mỗi năm nhân dân từ vùng thấp đến vùng cao khai thác từ 7.000 - 8.000ha, sản lượng đạt 210 - 220 ngàn m3 gỗ, như vậy bình quân năng suất cũng chỉ đạt hơn 50m3 gỗ/ha. Với năng suất như vậy, tính theo giá thị trường 1.200 ngàn đồng/m3 thì mỗi héc-ta cũng chỉ mang lại 60 triệu đồng.

Nhìn tổng thể thì đây là một số tiền lớn nhưng đem chi cho một chu kỳ kinh doanh thì mỗi năm người trồng rừng cũng chỉ thu 10 triệu đồng/ha chưa trừ tiền giống, phân bón, công chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh và khai thác. Mức thu như vậy là quá thấp so với các loại cây trồng khác, vẫn biết mọi so sánh đều là khập khiễng nhưng sau trừ chi phí người trồng rừng chẳng lời lãi là mấy, hay nói đúng hơn là lấy công làm lãi. Đây là một sự lãng phí công sức lao động và tài nguyên đất đai cũng như lợi thế vùng.

Nguyên nhân chính dẫn tới năng suất, chất lượng rừng thấp là thiếu những bộ giống cây lâm nghiệp tốt, việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất yếu, thiếu sự đầu tư, chăm sóc. Giống trồng rừng hiện nay phổ biến là keo, bạch đàn và bồ đề - những loại cây phù hợp cho nguyên liệu giấy và chế biến mộc dân dụng. Tuy nhiên, phần lớn giống cây được mua trôi nổi ngoài thị trường, chất lượng rất kém, không rõ nguồn gốc.

Ông Hoàng Văn Lục một chủ rừng ở xã Việt Hồng nói: "Chúng tôi cũng biết việc đưa các giống tiến bộ vào trồng tốt hơn, cây sạch bệnh, chu kỳ sinh trưởng ngắn, năng suất có thể đạt 80-120m3/ha nhưng biết mua ở đâu? Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có rất nhiều vườn ươm, cơ sở sản xuất giống nhưng tìm được giống tốt, giống chuẩn không hề đơn giản".

Đối với các huyện vùng cao như Trạm Tấu, Mù Cang Chải và các xã vùng thượng huyện Văn Chấn thì cơ cấu giống vẫn chủ yếu là cây bản địa có chu kỳ kinh doanh dài, năng suất thấp, chất lượng rừng không cao, khai thác không chuẩn, tập quán của người dân là khai thác trắng, khi chu kỳ cây được 6 - 7 năm, nhất là vài năm trở lại đây thị trường ván bóc phát triển thì cây chưa đủ tiêu chuẩn người dân cũng đã khai thác dẫn đến hiệu quả kinh tế thấp.

Bên cạnh đó, do thiếu quản lý, quy hoạch đã bung ra quá nhiều cơ sở chế biến làm ảnh hưởng không nhỏ tới sản xuất lâm nghiệp và môi trường. Do quá nhiều cơ sở chế biến nên để có nguyên liệu cho sản xuất buộc phải tranh giành mua nguyên liệu một cách tận diệt. Người dân thấy lợi trước mắt khi rừng chưa đến tuổi khai thác nhưng vẫn chặt để bán, ảnh hưởng không nhỏ tới năng suất và chất lượng nguyên liệu. Một vấn đề nữa là số nhà máy, cơ sở chế biến nhiều nhưng chất lượng rất thấp và chủ yếu là sơ chế dẫn tới hiệu quả kinh tế không cao.

Lời giải

Để ngành lâm nghiệp nói chung và nghề trồng rừng nói riêng phát triển, vấn đề trước mắt là cần làm tốt công tác quy hoạch để làm cơ sở cho bảo vệ và phát triển rừng. Cùng với đó là nâng cao nhận thức của người dân về công tác bảo vệ và phát triển rừng. Đối với diện tích rừng đặc dụng cần được giao khoán bảo vệ nghiêm ngặt, duy trì bảo tồn nguồn gen và tính đa dạng sinh học của rừng. Rừng tự nhiên, rừng phòng hộ giao khoán bảo vệ và lợi dụng rừng một cách hợp lý theo Quy chế quản lý rừng phòng hộ, tránh mọi hoạt động gây bất lợi, xâm hại vào vốn rừng.

Tỉnh cũng cần đây mạnh triển khai thực hiện Đề án giao đất giao rừng, ưu tiên giao cho các cộng đồng, hợp tác xã, hộ gia đình quản lý và hưởng lợi lâu dài theo quy hoạch, kế hoạch đã được phê duyệt; áp dụng và xây dựng, hoàn thiện quy trình, quy phạm kỹ thuật về trồng rừng, khoanh nuôi phục hồi rừng, cải tạo nuôi dưỡng và làm giàu rừng; xây dựng các mô hình kinh doanh gỗ lớn bằng các loài cây có giá trị kinh tế ở các huyện, xã vùng cao dần ổn định lâm phần theo quy hoạch và đưa nghề rừng trở thành mũi nhọn trong cơ cấu kinh tế lâm nghiệp.

Cần xây dựng những mô hình kinh doanh cây gỗ lớn đáp ứng cho sản xuất rừng công nghiệp.

Một vấn đề hết sức quan trọng là cần lựa chọn cho được tập đoàn cây trồng thích hợp với nhiều dạng địa hình, khí hậu, đất đai khác nhau, sinh trưởng nhanh, chu kỳ ngắn vào trồng thâm canh, thay thế dần những cây trồng kém chất lượng bằng loài có giá trị kinh tế cao lại có tác dụng bảo vệ môi trường sinh thái. Đối với phát triển rừng sản xuất, cần đưa những giống có chất lượng, tiến bộ, giá trị kinh tế cao vào sản xuất, trong sản xuất cũng phải đầu tư thâm canh để rút ngắn chu kỳ, tạo năng suất. Muốn làm được điều đó phải làm tốt công tác quản lý giống đồng thời hoàn thiện quy hoạch giống cây lâm nghiệp, chuyển hóa nhanh những rừng giống từ các lâm phần được tuyển chọn, xây dựng chỉ dẫn địa lý cho các rừng giống làm cơ sở cung cấp giống đủ tiêu chuẩn; nghiên cứu tạo giống cây mới, nhập nội những giống cây sinh trưởng nhanh, năng suất tốt; áp dụng công nghệ sinh học, nuôi cấy mô tế bào vào sản xuất giống để bảo đảm nguồn giống, đủ giống, chất lượng giống; lựa chọn loài cây sinh kế, kết hợp cây trồng chính, dần phá bỏ độc canh để đảm bảo canh tác nông - lâm bền vững, hiệu quả; khuyến khích gây rừng trồng gỗ lớn đáp ứng cho chế biến công nghiệp.

Song song với đó, tỉnh cũng cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ giống, phân bón, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Trong chế biến cần tuân thủ quy hoạch của ngành công nghiệp đồng thời rà soát, sắp xếp loại doanh nghiệp; khuyến khich doanh nghiệp đổi mới công nghệ, thiết bị phù hợp gắn với vùng nguyên liệu; tập trung đi vào chế biến có chiều sâu để tăng giá trị gia tăng của sản phẩm gỗ cũng như nâng cao hiệu suất sử dụng nguyên liệu, bảo đảm môi trường.

Cùng đó là nghiên cứu thị trường một cách chi tiết để sản xuất ra những sản phẩm có tính cạnh tranh cao, phù hợp với nguồn lực địa phương, hạn chế chế biến thô; tăng cường hợp tác quốc tế, thu hút đầu tư đầu tư vào sản xuất vùng nguyên liệu cũng như chế biến tiêu thụ sản phẩm. 
Nhìn rõ những lợi thế, tiềm năng cũng như chỉ ra những hạn chế để khắc phục, cùng với những định hướng, hướng đi phù hợp với xu thế, chắc chắn sản xuất lâm nghiệp sẽ phát triển bền vững. Giá trị sản xuất không chỉ dừng lại con số 1.400 tỷ mà sẽ tăng lên nhiều lần trong những năm tới, để lâm nghiệp trở thành một ngành kinh tế trụ cột trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương.