Bạn đang ở đây

Để có nhiều hàng Việt ra thế giới

21/10/2011 13:03:43

Doanh nghiệp trong và ngoài nước trao đổi, giới thiệu hàng hóa tại hội thảo
Ông Nguyễn Trọng Nguyễn, doanh nhân Việt Nam tại Hoa Kỳ, Giám đốc Công ty Anson Limited:
Doanh nhân Việt kiều có lợi thế về kiến thức và kinh nghiệm chuyên môn để tiếp cận với các công nghệ tiên tiến, từ đó có thể đưa về Việt Nam để ứng dụng vào sản xuất công nghiệp, tăng thêm giá trị và hiệu quả sản xuất cho các sản phẩm xuất khẩu từ Việt Nam. Tôi muốn gợi ý rằng, các quyền sử dụng hay sở hữu công nghệ tiên tiến này có thể hợp đồng bán lại cho các cơ sở sản xuất hàng xuất khẩu tại Việt Nam, nhưng sẽ thanh toán bằng sản phẩm để các nhà đầu tư phân phối hàng nước sở tại có thể thu hồi vốn cùng lợi nhuận của việc đầu tư vào công nghệ của mình mà không tạo áp lực về thanh toán cho bên sản xuất tại Việt Nam. Giải pháp này sẽ giúp giảm giá sản phẩm và tăng hiệu quả sản xuất cho bên Việt Nam, mang lại lợi ích cho cả nhà sản xuất và nhà phân phối.

Ông Đỗ Trác Bàng, Chủ tịch Hiệp hội Hữu nghị Canada - Việt Nam, Đại sứ Hữu nghị của thành phố Toronto tại Việt Nam:
Tôi xin đóng góp mấy điểm mà các bộ, ngành trong nước nên làm để phát triển hàng hóa Việt Nam ra thị trường quốc tế. Đó là cần phổ biến một phong trào kêu gọi tấm lòng của kiều bào khắp thế giới ưu tiên dùng hàng Việt Nam như: "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng quê hương". Cũng như Bộ Thương mại, Bộ Ngoại giao Việt Nam phải vào cuộc, thành lập một "tiểu ban" hỗn hợp tác động hàng Việt Nam xuất khẩu, phối hợp liên ngành với Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư của các tỉnh, thành phố và địa phương trong nước, phối hợp chuyên trách làm ngoại giao và kỹ thuật thương mại. Trước hết tập trung thường xuyên tổ chức tham dự và quảng bá trong các cuộc triển lãm tại các nước có dân số đông, tầm tiêu thụ hàng xuất khẩu Việt Nam cao. Thêm nữa, cần có phương án chọn lọc, đào tạo và giúp đỡ cho doanh nghiệp Việt kiều nước ngoài hoặc công ty môi giới nước ngoài có khả năng tìm hợp đồng nhập khẩu hàng Việt Nam vào nước của họ.

Ông Phạm Ngọc Chu, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Hungary, Phó Chủ tịch Ủy ban Hợp tác kinh tế Việt Nam - Hungary:
Chúng ta cần xây dựng chiến lược xuất khẩu hàng hóa Việt Nam ra nước ngoài. Đây là việc làm "sống còn", lợi ích không chỉ 5 hoặc 10 năm mà cho cả các thế hệ mai sau. Triển khai một mặt hàng ra thị trường mới có rất nhiều kiểu làm, làm theo phương án nhiều tiền (như marketing, đại chúng) hoặc theo kiểu ít tiền (xách túi đi bộ chào hàng), phương án nào cũng có giá trị kinh tế của nó. Ở những nước có đời sống cao, người dân luôn tôn trọng giá trị lao động, không phân biệt hay kỳ thị.

Một điểm nữa, chi phí cho một văn phòng hoạt động ở châu Âu là rất tốn kém. Vậy nếu, một cơ sở sản xuất không đủ tài chính để làm việc này, chúng ta có thể chung nhiều nhà máy, sản phẩm để mở văn phòng triển khai thị trường mới. Có văn phòng giao dịch, địa chỉ liên lạc mới chỉ là bước đầu. Các bước tiếp theo như mang hàng đi chào, tìm khách hàng là một quãng đường dài đầy khó khăn gian khổ, nên người đi làm đại diện ở nước ngoài cần có trình độ về thị trường, kinh doanh, đàm phán... Về chiến lược lâu dài, tôi cho rằng, hàng của mình nhất thiết phải tự mình đi bán và xây dựng thương hiệu; nếu nhờ các công ty khác chào bán hộ sẽ không thể bám chặt thị trường và người tiêu dùng, thậm chí có khi còn bị đánh cắp thương hiệu.

Thanh Hải