Bạn đang ở đây

Đẩy mạnh thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp

26/12/2014 08:42:21

Là tỉnh miền núi, nằm sâu trong nội địa nhưng so với nhiều địa phương khác, Yên Bái không phải là không có những lợi thế thu hút đầu tư. Đó là thế mạnh về nông lâm nghiệp, về khoáng sản, về nguồn lao động dồi dào với trên 40 vạn người trong độ tuổi lao động, hệ thống giao thông đa dạng... Ngoài ra, các khu công nghiệp của tỉnh đều được quy hoạch bám sát đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai… Vì vậy, rất thuận lợi cho nhà đầu tư trong quá trình vận chuyển nguyên vật liệu và hàng hóa, giúp tiết kiệm thời gian và chi phí vận chuyển.

Biến những lợi thế, tiềm năng đó thành hiện thực, Yên Bái đã triển khai hàng loạt các giải pháp thu hút đầu tư từ xúc tiến thương mại cho đến những ưu đãi về đất đai, giải phóng mặt bằng và thủ tục hành chính.

Theo ông Nguyễn Hữu Hiền - Trưởng Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh, đến thời điểm này, Yên Bái đã quy hoạch được 5 khu công nghiệp, trong đó có 3 khu công nghiệp được Thủ tướng Chính phủ thành lập thuộc hệ thống các khu công nghiệp quốc gia, gồm: Khu công nghiệp phía Nam, Khu công nghiệp Minh Quân, Khu công nghiệp Âu Lâu; 2 khu công nghiệp theo quy hoạch của tỉnh, là: Khu công nghiệp Bắc Văn Yên, Khu công nghiệp Mông Sơn.

Để thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp này, tỉnh chỉ đạo các cấp, ngành xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách đặc thù thu hút các nhà đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp; hỗ trợ, tạo điều kiện để các chủ đầu tư hạ tầng khu công nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay dài hạn với lãi suất ưu đãi để thực hiện tốt công tác đền bù, giải tỏa, giải phóng mặt bằng và xây dựng cơ sở hạ tầng cho các khu công nghiệp; triển khai việc xây dựng chương trình xúc tiến, mời gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư xây dựng hạ tầng các khu công nghiệp; tăng cường áp dụng cải cách thủ tục hành chính trong cấp giấy chứng nhận đầu tư, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; thực hiện tốt cơ chế một cửa, một cửa liên thông…

Ông Nguyễn Hữu Hiền khẳng định: “Với những giải pháp tích cực trên, tuy các khu công nghiệp của tỉnh phát triển chưa mạnh, số lượng nhà đầu tư vào các khu công nghiệp chưa nhiều, song hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp đã mang lại kết quả đáng kể, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh”.

Đến nay, các khu công nghiệp tỉnh đã thu hút được 30 dự án của 27 nhà đầu tư, trong đó có 28 dự án đầu tư trong nước với tổng số vốn đăng ký đầu tư là 7.984,2 tỷ đồng và 2 dự án đầu tư nước ngoài với tổng số vốn đăng ký là 1.295,0 tỷ đồng. Đã có 16/30 dự án đi vào sản xuất kinh doanh. Năm qua, mặc dù gặp không ít khó khăn nhưng các nhà máy, công ty trong các khu công nghiệp đã nỗ lực sản xuất, kinh doanh. Nhờ đó, giá trị sản xuất công nghiệp 11 tháng năm 2014 đạt  trên 1 nghìn 100 tỷ đồng, giá trị xuất khẩu đạt 7,5 triệu đô la, nộp ngân sách Nhà nước 75 tỷ  đồng, giải quyết việc làm cho gần 2 nghìn lao động với mức lương từ 3-3,3 triệu đồng/người/tháng.

Từ kết quả trên cho thấy, hoạt động của các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp của tỉnh đã góp phần thúc đẩy sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu, thu hút vốn đầu tư, tăng thu nộp ngân sách Nhà nước; tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, giảm tệ nạn xã hội, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao giá trị sản xuất công nghiệp, nâng cao trình độ công nghệ sản xuất, tạo ra nhiều sản phẩm cho xã hội… Sản xuất công nghiệp thực sự trở thành nền tảng và là ngành kinh tế mũi nhọn, động lực mạnh mẽ thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa hiện đại hóa của tỉnh.

Để thu hút đầu tư vào khu công nghiệp nói riêng và địa bàn tỉnh nói chung, thời gian tới, Yên Bái sẽ tiếp tục cải cách thủ tục hành chính trong cấp Giấy chứng nhận đầu tư, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; thực hiện tốt cơ chế một cửa, một cửa liên thông, giải quyết các thủ tục đầu tư nhanh chóng, thuận lợi cho các nhà đầu tư vào các khu công nghiệp. Yên Bái xác định đây là khâu quan trọng trong xúc tiến, thu hút mời gọi nhà đầu tư vào các khu công nghiệp. Vì vậy, tỉnh giao trách nhiệm cho các sở, ban, ngành, các địa phương có trách nhiệm hướng dẫn thủ tục đầu tư, thủ tục cấp chứng chỉ quy hoạch xây dựng, thủ tục thu hồi đất, giao đất,  thuê đất, thẩm định và chấp thuận địa điểm đối với các dự án đầu vào địa bàn các huyện, thị, thành phố…; đồng thời có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư thực hiện dự án tại địa phương.

Theo YBĐT