Đa dạng nội dung khuyến công
Thời gian qua, số lượng các nội dung hoạt động khuyến công tại các tỉnh phía Băc ngày càng đa dạng và phong phú hơn. Quy mô và chất lượng các đề án khuyến công ngày càng được nâng cao và có tác động rõ nét đến phát triển công nghiệp ở nông thôn.
Năm 2013, các tỉnh đã đào tạo, truyền nghề và nâng cao tay nghề cho 32.015 lao động nông thôn, tập trung vào một số ngành nghề chính là: nghề may công nghiệp, da giày, chế biến nông- lâm- thủy hải sản, chế tạo, gia công cơ khí và một số ngành nghề tiểu thủ công nghiệp sản xuất các sản phẩm phục vụ xuất khẩu gắn với vùng nguyên liệu, làng nghề truyền thống hoặc những địa bàn khó khăn và đặc biệt khó khăn. Các hoạt động đào tạo nghề đều gắn với nhu cầu lao động của các cơ sở công nghiệp nông thôn.
Ngoài các hoạt động khuyến công theo chương trình, hiện nay các tỉnh phía Bắc đang thực hiện một số hoạt động khác để hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn như: Hỗ trợ công nhận làng nghề truyền thống; thực hiện xét tặng công nhận danh hiệu nghệ nhân, thợ giỏi, người có công đưa nghề mới về tỉnh. |
Với Chương trình phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, các tỉnh cũng đã hỗ trợ cho khoảng 1.070 cơ sở công nghiệp nông thôn kinh phí thuê khoảng 2.447 gian hàng tham gia các hội chợ triển lãm trong nước; hỗ trợ tổ chức được 7 hội chợ cấp tỉnh, huyện.
Trung tâm khuyến công các tỉnh cũng đã hỗ trợ xây dựng 74 mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất sản phẩm mới, ứng dụng công nghệ mới; hỗ trợ 224 cơ sở ứng dụng máy móc tiên tiến vào các khâu sản xuất và xử lý ô nhiễm môi trường; hỗ trợ 12 doanh nghiệp tiếp nhận chuyển giao công nghệ mới.
Bên cạnh đó, các chương trình như hỗ trợ liên doanh, liên kết hợp tác kinh tế và phát triển các cụm công nghiệp; tư vấn, trợ giúp các cơ sở công nghiệp nông thôn và Chương trình cung cấp thông tin về các chính sách phát triển công nghiệp, khuyến công cũng được triển khai hiệu quả.
Đổi mới phương thức hoạt động
Tuy nhiên, hoạt động khuyến công các tỉnh phía Bắc vẫn còn một số bất cập, tồn tại cần được khắc phục. Nguồn kinh phí vẫn tập trung chủ yếu vào các tỉnh, thành phố của vùng đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung bộ; các tỉnh miền núi phía Bắc vẫn còn thấp. Việc xem xét đề án từ cơ sở và việc thẩm định, phê duyệt còn chậm, quy định về thủ tục hồ sơ còn nhiều, mức hỗ trợ thấp nên không hấp dẫn đối với nhiều cơ sở công nghiệp nông thôn.
Chính vì vậy, nhiệm vụ năm 2014 được Trung tâm KC&TVPTCN 1 xác định: đổi mới phương thức hoạt động khuyến công là biện pháp thiết thực để góp phần thúc đẩy phát triển công nghiệp nông thôn và xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn hiện nay. Tăng cường mối quan hệ, liên kết vùng giữa Trung tâm KC&TVPTCN 1 với Trung tâm Khuyến công các tỉnh, thành phố trong khu vực; tham mưu xây dựng kế hoạch khuyến công quốc gia và kế hoạch khuyến công địa phương hàng năm và từng giai đoạn nhằm đảm bảo chất lượng, phù hợp với quy định về khuyến công tại Nghị định số 45/2012/NĐ-CP ngày 21/5/2012 của Chính phủ; tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách khuyến công đến các cơ quan, tổ chức có liên quan và các cơ sở công nghiệp nông thôn; thu thập xây dựng cơ sở dữ liệu về công nghiệp nông thôn, ngân hàng các đề án khuyến công và một số đề án khuyến công trọng điểm triển khai trong nhiều năm. Tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy. Tăng cường cử cán bộ đi đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Theo Báo Công thương