Nhiều năm về trước, sắn ở Văn Yên chỉ là cây xen canh, được trồng làm thức ăn chăn nuôi như bao địa phương khác. Nhưng đầu những năm 2.000 nhiều giống sắn cao sản từ Nam ra Bắc lần lượt được Công ty Cổ phần Nông lâm sản Yên Bái đưa về đồng đất Văn Yên để thay thế cho sắn địa phương. Với sự vào cuộc quyết liệt từ phía Công ty và chính quyền địa phương, diện tích sắn cứ thế mở rộng dần.
Thời điểm này, Nhà máy Chế biến sắn cũng được đầu tư xây dựng tại xã Đông Cuông với 2 dây chuyền chế biến tinh bột tổng công suất 150 tấn sản phẩm/ngày, tương đương 600 tấn sắn củ tươi, phong trào trồng sắn cao sản đã lan rộng. Các giống sắn cao sản KM94, KM60 và HN124… được người dân biết đến và gây trồng nhiều hơn. Sắn cao sản dần trở thành cây trồng chủ lực và là cây kinh tế thoát nghèo của nhiều hộ dân.
Ông Phạm Văn Thi, xã Đông Cuông cho biết: “Nhà tôi có khoảng 2ha sắn cao sản. Đây là cây trồng chủ lực của gia đình, mọi nguồn thu đều phụ thuộc vào cây sắn. Vào vụ thu hoạch chúng tôi cũng như nhiều bà con khác ở đây đều bán cho Nhà máy sắn. Với năng suất bình quân 25 tấn/ha, mỗi năm gia đình tôi thu về hàng chục triệu đồng”.
Hàng năm, Nhà máy thông qua chính quyền địa phương ký cam kết bảo đảm bao tiêu sản phẩm, áp dụng giá mua linh hoạt theo thị trường, thanh toán nhanh gọn bằng tiền mặt đồng thời có chính sách hỗ trợ canh tác sắn bền vững, trích hỗ trợ theo diện tích, sản lượng, doanh thu để các xã, các hợp tác xã và các đại lý tái đầu tư sản xuất. Đặc biệt, Nhà máy còn thực hiện tốt việc đóng góp tài chính theo quy định trong Đề án canh tác sắn bền vững của huyện Văn Yên để triển khai công tác khuyến nông ở vùng nguyên liệu; phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện xây dựng các mô hình khảo nghiệm giống sắn có năng suất cao, hàm lượng tinh bột nhiều để có thể áp dụng trên đồng đất Văn Yên.Phó chủ tịch UBND xã An Bình Lê Cao Tấn cho biết: “Là 1 trong những xã nằm trong vùng nguyên liệu chính, những năm qua Nhà máy đều hỗ trợ kinh phí cho xã tăng cường tuyên truyền, vận động và hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp canh tác sắn bền vững. Trong 5 năm qua, An Bình đã thực hiện canh tác bền vững 519ha sắn, trên tổng số 550ha, đạt 100% so với Nghị quyết đề ra”.
Để đảm bảo nguồn nguyên liệu, ngoài ký kết hợp đồng canh tác bền vững và bao tiêu quản lý vùng nguyên liệu với 8 xã vùng nguyên liệu chính, Nhà máy cũng đã ký hợp đồng cung cấp nguyên liệu với 5 hợp tác xã và tất cả các đại lý trên địa bàn huyện, chủ động bố trí đủ vốn cho công tác thu mua nguyên liệu, giá thu mua được điều chỉnh linh hoạt theo thị trường, cân đo đầy đủ, thanh toán kịp thời. Bên cạnh đó, Nhà máy phân công cán bộ bám sát địa bàn, phối hợp với các xã, hợp tác xã, đại lý xây dựng kế hoạch thu mua, thu hoạch cho từng địa phương để lượng sắn nguyên liệu đưa về Nhà máy không bị thiếu hoặc quá tải.
Theo ông Nguyễn Quốc Trinh - Giám đốc Nhà máy Chế biến sắn Văn Yên, những năm gần đây, Nhà máy sắn Văn Yên đã nỗ lực đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng hai quy trình xử lý nước thải bằng hệ thống hồ Biogas, giải quyết đáng kể tình trạng ô nhiễm môi trường, làm giảm gần như tuyệt đối ô nhiễm không khí trong quá trình chế biến. Đặc biệt, đơn vị đã tiếp cận công nghệ thu gom nước thải từ chế biến sắn để tạo thành nguồn nhiên liệu khí gas phục vụ sấy tinh bột sắn.
Cùng với hoàn thiện đầu tư hệ thống xử lý chất thải, Nhà máy đầu tư lắp đặt dây chuyền sấy khô bã sắn làm nguyên liệu chế biến thức ăn gia súc trị giá 15 tỷ đồng. Hiện nay, dây chuyền đang trong giai đoạn hoạt động thử nghiệm, công suất đạt từ 20 đến 30 tấn bã sắn khô/ngày. Những đột phá này không chỉ tiết kiệm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm mà còn tạo thêm việc làm cho người lao động tại địa phương cũng như giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tăng lợi nhuận cho đơn vị.
Có thể nói, với cách làm và bước đi đúng hướng, Nhà máy Chế biến sắn Văn Yên đã “bắt tay” bền chặt với chính quyền địa phương và người trồng sắn trong việc giải quyết hài hòa lợi ích giữa nông dân và doanh nghiệp, nhất là chính sách về giá thu mua, bao tiêu sản phẩm. Vì thế, vùng sắn cao sản phát triển ổn định và có giá trị kinh tế cao. Đến nay, với khoảng 8.000ha, sản lượng hàng năm đạt từ 170 nghìn đến 180 nghìn tấn sắn củ tươi, mỗi năm, nông dân Văn Yên thu về 200 tỷ đồng, trong đó, sản phẩm tinh bột sắn, sắn lát khô đã được xuất sang thị trường nhiều nước lớn như: Trung Quốc, Philippin, Hàn Quốc... với trị giá gần chục triệu đô mỗi năm.
Theo YBĐT