Bạn đang ở đây

Đánh thức chè Shan Phình Hồ

29/08/2012 11:24:55

Nhà chị Cứ Thị Máy ở Thôn Tà Chử, xã Phình Hồ có 5000m2 chè Shan, chuẩn bị vào năm học mới 2012 - 2013 chị Cứ Thị Máy lên nương hái chè để lấy tiền mua sách vở, quần áo mới cho con. Chị Máy không nhớ có bao nhiêu gốc chè trên nương nhà mình, chỉ nhớ cây nhiều tuổi nhất bằng tuổi đứa con thứ 2 của chị, năm nay nó 10 tuổi vậy là 10 năm qua chị vẫn 1 năm 4 lần lên nương hái chè Shan. Lúc đắt lúc rẻ, giá cả phập phù, nhưng cũng từ mảnh nương này mà 5 đứa con nhà chị năm nào cũng được mặc quần áo mới, có sách vở mới để đến lớp, và cũng từ nương chè này có tiền để đong gạo ăn lúc giáp hạt, và khi đắt nhất còn để dành được chút đỉnh. Chị Cứ Thị Máy chia sẻ: "Mỗi lần hái đi bán cũng được khoảng 1 triệu, 1 vụ cũng đi hái được mấy lần, đủ tiền để mua sách vở, quần áo cho con đi học, và mua những vật dụng cần thiết phục vụ cho sinh hoạt hàng ngày, nhưng giá cả thì phập phù lắm, lúc đắt được 4000 đồng hoặc 5000đ/kg, lúc rẻ cũng chỉ 2000 hoặc 3000đ/kg thôi. Nhà mình ở xa, lúc có xe máy mang xuống Nghĩa Lộ thì bán được đắt hơn, chứ bán cho mấy người buôn ở đây thì rẻ lắm. Nương chè nhà mình ít cây quá mình mong được Nhà nước đầu tư, cho cán bộ kỹ thuật về hướng dẫn mình trồng thêm cây vào, vì cây chè sống ở đây rất tốt"

Nhà anh Hờ A Giao ở thôn Tà Chử có gần 1ha chè Shan nên mỗi lần đi hái, đều phải đợi vào ngày nghỉ vì lúc ấy các con, cháu được nghỉ học mới có nhiều người giúp. Anh Giao khoát tay chỉ về phía trước và chia sẻ rằng, nương chè nhà anh có gần 1 ha nhưng phân bố ở rất nhiều nơi, diện tích không tập trung nên mỗi lần thu hái, mang về rất vất vả. Được cái thu nhập từ chè cũng kha khá giúp gia đình anh qua được lúc khó khăn đứt bữa, và có tiền trang trải cuộc sống hàng ngày.

Nếu như một năm cấy hai vụ lúa trên khoảng 5000m2 ruộng nước, và trồng thêm 2 vụ ngô trên khoảng 1ha ruộng nương thì số tiền từ bán chè có thể để dành, anh Giao kể rằng: Mỗi lần đi hái chè bán cũng được khoảng 2 triệu, nhưng phần lớn tiền bán chè để những người phụ nữ trong nhà cất nên 1 năm cũng không biết được bao nhiêu tiền, chỉ biết 1 năm 4 vụ chè, mỗi vụ cũng đi hái mấy lần. Anh Giao nói: "Mình cũng giống như nhiều hộ khác, tiền bán chè để mua quần áo, sách vở cho con, và mua những vật dụng thiết yếu phục vụ cho sinh hoạt hàng ngày. Bây giờ mình cũng chỉ mong muốn có cán bộ kỹ thuật về đây giúp nhà mình trồng thêm cây chè trên diện tích này, vì ngày trước bố mẹ mình trồng thưa quá, diện tích nhiều nhưng cây thì ít. Mình cũng mong được Đảng, Nhà nước quan tâm xây cho xã một nhà máy chế biến chè để có giá ổn định, nếu không thương lái lên đây mua giá cả phập phù mình cũng không biết đắt hay rẻ"

Toàn xã Phình Hồ hiện nay có 89,4ha chè Shan, trong khi cả xã chỉ có 4 thôn với 218 hộ, chủ tịch UBND xã - Sùng A Nu cho biết: Thôn bản nào của xã cũng có chè. Trước đây người dân cũng chưa biết lợi ích của cây chè nên không mạnh dạn đầu tư, nên hiệu quả mang lại không cao, mấy năm gần đây chè Shan lên giá, thương lái lên mua nhiều nên giá chè đắt hơn người dân mới quan tâm đến phát triển cây chè, Thực tế cho thấy cây chè rất phù hợp với khí hậu, đất đai ở Phình Hồ, nhưng trên thực tế ở Phình Hồ diện tích chè lớn nhưng cây thưa nên sản lượng chưa cao. Anh Sùng A Nu - Chủ tịch UBND xã Phình Hồ cho biết thêm: "Thu nhập của đồng bào Phình Hồ chủ yếu cũng từ cây chè, với giá cả như hiện nay là 4500đ/kg thì đời sống của nhiều hộ dân cũng đã được cải thiện. Để phát triển cây chè thì xã sẽ tiếp tục tuyên truyền hướng dẫn nhân dân cách cải tạo, chăm sóc các diện tích chè đang có, bởi thực tế hiện nay thì ở Phình Hồ chỉ có thể trồng dặm trên những diện tích trồng thưa vì đất để trồng chè đã hết , và cũng mong muốn được Đảng, Nhà nước các ngành quan tâm xây dựng cơ sở chế biến chè, để tạo đầu ra bền vững cho người dân."

Tiềm năng  của chè Shan ở Phình Hồ đã được đánh thức, nhưng để phát huy hiệu quả của nó thì đã đến lúc cấp ủy, chính quyền địa phương cần phối hợp với các ngành chức năng thực hiện tốt các biện pháp vận động nhân dân cải tạo, chăm sóc cây chè, bên cạnh đó có cơ chế giám sát, theo dõi để thông tin kịp thời cho người dân về giá cả để giúp người dân không bị thiệt thòi. Trong điều kiện thực tế hiện nay khi Phình Hồ có 335 ha đất sản xuất, thì việc phát triển cây chè Shan thành cây xóa đói giảm nghèo là vệc làm rất cần thiết.

Theo CGTĐT