Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, về nguồn cung gạo năm 2014, dự kiến cả năm, sản lượng lúa đạt 45 triệu tấn, mặc dù diện tích giảm 54 nghìn ha, nhưng do áp dụng các tiến bộ kỹ thuật nên năng suất đạt 57,7 tạ/ha (tăng 1,7 tạ/ha so với 2013), sản lượng đã tăng 1 triệu tấn (2,3%). Sau khi trừ đi nhu cầu tiêu dùng trong nước (27,8 triệu tấn), lượng lúa hàng hoá cả năm khoảng 17,04 triệu tấn tương đương khoảng 8,5 triệu tấn gạo.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, tính đến ngày 31/12/2014, xuất khẩu gạo đạt 6,316 triệu tấn, kim ngạch đạt 2,789 tỷ USD (giá FOB), so cùng kỳ 2013, giảm 5,47% về lượng và giảm 3,59% về giá trị, giá xuất khẩu (FOB) bình quân tăng 8,55 USD/tấn. Hợp đồng xuất khẩu đăng ký luỹ kế đến 31/12/2014 là 6,82 triệu tấn. Theo số liệu sơ bộ của Tổng cục hải quan, năm 2014, cả nước xuất khẩu chính ngạch được khoảng 6,38 triệu tấn đạt trị giá 2,96 tỷ USD.
Trong thời gian tới, do nguồn cung trong nước sẽ được bổ sung từ vụ thu hoạch mới (khoảng hơn 1,5 triệu tấn trong tháng 1 và 2/2015), trong khi nhu cầu xuất khẩu chưa có dấu hiệu khả quan nên giá lúa gạo ổn định, trừ một số loại gạo chất lượng cao và gạo nếp có thể tăng nhẹ do nhu cầu tiêu dùng cao trong dịp Tết Nguyên đán.
Về thị trường giá cả, nhìn chung, giá các sản phẩm chăn nuôi năm 2014 và đầu tháng 1 năm 2015, không có biến động, ổn định ở mức bảo đảm cho người chăn nuôi có lãi, dịch bệnh được kiểm soát. Giá thịt lợn hơi hiện ở mức 48.000- 50.000 đ/kg, gà ta phổ biến ở mức 110.000 - 120.000 đ/kg; thịt bò loại I ở mức 240.000 -260.00 đ/kg. Do nhu cầu tiêu dùng trong thời gian tới sẽ tăng để phục vụ cho dịp Tết nên giá các loại thực phẩm sẽ có xu hướng tăng nhẹ. Tuy nhiên, giá nhiều sản phẩm chăn nuôi đang có lợi cho người sản xuất, nguồn cung bảo đảm.
Năm 2014, diện tích sản xuất rau khoảng 881 nghìn ha, tăng 32,8 nghìn ha so với năm 2013. Trong đó, miền Bắc diện tích đạt 400 nghìn ha, miền Nam đạt 481 nghìn ha. Năng suất đạt 162,0 tạ/ha, tăng 2,3 tạ/ha so vói năm 2013. Sản lượng cả nước ước đạt 15,419 triệu tấn, tăng 796 nghìn tấn so với năm 2013. Trong đó, miền Bắc đạt 6,415 triệu tấn và miền Nam đạt 9,004 triệu tấn.
Tính đến thời điểm hiện nay, kết quả sản xuất rau các tỉnh phía Bắc đạt 180 nghìn ha, tăng khoảng 15 nghìn ha so với cùng kỳ 2013. Thời gian qua do thời tiết lạnh nên nhìn chung giá các loại rau ở mức trung bình khá. Tại ruộng, su hào 2.500 – 3.000 đ/củ; bắp cải 5.000 đ/kg; cà chua tương đối cao 8-9.000 đ/kg, v.v… Nhìn chung, sản xuất rau vụ Đông để phục vụ Tết Nguyên đán 2015, nguồn cung dự kiến không thiếu nếu không có điều kiện bất thường về thời tiết.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá, nhìn chung, cung cầu một số mặt hàng lương thực, thực phẩm chủ yếu có nhu cầu cao vào dịp cuối năm là bảo đảm, có thể đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết sắp tới.
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, để đảm bảo cung ứng đủ sản phẩm với giá cả hợp lý cho người dân trong dịp Tết, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các địa phương làm tốt công tác bình ổn giá, đặc biệt là tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.
Hiện nay, UBND TP. Hà Nội đã tạm ứng 276 tỷ đồng cho doanh nghiệp (DN) để triển khai chương trình bình ổn giá, với mức lãi suất 0%. Bên cạnh đó, Sở Công Thương TP. Hà Nội đã kết nối để DN có thể vay tiền từ các ngân hàng triển khai chương trình bình ổn giá với mức lãi suất chỉ 6%/năm. Dự kiến, tổng giá trị hàng hóa bình ổn giá phục vụ Tết khoảng 16 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Sở Công Thương TP. Hà Nội còn chỉ đạo các DN tổ chức nhiều hoạt động, đưa hơn 100 chuyến hàng lưu động về vùng sâu, vùng xa...; tổ chức trên 600 điểm bán hàng bình ổn giá cố định, 1.600 điểm bán hàng lưu động, v.v...
Còn tại TP. Hồ Chí Minh, chương trình dự trữ hàng hóa bình ổn giá được triển khai khá tốt. Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh đã kết nối được 72 doanh nghiệp với 8 tổ chức tín dụng, với tổng số vốn huy động để triển khai chương trình lên tới 8.300 tỷ đồng. Toàn TP. Hồ Chí Minh đã xây dựng được 3.600 điểm bán hàng bình ổn giá.
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám, mặc dù nguồn cung thực phẩm dịp Tết khá dồi dào, giá cả dự kiến cũng tương đối ổn định nhưng cũng không thể chủ quan. Bởi có thể xảy ra vấn đề thiếu hàng cục bộ hoặc mất cân đối cục bộ ở một số địa phương trên cả nước. Bên cạnh đó, hiện nay, nhu cầu tiêu dùng hàng chất lượng cao, nhập khẩu từ nước ngoài của người dân ngày càng tăng lên, có thể dẫn tới thiếu mặt hàng chất lượng cao. Vì vậy, Bộ chủ trương sẽ kiểm soát chặt chất lượng hàng xuất nhập khẩu, từ các loại thịt tới rau quả, v.v... Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tập trung lực lượng phòng chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, đồng thời, đẩy mạnh công tác chống buôn lậu qua biên giới. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công Thương sẽ hợp tác chặt chẽ, thường xuyên để có thể đảm bảo cho người dân một cái Tết đầy đủ, an toàn.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định sẽ tăng cường phối hợp với Bộ Công Thương chỉ đạo các địa phương trực thuộc nhất là các tỉnh biên giới khu vực cửa khẩu tăng cường kiểm soát vấn đề nhập lậu gia súc, gia cầm và tạm nhập tái xuất thực phẩm. Tăng cường phối hợp thực hiện Biên bản ghi nhớ giữa hai Bộ trưởng: Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong các công tác cung cấp thông tin cân đối cung cầu kịp thời để điều tiết thị trường; Tăng cường tổ chức các đoàn công tác liên ngành trong dịp Tết nắm chắc tình hình nguồn hàng; Thông tin chỉ đạo đối với các Hiệp định thương mại tự do đã ký và sắp ký để phát huy các lợi thế nhằm thúc đẩy xuất khẩu nông lâm thủy sản; Tăng cường phối hợp tháo gỡ rào cản, mở rộng thị trường tiêu thụ cho các mặt hàng nông lâm thủy sản kể cả các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thủy sản; Đặc biệt là bố trí kinh phí xúc tiến thương mại thuộc Chương trình Xúc tiến thương mại Quốc gia cho quảng bá mở thị trường nông lâm thủy sản nhất là đối với các sản phẩm có giá trị gia tăng cao.
Bộ Công Thương sẽ chỉ đạo các địa phương thực hiện chính sách bình ổn giá thực phẩm hợp lý, vừa tránh tăng giá đột ngột và ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng, nhưng phải khuyến khích được sản xuất trong nước phát triển. Đối với một số mặt hàng có hạn ngạch thuế quan nên sớm công bố và có phương án đề xuất Chính phủ để điều hành nhịp nhàng, phù hợp với diễn biến cung cầu trong nước.
Nguồn: Moit.gov.vn