Bạn đang ở đây

CPI thấp bất thường nhưng không đáng ngại

09/03/2015 13:17:02

Giảm vì xăng, dầu

Việc chỉ số CPI tháng 2 giảm 0,05% so với tháng trước đang thu hút sự quan tâm của dư luận. Điều này càng trở nên đáng chú ý hơn khi đây là tháng Tết đầu tiên (trong vòng 10 năm qua), chỉ số giá tiêu dùng ở mức âm. Nhiều ý kiến lo ngại do sức mua thấp khiến CPI không tăng được. Tuy nhiên khi đưa ra các nguyên nhân chủ yếu tác động đến giá tiêu dùng tháng 2 giảm, Tổng cục Thống kê lại không đề cập đến yếu tố “sức cầu thấp”. Theo cơ quan này, CPI thấp trước hết là do lạm phát thời gian qua luôn được kiểm soát tốt, kinh tế vĩ mô ổn định. Hai là, giá xăng, dầu được điều chỉnh giảm ở mức sâu theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Ba là công tác bình ổn giá và việc bảo đảm nguồn cung, cầu hàng hóa trên thị trường trong dịp tết Nguyên đán được thực hiện hiệu quả.

Cụ thể, theo Tổng cục Thống kê, CPI tháng 2-2015 giảm chủ yếu do giá xăng, dầu được điều chỉnh giảm giá vào ngày 21-1-2015 (giá xăng giảm 1.900 đồng/lít (giảm 11,54%), giá dầu diezel giảm 1.460 đồng/lít (giảm 11,92%), giá dầu hỏa giảm 1.500 đồng/lít (giảm 10,09%) nên chỉ số giá nhóm giao thông giảm 4,41% đóng góp 0,39% vào mức giảm chung của CPI. Mặc dù tháng 2-2015 là tháng tết Nguyên đán nhu cầu của các mặt hàng lương thực, thực phẩm tăng lên nhưng do giá xăng dầu giảm mạnh, giá cước vận tải giảm theo nên giá lương thực, thực phẩm không tăng cao.

Chia sẻ với phóng viên về chỉ số CPI của tháng 2, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng đây là điều “bất thường”. Song ông Long cũng nhận định: Cốt lõi CPI tháng 2 giảm là do giá dầu giảm sâu dẫn đến chi phí vận tải hàng hóa giảm nhưng về lâu dài, lạm phát vẫn giảm thì lo nhiều hơn mừng. Vì vậy, việc kiềm chế, kiểm soát lạm phát phải ở mức độ hợp lý. Nếu giảm nhiều quá, giá cả hàng hóa quá thấp khiến DN không mặn mà sản xuất vì không thu được lợi nhuận.

Dù khẳng định CPI trong tháng Tết giảm là điều không bình thường, nhưng TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương khi trả lời báo chí đã đánh giá “điều này chưa đến mức đáng lo ngại”. Bởi vì, cũng như hầu hết các tháng trước, CPI giảm chủ yếu vẫn là do đóng góp của giá xăng dầu giảm, dẫn đến giảm chi phí đầu vào của hàng hóa. Mặt khác, việc chỉ số CPI giảm 0,05% là một mức khá nhỏ. Thực tế, giảm 0,05% hay tăng 0,05% thì cũng chỉ một khoảng cách rất nhỏ, nằm trong mức sai số cho phép, tùy theo lượng mẫu lựa chọn và sự tính toán của cơ quan thống kê.

Không lo giảm phát

Nếu như “sức mua thấp” là một trong những lý do thường được các chuyên gia đưa ra để bày tỏ mối quan ngại về CPI, thì trong 2 tháng đầu năm 2015, tình hình dần thay đổi. Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 2 tháng đầu năm 2015 tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. “Tính chung 2 tháng đầu năm nay, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tính đạt 542,7 nghìn tỷ đồng, tăng 11,4% so với cùng kỳ năm trước, loại trừ yếu tố giá tăng 10,7%, cao hơn mức tăng 6,2% của cùng kỳ năm 2014” - theo Tổng cục Thống kê.

Trong một báo cáo vừa công bố, Ngân hàng ANZ đã đánh giá: Niềm tin người tiêu dùng Việt tăng mạnh. Theo đó, chỉ số niềm tin người tiêu dùng Việt Nam trong tháng 2 với mức tăng 6,9 điểm, lên 142,3 điểm. Trong khi đó, mức trung bình của năm 2014 là 133,3 điểm. Bình luận về kết quả của chỉ số này trong tháng 2, ông Glenn Maguire, chuyên gia kinh tế trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương của ANZ cho rằng: “Năm Ất Mùi có thể là một năm triển vọng cho chi tiêu hộ gia đình ở Việt Nam. Dịp Tết âm lịch vừa qua đã đánh dấu mức kỷ lục về độ lạc quan của các hộ gia đình trên cả ba thành phần chính của chỉ số niềm tin người tiêu dùng của chúng tôi”.

Việc CPI ở mức âm không phải là điều lạ lùng ở Việt Nam trong một vài năm trở lại đây. Vào tháng 6 và tháng 7-2012, CPI cũng âm 2 tháng liên tiếp với mức giảm khá mạnh (lần lượt là 0,26% và 0,29%) khiến nhiều chuyên gia lo ngại kinh tế rơi vào giảm phát. Điều trùng hợp là CPI âm trong 2 tháng này cũng do sự giảm giá liên tiếp của các mặt hàng xăng, dầu, gas. Còn năm 2013, trong tháng 3-2013 CPI cũng “âm” 0,19% và tháng 4-2013 CPI chỉ tăng ở mức rất nhẹ là 0,02%. Năm 2014, CPI cả năm thấp kỷ lục ở mức 1,84%. Đây cũng là năm có 3 tháng CPI ở mức âm (tháng 3 âm 0,44%, tháng 11 âm 0,27%, tháng 12 âm 0,24%).

Khi CPI tháng 1-2014 giảm 0,2%, tức là giảm liên tục trong 3 tháng, có nhiều ý kiến e ngại dẫn đến giảm phát nhưng Chính phủ thống nhất rằng không có dấu hiệu giảm phát, vẫn giữ mục tiêu lạm phát đã đề ra là 5%. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cũng khẳng định, việc CPI tiếp tục giảm tháng thứ 3 liên tiếp không phải là dấu hiệu của sự giảm phát, bởi nguyên nhân chủ yếu do giá xăng, dầu, gas trong nước tiếp tục điều chỉnh giảm mạnh theo giá thế giới.

Thực tế, đằng sau những nỗi lo kinh tế rơi vào giảm phát thì tăng trưởng kinh tế vẫn liên tục tăng theo hướng năm sau cao hơn năm trước. GDP năm 2012 tăng 5,03%, năm 2013 GDP tăng 5,42%, GDP năm 2014 tăng 5,98%. Năm 2015, Chính phủ đặt ra chỉ tiêu GDP tăng 6,2%. TS Lê Xuân Bá, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng: “Cái khổ” là hình như Việt Nam sống trong khoảng thời gian dài nhiều chục năm lạm phát cao nên khi lạm phát thấp là khó chịu, bất an, thậm chí có tâm lý muốn đẩy lạm phát lên để tăng trưởng. Chúng ta cần phải bỏ tư duy đó, từ lãnh đạo đến công chức nhà nước, thậm chí người dân. Chúng ta muốn tăng trưởng cao nhưng cần lạm phát thấp.

Nguồn: baohaiquan.vn