Theo báo cáo của Tổ điều hành thị trường trong nước, giá các mặt hàng lương thực, thực phẩm đang có xu hướng tăng nhẹ, tiêu thụ tốt hơn. Các mặt hàng thực phẩm như thịt lợn, gà, trứng giá tăng do nguồn cung đang trong giai đoạn thấp điểm (theo chù kỳ sản xuất). Một số tỉnh phía Bắc do chịu ảnh hưởng của mưa bão, ngập úng, địa bàn bị chia cắt nên giá một số loại thực phẩm có hiện tượng tăng cục bộ, mức tăng từ 10-20%. Tuy nhiên do thời gian ngập úng không kéo dài nên hàng hóa cơ bản vẫn đáp ứng nhu cầu của người dân và giá cả hiện đã ổn định trở lại.
Các mặt hàng nhiên liệu như xăng dầu có sự điều chỉnh theo biến động giá thế giới. Đặc biệt là trong các ngày 23/6 và 7/7, giá xăng dầu được điều chỉnh tăng với mức giá 25.640 đồng/lít. Tuy nhiên, ngày 29/7, giá xăng được điều chỉnh giảm hơn 300 đồng và hiện bán ở mức 25.310 đồng/lít.
Trước việc điều chỉnh giá xăng trong thời gian qua, ông Trịnh Quang Khanh - Phó Chủ tịch kiêm người phát ngôn của Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam - khẳng định, liên Bộ Tài chính và Bộ Công Thương điều hành giá xăng dầu theo đúng tinh thần Nghị định 84.
“Cơ chế điều hành được tính theo giá trong giai đoạn 30 ngày. Và cơ chế điều hành của Liên bộ vẫn đang tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động doanh nghiệp.”- ông Trịnh Quang Khanh nhấn mạnh thêm.
Về các mặt hàng khác như phân bón, đường, vật liệu xây dựng, thức ăn chăn nuôi…giá tương đối ổn định.
Đề cập nguyên nhân làm tăng CPI, các thành viên phân tích, CPI nhóm thực phẩm có mức tăng cao nhất (tăng 0,58%) do một số mặt hàng như thịt lợn, gà, trứng tăng tại nhiều địa phương. Tiếp đến là nhóm giao thông và nhà ở vật liệu xây dựng (lần lượt tăng 0,45% và 0,44%) do ảnh hưởng việc tăng giá xăng cuối tháng 6 và đầu tháng 7 và đặc biệt nhu cầu dùng điện cao hơn trong mùa nắng nóng. Các nhóm còn lại tăng từ 0,03%- 0,26%. Riêng nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,01%. Như vậy, CPI tháng 7 tăng 0,23% so với tháng trước. Tính chung, 7 tháng đầu năm, CPI tăng 1,62% so với tháng 12/2013, tiếp tục là mức tăng thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây.
Ông Nguyễn Đức Thắng- Vụ trưởng Vụ thống kê giá (Tổng cục Thống kê) đánh giá, lạm phát thấp như hiện nay cho thấy, sự điều hành chính sách của Chính phủ về ổn định kinh tế vĩ mô vẫn diễn ra tốt. Với lạm phát sau 7 tháng chỉ 1,62%, có khả năng, lạm phát cả năm sẽ chỉ ở mức dưới 5%.
Sức mua “nhích” nhẹ
Bà Đinh Thị Mỹ Loan- Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ VN- cho biết: Trước thông tin sức mua tiêu dùng trong nước ảm đạm do nhu cầu thấp khiến CPI trong nhiều tháng thấp, các thành viên của Hiệp hội các nhà bán lẻ đã thống kê, phân tích doanh thu cho thấy, sức mua trên thị trường nhích lên chút nhưng không nhiều.
“Nếu như tháng trước, một người vào ở hệ thống siêu thị bán lẻ mua gần 130.000 đồng/lượt thì tháng này nhích lên 135.000- 136.000 đồng/lượt, chưa nhích lên 140 nghìn đồng. Tuy nhiên, sức mua vẫn còn kém, chưa thực sự khởi sắc”- bà Loan nói.
Sức mua tăng trưởng cũng thể hiện qua tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tháng 7 đạt 238.731 tỷ đồng, tăng 0,33% so với tháng 3/2014. Tính chung, 7 tháng đầu năm tổng mức bán lẻ đạt 1.654.871 tỷ đồng, tăng 11,42% so với cùng kỳ năm 2013. Nếu loại trừ yếu tố tăng giá, tổng mức bán lẻ 7 tháng đầu năm ước tăng 6,3% so với cùng kỳ năm trước.
Tháng 8: CPI tiếp tục tăng nhẹ
Theo các thành viên Tổ điều hành thị trường trong nước, trong tháng 8 sẽ có một số yếu tố tác động tăng CPI. Đó là tình hình mưa bão đang diễn biến phức tạp, nguồn cung một số mặt hàng thực phẩm đang trong giai đoạn thấp nên giá một số mặt hàng thực phẩm như thịt, rau xanh có thể tiếp tục tăng.
Trong tháng 8, Hà Nội chuẩn bị tăng giá dịch vụ y tế, nhưng đây không phải là đợt tăng đột biến như những lần trước, nên không ảnh nhiều đến CPI. Các mặt hàng khác nhìn chung không có nhiều biến động lớn. “Dự báo CPI tháng 8 tiếp tục tăng nhẹ so với tháng 7, có thể tăng 0,2%.”- ông Nguyễn Đức Thắng nhận định.
Để thúc đẩy phát triển thị trường, các thành viên trong Tổ điều hành kiến nghị: Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và đào tạo theo dõi, hướng dẫn các tỉnh thành phố dự kiến điều chỉnh tăng giá viện phí, học phí cơ sở công lập theo hướng đánh giá kỹ tác động của việc điều chỉnh, thời điểm điều chỉnh. Các bộ ngành có liên quan và các tỉnh biên giới tăng cường các hoạt động kiểm dịch thực vật, kết hợp với việc kiểm soát chất lượng thực phẩm, bảo đảm an toàn thực phẩm. |
Theo Báo Công thương