Ngày 24/6, Tổng cục Thống kê công bố chỉ số giá tiêu dùng tháng 6/2014.
Trong các nhóm hàng hóa tính CPI, chỉ duy nhất nhóm hàng bưu chính viễn thông giảm giá 0,13%. Còn lại có 10/11 nhóm hàng hóa tăng giá.
Cụ thể, nhóm hàng có quyền số lớn nhất trong rổ hàng hóa là hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,28%. Trong nhóm hàng này, chỉ số giá lương thực tháng lại giảm 0,43% so với tháng 5/2014 do các địa phương hoàn thành thu hoạch vụ Đông-Xuân với năng suất cao. Còn mặt hàng thực phẩm lại tăng 0,54% do ảnh hưởng từ chi phí vận chuyển cùng với một số loại rau củ quả trái vụ nên giá một số mặt hàng thực phẩm tăng cao hơn tháng trước
Tăng cao nhất là nhóm hàng thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,74%. Tăng cao thứ hai là nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,61%.
Các nhóm khác lần lượt tăng nhẹ là đồ uống, thuốc lá tăng 0,3%, văn hóa giải trí và du lịch tăng 0,27%, nhóm may mặc, mũ nón, giầy dép tăng 0,22%, giao thông tăng 0,18%.
Phân tích về các nguyên nhân tác động đến CPI, ông Nguyễn Đức Thắng, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê), cho rằng một trong những yếu tố khiến CPI tháng này tăng là do giá dịch vụ y tế tại TPHCM được điều chỉnh tăng từ ngày 1/6/2014 làm cho chỉ số giá dịch vụ y tế cả nước tăng 0,87%.
Hơn nữa, giá gas bình quân tháng 6/2014 tăng 1,43% do ảnh hưởng từ đợt điều chỉnh ngày 1/5/2014 mỗi bình gas 12kg tăng 8.000 đồng /bình và đợt điều chỉnh ngày 1/6/2014 mỗi bình gas 12kg tăng 5.000 đồng/bình.
Giá xăng dầu được điều chỉnh 4 đợt tăng giá, 5 đợt giảm giá. Như vậy, tính từ ngày 16/12/2013 đến ngày 15/6/2014 giá xăng tăng 1.270 đ/lít, giá dầu hỏa tăng 340 đ/lít, giá dầu diesel tăng 220đ/lít làm cho giá xăng dầu cả nước tăng 4,05% so với tháng 12 năm trước.
Không tính vào chỉ số CPI, chỉ số giá vàng giảm 0,12%, giá USD, chỉ số giá USD tăng 0,49%.
Đánh giá chung 6 tháng, đại diện Tổng cục Thống kê cho biết mức CPI tăng 1,38% so với cuối năm 2013 là mức thấp nhất kể từ năm 2006.
Như vậy có thể nói nếu không có những biến động lớn trong nước và trên thế giới, CPI năm 2014 đạt được mục tiêu đề ra của Quốc hội.
Khi CPI giữ được ở mức ổn định, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ, giảm lãi suất cho vay, giúp các doanh nghiệp giảm được chi phí đầu vào, giảm được giá thành sẽ kích thích nhu cầu tiêu dùng.
Bên cạnh đó, khi lãi suất huy động và lãi suất cho vay đều giảm sẽ tạo điều kiện khuyến khích người tiêu dùng nhiều hơn, từ đó cũng có tác động tích cực đến sản xuất và tăng trưởng.
Theo Chinhphu.vn