Thời tiết nắng nóng trên cả nước dẫn đến nhu cầu đối với các dịch vụ nghỉ mát, du lịch, các mặt hàng giải khát, điện tử, điện lạnh phục vụ làm mát có xu hướng tăng. Thị trường các hàng hóa thiết yếu nhìn chung ít biến động, giá cả phần lớn các mặt hàng như lương thực, thực phẩm, vật liệu xây dựng, phân bón, đường, thức ăn chăn nuôi… tiếp tục ổn định hoặc giảm nhẹ do nhu cầu đang trong giai đoạn thấp điểm hoặc nguồn cung dồi dào. Chính những yếu tố trên đã dẫn đến chỉ số CPI tháng 5 chỉ tăng 0,2% so với tháng 4. Tính chung, CPI 5 tháng đầu năm 2014 tăng 1,08% so với tháng 12/2013.
Các thành viên trong Tổ điều hành thị trường trong nước phân tích, CPI nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng có mức tăng cao nhất (tăng 0,43%) do ảnh hưởng của giá bình quân điện, nước sinh hoạt tăng và giá sửa chữa nhà cửa tăng, giá vật liệu xây dựng cao hơn do tác động từ cước vận tải.
Như vậy, kể cả khi giá xăng tăng mạnh, chi phí vận chuyển đã vọt lên cao sau khi nhà nước tăng cường kiểm soát xe quá tải... thì CPI cũng không tăng nhiều.
Sau 2 tháng CPI liên tiếp tăng thấp (tháng 4: 0,08%, tháng 5: 0,2%), có ý kiến lo lắng đây là biểu hiện dấu hiệu kinh tế giảm phát. Tuy nhiên, ông Nguyễn Đức Thắng- Vụ trưởng Vụ Thống kê giá- phân tích, CPI chỉ thiểu phát với trường hợp CPI tăng âm liên tục qua một thời kỳ nhưng hiện nay chưa có hiện tượng đó xảy ra. |
Ông Nguyễn Đức Thắng- Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê) - đánh giá, nếu so sánh cùng thời điểm 3 năm gần đây, chỉ số CPI tháng 5/2014 đạt mức cao hơn (năm 2012, CPI tháng 5 tăng 0,18%, năm 2013 giảm 0,06%). Nhưng thực sự với mức tăng 0,2% là không lớn.
Phân tích những yếu tố tác động đến CPI tháng 6, các thành viên tổ điều hành cho rằng, thị trường hàng hóa nhìn chung đang vào giai đoạn nhu cầu không cao, tính cả nhu cầu xuất khẩu và tiêu dùng trong nước. Tháng mùa hè, CPI bao giờ cũng ổn định hoặc âm. Theo quy luật, CPI tăng dần từ tháng 8, 9.
Tuy nhiên, do những bất ổn trên biển Đông nên có thể ảnh hưởng đến tỷ giá, nguồn hàng nhập khẩu và giá hàng hóa trong nước. Ngoài ra, trong tháng 6, TP.HCM sẽ điều chỉnh giá khám chữa bệnh, có thể ảnh hưởng đến CPI chung của cả nước nên dự báo CPI tháng 6 tiếp tục tăng nhẹ so với tháng 5.
Ngày 20/5, Bộ Tài chính có Quyết định số 1079/QĐ-BTC về việc áp dụng biện pháp bình ổn giá đối với sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi. Theo đó, ban hành mức giá tối đa trong khâu bán buôn đối với 25 sản phẩm sữa. Còn khâu bán lẻ, giá tối đa được xác định bằng giá tối đa trong khâu bán buôn cộng chi phí khác có liên quan theo hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền quản lý giá nhưng tối đa không quá 15% của giá tối đa trong khâu bán buôn.
Trước thông tin áp giá trần 25 sản phẩm sữa, nhiều chuyên gia lo ngại các doanh nghiệp kinh doanh sữa sẽ gặp khó khăn và tìm cách lách luật. Tuy nhiên, bà Nguyễn Thúy Nga- Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính)- cho rằng, khi bị áp giá trần với mức thấp hơn so với hiện hành, Bộ Tài chính đã có sự tính toán và loại trừ bớt những khó khăn cho doanh nghiệp. Trong quá trình thực hiện mà gặp vướng mắc thì sẽ tiếp tục tháo gỡ.
“Bộ Tài chính cũng đề nghị các bộ, ngành, ủy ban các tỉnh, thành phố “đồng lòng” thực hiện kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành mức giá tối đa ở các khâu bán buôn, bán lẻ trên địa bàn theo quy định của Quyết định số 1079. Xử lý nghiêm và công khai trên phương tiện thông tin đại chúng những trường hợp vi phạm”- bà Nguyễn Thúy Nga nhấn mạnh.
Theo Báo Công thương