Bạn đang ở đây

CPI tăng thấp, sức mua ấm dần

28/04/2014 09:50:12

Cước giao thông tăng cao.

Trong tháng 4, xu hướng giá cả của thị trường thế giới tăng giảm đan xen, không biến động nhiều là một trong những yếu tố góp phần cho thị trường trong nước ổn định. Trong khi giá ngô, khô dầu đậu tương, bột cá, bột giấy, phôi thép, một số sản phẩm xăng dầu… tăng nhẹ thì các mặt hàng sữa đường, LPG… tiếp tục chiều hướng giảm.

Trong nước, thị trường hàng hóa đã ấm lên nhưng kém sôi động, nguồn cung dồi dào, giá một số loại hàng hóa có diễn biến giảm như lương thực do thu hoạch rộ, xuất khẩu không được giá (phía Nam), thực phẩm (một số tỉnh phía Bắc), LPG, cước phí bưu chính viễn thông giảm…là những yếu tố tác động tích cực tới CPI.

4 tháng đầu năm CPI tăng thấp 0,88%. Nếu so mục tiêu khống chế CPI cả năm là 7% thì dư địa còn lại rất lớn cho 8 tháng cuối năm, phòng những rủi ro về giá năng lượng, lụt bão, dịch bệnh…

Đề cập nguyên nhân làm tăng CPI, các thành viên phân tích, trong tháng 4, CPI nhóm giao thông có mức tăng cao nhất 0,33%. Trong đó, giá xăng đã điều chỉnh tăng 3 lần, tuy nhiên tác động này không lớn. Nguyên nhân chủ yếu là việc tăng cước phí vận tải do siết chặt quản lý hoạt động vận tải.

Bà Đỗ Thị Ngọc- Phó vụ trưởng Vụ thống kê giá, Tổng cục Thống kê- đánh giá: Diễn biến CPI trong tháng này không có gì bất thường. Bởi, từ năm 2008 trở lại đây, CPI các tháng 4, ngoại trừ của hai năm có lạm phát cao là 2008 và 2011, có mức tăng cao thì đều tăng rất thấp. Tuy nhiên, bất thường là cước vận tải tăng mạnh do việc siết tải trọng. Theo đó, giá một số mặt hàng vật liệu xây dựng, nhất là thép và xi măng bị ảnh hưởng tăng tới 20%. Ông Hà Hữu Phái- đại diện Hiệp hội Mía đường- cũng cho biết, cước vận tải có nơi còn tăng lên 2-2,5 lần, rất bất hợp lý, ảnh hưởng lớn đến giá cả đầu vào của nhiều ngành.

Như vậy trong 4 tháng, CPI chỉ tăng 0,88% so với tháng 12/2013, là mức tăng tấp nhất trong vòng 11 năm gần đây.

Sức mua khả quan

Bà Đinh Thị Mỹ Loan- Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ VN- cho biết: Trước thông tin sức mua tiêu dùng trong nước ảm đạm do nhu cầu thấp khiến CPI trong nhiều tháng giảm hoặc tăng thấp, các thành viên của Hiệp hội các nhà bán lẻ đã thống kê, phân tích doanh thu cho thấy, sức mua trên thị trường đang có xu hướng ấm lên. “Nếu trước đó 1 người vào hệ thống bán lẻ hiện đại mua 80.000 - 90.000 đồng/lượt, thì cách đây 2-3 năm đã tăng trung bình là 120.000- 130.000 đồng/lượt, và nay sức mua vẫn có xu hướng tăng lên. Đây là con số rất khả quan”- bà Loan nói.

Sức mua tăng trưởng cũng thể hiện qua tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tháng 4 đạt 238.934 tỷ đồng, tăng 2,38% so với tháng 3/2014. Tính chung, 4 tháng đầu năm tổng mức bán lẻ đạt 939.632 tỷ đồng, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm ngoái

Để cải thiện sức mua, một số thành viên Hiệp hội các nhà bán lẻ như Saigon Corp, Fivimart, Hapro, BigC… đang thực hiện mở rộng mạng lưới bán hàng và áp dụng biện pháp liên hệ chặt chẽ với các nhà cung cấp, giảm chi phí trong điều hành và trong quá trình kinh doanh để đưa hàng tới người tiêu dùng với giá tốt nhất.

Đại diện của Sở Công Thương Hà nội cũng cho biết, Hà Nội sẽ dành 50 tỷ đồng trong chương trình XTTM để đẩy mạnh bán hàng, nhất là hàng tồn kho, từ tháng 5 đến tháng 12 sẽ tổ chức 500 chuyến bán hàng lưu động về nông thôn…

CPI tháng 5 sẽ tăng nhẹ

Theo các thành viên Tổ điều hành thị trường trong nước, trong tháng 5 sẽ có một số yếu tố tác động tăng CPI. Đó là trong tháng 5 có kỳ nghỉ lễ dài (30/4 - 1/5) nên giá cả các mặt hàng dịch vụ, ăn uống ngoài gia đình có thể tăng. Bên cạnh đó, việc kiểm soát chặt tải trọng xe vận chuyển làm tăng cước phí, một số nhóm hàng có thể tăng giá nhẹ khi thời tiết chuyển mùa, dịch bệnh…

Tuy nhiên, do mặt bằng thế giới giá thế giới biến động không nhiều, cung cầu nhiều loại hàng hóa tiếp tục bảo đảm, giá nhiều hàng hóa thiết yếu như lương thực, thực phẩm, LPG… tiếp tục ổn định hoặc giảm nhẹ nên CPI tháng 5 sẽ chỉ tăng nhẹ so với tháng 4, phù hợp với quy luật của các năm thông thường.

Để thúc đẩy phát triển thị trường, các thành viên trong Tổ điều hành kiến nghị: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khống chế tốt dịch bệnh; chủ trì phối hợp với các bộ, ngành kiểm tra lượng đường tồn kho để điều hành việc xuất nhập khẩu cho phù hợp và đảm bảo cung cầu trong nước. Hiệp hội Mía đường kiến nghị Bộ Tài chính giảm thuế GTGT đường phụ phẩm trong sản xuất đường từ mức 5% xuống 0%.

Bộ Công Thương có kế hoạch cắt giảm điện hợp lý trong các tháng mùa hè để không làm ảnh hưởng đến sản xuất của DN, ưu tiên những DN sản xuất hàng hóa thiết yếu phục vụ đời sống dân sinh.

Theo Báo Công thương