Theo “truyền thống”, chỉ số giá bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng (CPI) ở nước ta có đặc trưng thường bắt đầu tăng từ cuối quý III và đạt đỉnh cao nhất vào đầu quý I hằng năm, tức là vào những tháng cuối năm - giáp và đầu Tết, CPI luôn có xu hướng tăng liên tục và nhanh hơn hẳn các thời điểm khác trong năm.
Động thái CPI giảm liên tiếp 3 tháng so với tháng trước cũng đã từng xảy ra trên phạm vi cả nước, cũng như trong một số tỉnh, thành phố lớn, như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh trong các tháng 3, 4 và 5 của năm 2013 và cũng gắn với giảm giá xăng dầu…
Tuy nhiên, lần đầu tiên ở nước ta, 2 tháng cuối quý IV/2014, tháng đầu quý I/2015, CPI lại giảm liên tục so với tháng trước, dù mức giảm thấp (CPI cả nước tháng 11/2014 giảm 0,27%, tháng 12/2014 giảm 0,24% và tháng 1/2015 giảm 0,2%).
Quan sát diễn biến CPI có thể nói động thái thì “lạ” (có người cho là hiếm thấy), nhưng nguyên nhân khiến CPI thấp và giảm liên tục 3 tháng qua lại không hề lạ!
Cụ thể, nguyên nhân quan trọng nhất bắt nguồn trực tiếp từ giá xăng dầu liên tục giảm (tổng cộng 7 tháng gần đây, giá quốc tế giảm tới 60% và trong nước giảm tới 40%). Tính theo mức giá quy đổi, Việt Nam đang có mức giá xăng bán lẻ thấp hơn của Myanmar, Thái Lan, Timor Leste, Singapore, Lào và Campuchia.
Giá xăng dầu giảm liên tục kéo theo nhóm giao thông, nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng giảm nhanh và liên tục; giá cước vận tải giảm theo, nên giá lương thực, thực phẩm không tăng cao.
Hơn nữa, năm nay Tết đến muộn, thời gian nghỉ dài, tiền thưởng khá khiêm tốn, nhu cầu sắm Tết chưa cao, trong khi nguồn cung dồi dào, khuyến mại bùng nổ, kéo dài và người dân cũng đã thay đổi xu hướng giảm mua sắm, tích trữ hàng hóa ngày Tết.
Bên cạnh đó, cần khẳng định rằng CPI năm 2014 và tháng 1/2015 thấp là “hợp lực” của nhiều nhân tố liên quan đến cơ cấu lạm phát nước ta.
Trước hết, lạm phát chi phí đẩy giảm mạnh nhờ các doanh nghiệp được giảm thuế và lãi suất, giảm mạnh chi phí đầu vào về năng lượng, cước vận tải và dịch vụ giao thông, cùng nhiều chi phí hành chính khác.
Lạm phát tiền tệ đang được kiểm soát khá chủ động, hiệu quả do Nhà nước quản lý chặt nợ công và đầu tư công, quy mô phát hành phương tiện thanh toán vào lưu thông và tổng dư nợ tín dụng ngân hàng; giữ được cân đối tích cực về thu-chi NSNN và cán cân thanh toán; dự trữ ngoại hối tăng cao; tỷ giá ngoại tệ ổn định và được kiểm soát trong biên độ đề ra. Huy động vốn đầu tư phát triển ngày càng cải thiện về quy mô và cơ cấu, kể cả thông qua thị trường tài chính trong nước và nước ngoài.
Lạm phát cầu kéo và lạm phát ngoại nhập giảm áp lực, do nguồn cung lương thực, thực phẩm trong nước dồi dào; giá các mặt hàng thiết yếu trên thế giới khá ổn định và công tác quản lý giá của Nhà nước ngày càng hiệu quả hơn.
Cần nhấn mạnh rằng CPI thấp không phải là do tổng cầu giảm, vì năm 2014 tổng bán lẻ hàng hóa dịch vụ trong nước vẫn tăng trên 11% và ở mức cao nhất trong 3 năm qua. Thậm chí CPI còn thấp hơn nữa, nếu cước vận tải giảm nhanh và tương ứng với giảm giá xăng dầu thời gian qua.
Bên cạnh đó, giá vàng giảm và kiểm soát tốt thị trường vàng cũng góp phần ổn định thị trường tài chính Việt Nam, do đó ổn định CPI.
CPI thấp là minh chứng cho thấy sự thành công của nỗ lực đạt mục tiêu kiểm soát lạm phát của Chính phủ, góp phần quan trọng giúp các doanh nghiệp giảm chi phí đầu vào, hạ giá thành sản phẩm, kích thích tiêu dùng, thúc đẩy tăng trưởng và cải thiện lòng tin vào năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, cũng như vào môi trường đầu tư của Việt Nam. CPI sát Tết thấp còn hỗ trợ thu nhập, mức sống thực tế của người tiêu dùng, tạo xung lực tích cực tốt cho cả nền kinh tế.
Triển vọng kinh tế thế giới và trong nước trong năm 2015 sẽ tích cực hơn năm 2014. Tuy nhiên, giá xăng dầu khó giảm sâu liên tục như thời gian qua và giá cả nhiều hàng hóa cơ bản, thiết yếu còn thiếu tính ổn định vững chắc. CPI của tháng 2 sẽ khó giảm thêm, thậm chí tăng nhẹ so với tháng 1, dù giá xăng dầu thế giới và giá cước vận tải trong nước có thể tiếp tục giảm nhẹ. Lạm phát cả năm 2015 vẫn còn nhiều áp lực nhạy cảm nên không thể chủ quan.
Theo Chinhphu.vn