Bạn đang ở đây

CPI 2014: Mừng nhiều nhưng lo cũng không ít

01/07/2014 10:50:38

Đó là nhận định của ông Phạm Minh Thụy, Viện Kinh tế Tài chính (Học viện Tài chính) tại Hội thảo Diễn biến giá cả, thị trường ở Việt Nam 6 tháng đầu năm và dự báo cả năm 2014, do Viện Kinh tế Tài chính phối hợp với Cục Quản lý giá tổ chức sáng 30/6.

Lo ngại sức mua thấp

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số CPI tháng 6/2014 tăng 0,03% so với tháng 5, tăng 1,38% so với tháng 12/2013 và chỉ số CPI bình quân 6 tháng đầu năm 2014 tăng 4,77% so với 6 tháng đầu năm 2013. Đây là mức tăng thấp nhất trong vòng 13 năm trở lại đây (2002-2014).

CPI hàng tháng có dấu hiệu tăng với mức tăng tháng theo đúng quy luật vận động của giá cả trong năm. Tuy nhiên, điểm đáng chú ý là CPI tăng giá gần đây đều xuất phát từ nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống, nhóm có quyền số cao nhất, với mức tăng tháng sau cao hơn tháng trước.

Nhận định về CPI 6 tháng đầu năm, TS. Ngô Trí Long cho rằng, trước đây lạm phát trở nên nóng bỏng và là một nhiệm vụ quan trọng, cấp bách trong điều hành kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, từ năm 2012 đến nay, lạm phát đã không còn là con ngựa bất kham khi chúng ta đã kiểm soát được nó và kết quả này lại tiếp tục được thể hiện qua CPI 6 tháng đầu năm nay.

Bên cạnh những thành công, nhiều khó khăn, bất cập cũng được nhiều chuyên gia kinh tế đến từ các bộ, ngành liên quan đề cập. Đó là: Sức mua thị trường chưa được cải thiện nhiều; hàng tồn kho vẫn ở mức cao; việc xử lý nợ xấu còn chậm; tăng trưởng tín dụng ít; đặc biệt là chưa xuất hiện những dấu hiệu cho thấy nền kinh tế sẽ tăng trưởng cao hơn như chúng ta mong muốn…

Theo ông Nguyễn Ngọc Tuyến, Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính, tổng cầu giảm thể hiện rõ qua những số liệu đã được thống kê khi tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đầu năm 2014 ước tính đạt 1.439 nghìn tỷ đồng, tăng 10,7% so cùng kỳ năm 2013, nếu ngoại trừ yếu tố giá thì tăng 5,7%. Trong khi đó các chỉ tiêu này của năm 2013, 2012, 2011 lần lượt là 11,9%; 19,5% và 22,6%.

Như phân tích của ông Phạm Minh Thụy, điều này cho thấy, người dân vẫn chưa tin tưởng vào sự phục hồi vững chắc của nền kinh tế và họ phải đề phòng những bất ổn có thể xảy ra khi tình hình trên biển Đông có dấu hiệu ngày càng phức tạp. Kết quả có tính logic tất yếu là người dân vẫn thắt chặt chi tiêu làm cho sức mua trên thị trường càng yếu hơn.

Ở một góc độ khác, ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội lại cho rằng, CPI 6 tháng đầu năm phải khắc phục một số mặt chủ yếu như cần cải tổ hệ thống phân phối một cách cơ bản, nghiêm trị những hành vi thao túng, đầu cơ, lợi dụng thị trường làm thiệt hại cho người sản xuất và tiêu dùng.

Dẫn chứng cho những hạn chế này, ông Phú cho biết, trong khi giá đường ăn ở nhà máy là 12.000 đồng/kg, tồn kho 600.000 tấn trong đầu năm 2014 thì ở các siêu thị và các cửa hàng bán lẻ giá đường vẫn là 21.000-25.000 đồng/kg, vô hình chung người tiêu dùng đã bị móc túi 4.000 tỷ đồng/năm. Các siêu thị hiện không mua được trực tiếp đường từ nhà máy mà phải qua ít nhất 2-3 khâu trung gian.

Đây không phải là lần đầu tiên, ông Vũ Vinh Phú nói về những bất cập trong hệ thống phân phối khiến cả người sản xuất và người tiêu dùng bị “móc túi”. Trả lời phỏng vấn báo chí tại hội thảo, ông Phú cho rằng, kết quả CPI những tháng đầu năm mừng vì giá cả tương đối ổn định, nhưng lo vì giá cả vẫn đứng ở mức cao. Người dân bây giờ vẫn ăn giá cao, không đúng giá trị của nó; người sản xuất thì bị ép; hệ thống phân phối yếu kém và không được kiểm soát. Ông Phú cho rằng, nếu kiểm soát tốt, người tiêu dùng có thể được hưởng giá cả rẻ hơn, theo đúng với thực tế của nó.

CPI 2014 sẽ ở mức thấp

Tại Hội thảo, nhiều dự báo về CPI năm 2014 được đưa ra. Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, CPI năm 2014 sẽ tăng ở mức khoảng 5- 6%.

Theo bà Ngô Thị Ánh Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Thống kê Giá (Tổng cục Thống kê), lạm phát hiện ở mức thấp nhưng chưa ổn định bởi còn nhiều mặt hàng phải điều chỉnh giá theo lộ trình cộng với những tác động bất lợi của thiên tai, dịch bệnh vẫn luôn tạo thành những đợt sóng ngầm, tác động tới thị trường và chưa có dấu hiệu dừng lại trong thời gian tới.

Đề nghị phải lưu tâm và chú ý kiểm soát lạm phát từ nay đến cuối năm, ông Ngô Trí Long cho rằng, phải đề phòng sự cộng hưởng giữa yêu cầu phục hồi đầu tư, tiêu dùng vào cuối năm; giữa việc điều chỉnh tỷ giá mới đây của Ngân hàng Nhà nước; và giữa việc điều chỉnh giá một số hàng hóa, dịch vụ theo lộ trình giá thị trường.

Theo ông Long, để đạt mục tiêu lạm phát dừng ở con số 5-6%, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như: Đảm bảo tăng trưởng tín dụng theo đúng kế hoạch đề ra; thực hiện lộ trình giá một số hàng hóa, dịch vụ như xăng dầu, điện, dịch vụ y tế giáo dục theo hướng thận trọng về liều lượng, thời điểm và lộ trình phù hợp; trong ngắn vào trung hạn cần cải thiện môi trường kinh doanh, khôi phục niềm tin của người dân và nhà đầu tư, giảm mệnh lệnh hành chính và can thiệp nhà nước trong hoạt động kinh tế…

Có báo cáo tham luận tại hội thảo, Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho rằng, từ nay đến cuối năm 2014 còn tiềm ẩn khả năng lạm phát tăng cao do tác động theo độ trễ của những chính sách tháo gỡ khó khăn sản xuất kinh doanh năm 2013; tình hình thiên tai, bão lũ, dịch bệnh trên cây trồng vật nuôi còn phức tạp và việc tiếp tục thực hiện chủ trương điều hành giá theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước đối với một số hàng hóa, dịch vụ chiến lược, quan trọng thiết yếu (điện, nước, dịch vụ khám chữa bệnh, học phí...).

Một số nhóm giải pháp trong quản lý, điều hành và bình ổn giá 6 tháng cuối năm 2014 đã được Cục Quản lý giá đề ra. Theo đó, Cục Quản lý giá sẽ giám sát chặt chẽ kê khai giá của doanh nghiệp đối với mặt hàng bình ổn giá, mặt hàng thuộc danh mục kê khai giá; kiểm soát chặt chẽ phương án giá và mức giá hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá; hàng hóa, dịch vụ được mua sắm từ nguồn ngân sách nhà nước; hàng hóa, dịch vụ được trợ cước, trợ giá; hàng hóa, dịch vụ công ích, dịch vụ sự nghiệp công...

Trường hợp điều chỉnh giá phải xây dựng phương án, lộ trình điều chỉnh trên cơ sở đánh giá kỹ tác động của việc điều chỉnh giá, tránh điều chỉnh giá nhiều mặt hàng vào cùng một thời điểm để hạn chế thấp nhất tác động đến sản xuất và đời sống nhân dân, cũng như việc thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

Đối với giá một số hàng hóa thiết yếu, Cục Quản lý giá sẽ tiếp tục điều hành giá xăng dầu theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước theo mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; điều hành giá than bán cho sản xuất điện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Thực hiện công khai thông tin về giá, điều hành giá để tạo sự đồng thuận và giám sát từ công luận.

Ngoài ra, thực hiện đồng bộ các giải pháp góp phần bình ổn thị trường và kiểm soát lạm phát như chính sách tài khoá chặt chẽ, chính sách tiền tệ linh hoạt; tăng cường quản lý thị trường, hoàn thiện hệ thống lưu thông phân phối theo hướng giảm bớt các tầng nấc trung gian.../.