Bạn đang ở đây

CPI 2014: Một năm “đặc biệt”

05/01/2015 08:54:26

Tác động chính từ giá xăng dầu giảm

Theo Tổng cục Thống kê, CPI tháng 12/2014 giảm so với tháng trước chủ yếu do tác động của các đợt giảm giá xăng dầu liên tiếp thời gian qua. Ngoài tác động trực tiếp của xăng dầu trong CPI, cước vận tải đã bắt đầu giảm theo, khiến chỉ số giá nhóm giao thông giảm 3,09%, mức giảm mạnh nhất trong tháng. Xét cả năm 2014, đây cũng là nhóm có mức giảm mạnh nhất trong 11 nhóm hàng chính tính chỉ số giá với mức giảm 5,57% so với tháng 12/2013. Tác động của các đợt giảm giá xăng dầu còn thể hiện qua mức giảm của nhóm nhà ở, vật liệu xây dựng, điện, nước và chất đốt, với mức giảm 0,99% so với tháng trước.

So với các năm gần đây, ngoài các tác động từ diễn biến cung cầu của thị trường, CPI năm nay tăng thấp còn nhờ vào tác động ít hơn từ các nhóm hàng do nhà nước quản lý, như: dịch vụ giáo dục, y tế... Tính chung cả năm 2014, chỉ số giá nhóm dịch vụ y tế và nhóm dịch vụ giáo dục tăng lần lượt là 2,2% và 8,96% so với tháng 12 năm trước, thấp hơn nhiều so với mức tăng 23,51% và 12,82% của năm 2013.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, năm 2014 là năm đặc biệt nhất đối với các động thái CPI cả nước nói chung. Đặc biệt thể hiện ở 2 mặt: Thứ nhất, trong năm nay có 4 tháng CPI giảm so với cùng kỳ tháng trước (tháng 3, 5, 11 và 12), 2 tháng cuối của năm, giá tiêu dùng đi ngược lại quy luật các năm; thứ hai, CPI năm 2014 thấp nhất trong hơn 10 năm qua.

Lý giải nguyên nhân của diễn biến này, ông Phong cho rằng, do giá xăng dầu giảm mạnh. Chỉ trong vòng nửa năm, giá xăng dầu thế giới giảm 30% và trong nước giảm 20%, kéo mạnh chi phí đầu vào xuống, làm lạm phát giảm. Bên cạnh đó, công tác kiểm soát lạm phát ở cấp nhà nước và cấp thành phố đều được thực hiện tốt. Trong bối cảnh hàng hóa nhiều, khuyến mãi tốt, hệ thống bán lẻ phát triển tích cực nên người dân cảm thấy bình tĩnh để mua sắm chừng mực.

 Đỗ Thị Ngọc - Phó Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê):

Năm 2014, CPI bình quân mỗi tháng chỉ tăng 0,15%, mục tiêu kiểm soát lạm phát của Chính phủ đặt ra đã được thực hiện thành công. Khi CPI giữ được ở mức ổn định, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có thể tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ, giảm lãi suất cho vay, giúp các doanh nghiệp giảm chi phí đầu vào, giảm giá thành..., kích thích nhu cầu tiêu dùng.

Tín hiệu tốt cho sản xuất

Ông Nguyễn Đức Thắng- Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê)- cho biết, CPI năm 2014 có tốc độ tăng tương đối thấp trong khoảng 10 năm gần đây; CPI bình quân mỗi tháng chỉ tăng 0,15%. Như vậy, mục tiêu kiểm soát lạm phát của Chính phủ đặt ra đã được thực hiện thành công.

Nhiều ý kiến lo ngại, CPI tăng thấp do sức cầu của nền kinh tế yếu. Ngân sách của người dân đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng trong các năm trước đây khi kinh tế Việt Nam suy giảm bởi ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới.

Ngược với ý kiến này, nhiều chuyên gia cho rằng, không có cơ sở để khẳng định sức mua của nền kinh tế thấp. Theo ông Nguyễn Đức Thắng, nếu nhìn vào số liệu tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ xã hội sau khi loại trừ yếu tố giá, tốc độ tăng về lượng vẫn cao hơn các năm trước. Cụ thể, năm 2014 ước tăng 6,5%, trong khi đó các năm 2011, 2012 và 2013 lần lượt tăng là 4,7%, 6,2% và 5,6%, lạm phát của các năm này lần lượt là 18,13%, 6,81% và 6,04%. Như vậy, CPI năm 2014 tăng thấp không phải do nhu cầu tiêu dùng.

Ngoài ra, tâm lý bình tĩnh trong chi tiêu của người tiêu dùng khiến người cung cấp hàng hóa, dịch vụ cũng không dám tăng giá cao vào dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán hay các ngày lễ hội như những năm trước. Điều này cũng tạo ra sự ổn định giá tiêu dùng hơn.

Theo Bộ Công Thương, CPI giảm là một tín hiệu tốt, tạo cơ hội cho sản xuất phục hồi. Xu hướng kinh tế thế giới càng ổn định sẽ giúp hoạt động thương mại xuất khẩu của Việt Nam tốt hơn. Bên cạnh đó, việc giá dầu giảm, về lâu dài nền kinh tế trong nước chắc chắn sẽ được hưởng lợi. 

CPI 2014 có tốc độ tăng tương đối thấp trong khoảng 10 năm gần đây

Theo Báo Công thương