Bạn đang ở đây

Công ty cổ phần Nông lâm sản thực phẩm Yên Bái thành công nhờ đổi mới cơ chế

03/01/2013 14:53:51

Năm qua là năm vô cùng khó khăn với các doanh nghiệp do ảnh hưởng lạm phát và đỉnh điểm của suy thoái kinh tế thế giới; chi phí đầu vào tăng cao; thị trường tiêu thụ luôn có sự cạnh tranh về chất lượng sản phẩm, giá bán; áp lực về vốn, nhất là vốn vay đầu tư trung, dài hạn khá gay gắt. Tuy nhiên, doanh nghiệp đã vượt qua những khó khăn, các chỉ tiêu kế hoạch sản xuất, kinh doanh đều cao hơn so với năm trước.

Ông Trần Công Bình - Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Giám đốc Công ty cho biết, có được kết quả như vậy, trước hết là đơn vị đã tranh thủ tuyệt đối sự quan tâm lãnh đạo, tạo điều kiện của UBND tỉnh Yên Bái bằng những chính sách ưu tiên với hoạt động của các doanh nghiệp. Đồng thời, doanh nghiệp đã mạnh dạn đổi mới cơ chế, chính sách quản lý bằng hình thức giao quyền điều hành trực tiếp cho lãnh đạo các đơn vị đầu mối và Công ty chỉ phát huy vai trò quản lý, giám sát.

Ông Trần Công Bình - Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Giám đốc Công ty cổ phần Nông lâm sản thực phẩm Yên Bái:

"Thực tế qua nhiều năm thực hiện cơ chế, chính sách giao quyền điều hành trực tiếp cho các đơn vị đầu mối theo hình thức khoán, tăng cường quản lý giám sát từ Công ty đã tạo hiệu quả sản xuất ngày càng rõ nét. Hình thức này khắc phục được sự quan liêu, kích thích được sự năng động, tinh thần trách nhiệm của lãnh đạo, công nhân các cơ sở sản xuất trước mục tiêu sống còn là hiệu quả sản xuất, kinh doanh và bảo đảm đời sống cho người lao động".

Lý giải về cách quản lý này, ông Bình cho rằng, đặc thù của Công ty có 6 nhà máy chế biến giấy đế, chế biến tinh bột sắn, gia công giấy vàng mã xuất khẩu, chế biến tinh dầu quế nằm rải rác ở các địa phương trong tỉnh nên Ban Giám đốc không thể thường xuyên đến được các cơ sở sản xuất. Ngay cả việc hàng ngày tiếp thu, giải quyết ý kiến của lãnh đạo các đơn vị đầu mối cũng không làm nổi vì Ban Giám đốc không trực tiếp có mặt ở cơ sở. Vì vậy, hình thức khoán quản chính là cách giao quyền chủ động cho lãnh đạo các nhà máy để họ độc lập điều hành sản xuất, tự xây dựng phương án sản xuất, giao dịch trực tiếp với khách hàng, tự chăm lo đời sống cho người lao động và phải chịu trách nhiệm trước các chỉ tiêu pháp lệnh được giao như: khối lượng sản phẩm, bảo đảm đời sống cho công nhân...

Về phía Công ty, tuy không trực tiếp điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh nhưng tăng cường hoạt động giám sát thông qua chế độ giao ban lãnh đạo doanh nghiệp với lãnh đạo 6 đơn vị đầu mối vào thứ hai hàng tuần. Mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh của ngày hôm trước phải báo cáo qua mạng về Công ty trước 8 giờ sáng ngày hôm sau.

Công tác báo cáo tài chính định kỳ vào đầu hàng tháng. Mỗi quý, Hội đồng Quản trị, Ban Giám đốc, lãnh đạo Công đoàn Công ty bình xét năng lực thực hiện nhiệm vụ của cán bộ có trình độ chuyên môn từ cao đẳng trở lên trong toàn đơn vị. Ai thực hiện tốt nhiệm vụ sẽ được khen thưởng và là cơ sở để bố trí, quy hoạch các vị trí quản lý chủ chốt.

Đồng thời, đơn vị cũng xử lý những yếu kém của cá nhân theo mức độ dựa trên những quy định đã được thống nhất từ cơ sở. Trách nhiệm chính thuộc về Công ty là giúp cho các đơn vị trong công tác xúc tiến thương mại; giải quyết các yêu cầu về vốn, tư vấn sản xuất kinh doanh, bổ sung nhân lực, giúp đỡ chuyên môn trong quản lý tài chính, đầu tư thiết bị, đẩy mạnh các hoạt động thi đua…

Lãnh đạo các nhà máy trực thuộc đều cho rằng, cách quản lý này thực sự phù hợp với yêu cầu thực tế và đã tạo sự chủ động về mọi mặt cho các đơn vị trực tiếp sản xuất. Đây cũng là cơ sở để các đơn vị thể hiện sự năng động, tinh thần thi đua và trách nhiệm cao với Công ty. Công nhân trong các cơ sở sản xuất khi đề đạt ý kiến được giải quyết kịp thời, được trang bị bảo hộ lao động, được ưu đãi ăn giữa ca, thu nhập ổn định nên yên tâm sản xuất.

Trên 400 cán bộ, công nhân Công ty mỗi năm có hàng chục sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, làm lợi cho doanh nghiệp hàng tỷ đồng. Những sáng kiến này đều được khen thưởng thỏa đáng và kịp thời, góp phần tạo thêm yếu tố nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Sản phẩm giấy đế xuất khẩu của Công ty năm 2012 đề ra 7.500 tấn, thực hiện đạt 100% kế hoạch; giấy vàng mã xuất khẩu chỉ tiêu 4.000 tấn, thực hiện 4.700 tấn; tinh bột sắn chỉ tiêu 12.000 tấn, thực hiện 15.100 tấn; tinh dầu quế chỉ tiêu 25 tấn, thực hiện 45 tấn. Giá trị tổng sản lượng phấn đấu đạt 110 tỷ đồng, thực hiện 133 tỷ đồng; giá trị xuất khẩu trực tiếp phấn đấu 4,8 triệu USD, đạt 4,8 tỷ đồng (do ưu tiên tiêu thụ trong nước để đóng góp cho ngân sách địa phương); tổng mức doanh thu đề ra 200 tỷ đồng, thực hiện 255 tỷ đồng; nộp ngân sách theo kế hoạch 7,5 tỷ đồng, kết quả thực hiện 14 tỷ đồng; thu nhập bình quân phấn đấu 3,5 triệu đồng/người/tháng, đạt 3,7 triệu đồng.


Theo YBĐT