Khí dầu mỏ hóa lỏng là hỗn hợp chủ yếu của Propane (C3H8) và Butane (C4H10) có nguồn gốc từ dầu mỏ, tên tiếng Anh: Liquefied Petroleum gas (viết tắt là LPG); tại nhiệt độ, áp suất bình thường LPG ở thể khí và khi được nén đến một áp suất, nhiệt độ nhất định LPG chuyển sang thể lỏng, được tồn chứa tại các bồn bể cố định, xe bồn, tầu thủy chuyên dụng, đường ống, chai (sau đây gọi chung là LPG) dùng làm chất đốt, nhiên liệu động cơ, nguyên liệu phục vụ sản xuất, dân sinh. LPG thuộc danh mục hóa chất nguy hiểm rễ cháy nổ, việc đảm bảo an toàn trong quá trình tồn chứa, vận chuyển, triết nạp và sử dụng là rất cần thiết để giảm tổn thất về người và tài sản.
Vì LPG là mặt hàng thiết yếu và việc kinh doanh được xếp vào diện kinh doanh có điều kiện, vì vậy nhà nước đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật liên quan như: Nghị định số 107/2009/NĐ-CP ngày 26/11/2009 của Chính phủ về kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng; Nghị định số 104/2009/NĐ-CP ngày 09/11/2009 của Chính phủ quy định danh mục hàng nguy hiểm và vận chuyển hàng nguy hiểm bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ; Thông tư số 41/2001/TT-BCT ngày 16/12/2011 của Bộ Công Thương quy định về quản lý an toàn trong lĩnh vực khí dầu mỏ hóa lỏng; Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 6223:2011 về Yêu cầu thiết kế an toàn đối với cửa hàng bán lẻ LPG...Quy định các nội dung liên quan đến an toàn về thiết kế và các điều kiện khác trong quá trình kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng của cửa hàng.
Từ ngày 05/9/2013 đến ngày 30/9/2013 Sở Công Thương đã tiến hành kiểm tra việc khắc phục các tồn tại của các cửa hàng kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã được chỉ ra và yêu cầu các cửa hàng phải khắc phục trong năm 2012. Qua quá trình kiểm tra kết quả khắc phục của các cửa hàng có một số ưu, khuyết điểm sau: Về cơ bản phần lớn các cửa hàng đều có ý thức chấp hành các việc thực hiện các qui định của các văn bản pháp luật có liên quan đến hoạt động kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng như: Huấn luyện, đạo tạo cấp chứng chỉ nghiệp vụ kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng, bảo vệ môi trường, an toàn vệ sinh lao động, phòng cháy chữa cháy, đo lường chất lượng, kỹ thuật an toàn cho cán bộ công nhân viên; Cải tạo nhà bán hàng, kho hàng, trang thiết bị điện, PCCC, giá vận chuyển chai đứng...Nền, diện tích, tường, mái, trần, cửa chính, cửa thoát hiểm, cửa thông gió, biểu trưng logo, biển báo, nội qui, qui định, giá để chai khi vận chuyển, trang thiết bị phòng cháy chữa cháy, thiết bị điện của cửa hàng và kho...Tuy nhiên đối với hầu hết các cửa hàng thì chưa thể khắc phục tồn tại về sổ xuất nhập chai chứa LPG vì theo ý kiến phản hồi của các hộ kinh doanh thì các thông tin ghi trên chai khó nhìn hoặc bị mờ và không thuận tiện khi thực hiện. Vẫn còn một số cửa hàng chưa thật sự có ý thức khắc phục các tồn tại của mình.
Để quá trình kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng trên địa bàn dần đi vào ổn định và an toàn. Trong thời gian tới Sở Công Thương sẽ tiếp tục yêu cầu các cửa hàng khắc phục các tồn tại theo qui định của pháp luật hiện hành và kính đề nghị các ngành chức năng của tỉnh, các cấp chính quyền địa phương trong quá trình thực hiện chức năng nhiệm vụ của mình tăng cường công tác phối hợp thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các qui định về an toàn trong quá trình kinh doanh và việc tiếp tục khắc phục các tồn tại của các cửa hàng kinh doanh khí dầu mổ hóa lỏng trên địa bàn quản lý, xử lý hoặc đề xuất xử lý các cửa hàng cố tình vi phạm các qui định về an toàn trong quá trình kinh doanh LPG nhất là các đơn vị phân phối và bán lẻ chai chứa LPG mà không được cấp phép kinh doanh.
Nguồn: Phòng KTATMT