Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp tăng
Theo Báo cáo của Bộ Công Thương, tháng 7 năm 2014, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 0,2% so với tháng 6 năm 2014 và tăng 7,5% so với cùng kỳ năm 2013. Tính chung 7 tháng năm 2014, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 6,2%, tăng trưởng cao hơn so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành công nghiệp khai khoáng giảm 1,7%, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8,1%, sản xuất và phân phối điện tăng 11,4%, cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 6,5%.
Các ngành sản xuất và phân phối điện và ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có mức tăng trưởng chỉ số sản xuất cao hơn so với mức tăng của cùng kỳ năm trước. Chỉ số sản xuất và phân phối điện tăng 11,4% (năm 2013 tăng 8,4% so với năm 2012); chỉ số ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8,1% (năm 2013 tăng 5,8% so với năm 2012) cho thấy sản xuất công nghiệp tiếp tục xu hướng tăng.
Trong ngành khai khoáng, chỉ số sản xuất giảm ở các ngành khai thác than cứng và than non (giảm 3,4%), ngành khai thác dầu thô và khí đốt (giảm 0,8%); chỉ có ngành khai thác đá, cát, sỏi, đất sét có chỉ số sản xuất tăng (tăng 10,3%).
Trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, một số ngành có mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ như: chế biến, bảo quản thủy sản và các sản phẩm từ thủy sản tăng 15%; sản xuất sợi tăng 23,3%, may trang phục (trừ trang phục từ da lông thú) tăng 12%; sản xuất giày dép tăng 20,5%; sản xuất các sản phẩm khác từ giấy và bìa chưa được phân vào đâu tăng 32,7%; sản xuất vật liệu xây dựng từ đất sét tăng 17,1%; sản xuất kim loại tăng 9,9%; sản xuất linh kiện điện tử tăng 31,4%; sản xuất thiết bị truyền thông tăng 488,6%; sản xuất mô tơ, máy phát, biến thế điện, thiết bị phân phối và điều khiển điện tăng 12,7%; sản xuất xe có động cơ tăng 28,1%; đóng tàu và cấu kiện nổi tăng 30,4%, v.v... Tuy nhiên, một số ngành có mức tăng trưởng giảm như: sản xuất mỳ ống, mỳ sợi; sản xuất thuốc lá giảm 12,4; sản xuất mô tô, xe máy giảm 8,1%; sản xuất thiết bị điện các loại giảm 8,3%, v.v...
|
Những sản phẩm chủ yếu có tốc độ tăng cao hơn tốc độ tăng của toàn ngành gồm: điện sản xuất tăng 11,9%; thép cán tăng 23,8%; động cơ điện các loại tăng 17%; biến thế điện tăng 26,8%; điện thoại di động tăng 37,8%; tivi tăng 23,3%; ôtô tăng 27,3%; vải dệt từ sợi tự nhiên tăng 18,7%; quần áo mặc thường tăng 10,6%; giày dép da tăng 19,5%; sữa tắm, sữa rửa mặt tăng 8,6%; bột giặt và các chế phẩm dùng để tẩy rửa tăng 12,7%, v.v...
Nhìn chung, sản xuất công nghiệp 7 tháng năm 2014 tăng trưởng 6,2% (cao hơn mức tăng 5,8% của 6 tháng năm 2014 và mức tăng 5,4% của 7 tháng năm 2013 so với cùng kỳ), trong đó, nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng khá, cao hơn mức tăng của toàn ngành (tăng 8,1% so với mức tăng 6,2% của toàn ngành).
Về tình hình tiêu thụ, tháng 6 năm 2014, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến chế tạo giảm 0,2% so với tháng trước và tăng 8,9% so với tháng 6 năm 2013. Tính chung 6 tháng đầu năm 2014 chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8,8% so với cùng kỳ, trong đó tăng chủ yếu ở nhóm hàng chế biến, bảo quản thủy sản và sản phẩm từ thủy sản (tăng 16,8%); sản xuất đường (tăng 23,1%); sản xuất vải dệt thoi (tăng 18,2%); sản xuất giày, dép (tăng 20,0%); sản xuất mỹ phẩm, xà phòng chất tẩy rửa (tăng 10,0%); sản xuất vật liệu xây dựng từ đất sét (tăng 15,9%); sản xuất các cấu kiện kim loại (tăng 13,1%); sản xuất linh kiện điện tử (tăng 40,0%); sản xuất thiết bị truyền thông (tăng 58,2%); sản xuất mô tơ, máy phát, biến thế điện, thiết bị phân phối và điều khiển điện (tăng 9,4%); sản xuất dây, cáp điện và dây dẫn điện tử khác (tăng 25,3%), sản xuất xe có động cơ (tăng 17,4%, v.v... Những nhóm hàng có chỉ số tiêu thụ giảm so với cùng kỳ là sản xuất mì ống, mì sợi và sản phẩm tương tự (giảm 22,5%); sản xuất thuốc lá (giảm 9,9%); sản xuất hàng may sẵn (giảm 8,6%); sản xuất giấy nhăn, bìa nhăn, bao bì từ giấy và bìa (giảm 5,6%); sản xuất sơn, véc ni và các chất sơn quét tương tự (giảm 4,1%); sản xuất mô tô, xe máy (giảm 11,5%), v.v...
Tại thời điểm 01/7/2014, chỉ số tồn kho của toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 1,1% so với thời điểm 01/6/2014 (thấp hơn mức tăng 4,5% tại thời điểm 01/6/2014 so với thời điểm 01/5/2014) và tăng 13,2% so với cùng thời điểm năm trước. Trong đó, một số ngành chỉ số tồn kho cao là: sản xuất mì ống, mì sợi và sản phẩm tương tự (tăng 53,8%), sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm và thủy sản (tăng 77,0%), sản xuất đồ uống (tăng 19,4%), may trang phục (trừ trang phục từ da, lông thú) (tăng 36,8%), sản xuất giày, dép (tăng 30,4%), sản xuất sơn, véc ni và các chất sơn quét tương tự, sản xuất mực in và ma tít tăng 24,3%; sản xuất mỹ phẩm, xà phòng, chất tẩy rửa, làm bóng và chế phẩm vệ sinh tăng 56%; sản xuất hóa chất khác chưa được phân vào đâu tăng 19,2%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu (tăng 38,4%); sản xuất sắt, thép, gang (tăng 40,4%), v.v...
Theo thống kê của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Bão số 2 đã gây thiệt hại trên 21 tỷ đồng cho Tổng công ty Điện lực Miền Bắc. Trước tình hình đó, ngành Điện đã khẩn trương khắc phục các sự cố và đến hết ngày 25/7/2014, toàn bộ lưới điện các khu vực bị ảnh hưởng của Bão số 2 về cơ bản đã được khắc phục hoàn toàn, đảm bảo cung cấp điện cho nhân dân. Trong tháng 5/2014, sau sự cố máy biến áp tại Trạm biến áp 500kV Hiệp Hòa gây gián đoạn cấp điện và chất lượng điện áp tại một số tỉnh phía Bắc, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã nhanh chóng có phương án khắc phục để ổn định cấp điện, đến ngày 07 tháng 7 năm 2014, máy biến áp AT2 đã được khắc phục và đưa trở lại vận hành trong hệ thống.
Điện sản xuất của cả nước tháng 7 năm 2014 ước đạt 12,34 tỷ kWh, tăng 11,4% so cùng kỳ. Tính chung 7 tháng năm 2014, điện sản xuất ước đạt 79,32 tỷ kWh, tăng 11,9% so cùng kỳ. Điện thương phẩm tháng 7 ước đạt 11,56 tỷ kWh, tăng 13,6% so cùng kỳ; trong đó, điện cấp cho công nghiệp xây dựng tăng 14,2%, điện cấp cho thương nghiệp và khách sạn nhà hàng tăng 11,89%, điện dùng cho quản lý và tiêu dùng dân cư tăng 12,8% so với cùng kỳ, điện cấp cho nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 27,1% so với cùng kỳ. Điện thương phẩm 7 tháng năm 2014 ước đạt 72,78 tỷ kWh, tăng 10,5% so cùng kỳ. Công suất cực đại trong tháng 7 đạt 21.624 MW. Tỷ lệ nguồn phát điện trong tháng 5: 46% từ thủy điện; 28,3% từ nhiệt điện khí; 22% từ nhiệt điện than, còn lại từ các nguồn khác.
|
Đối với ngành Dầu khí, trong tháng 7 và 7 tháng năm 2014, tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư của ngành Dầu khí tiếp tục ổn định, bám sát kế hoạch đặt ra từ đầu năm. Sản lượng một số sản phẩm chính ngành dầu khí đều tăng trưởng khá so với cùng kỳ, dầu thô khai thác tháng 7 ước đạt 1,4 triệu tấn, bằng 99,7% so cùng kỳ, tính chung 7 tháng ước đạt 9,8 triệu tấn, tăng 1,4% so với cùng kỳ; sản lượng khí đốt thiên nhiên ước đạt 0,8 tỷ m3, tăng 13,9% so với cùng kỳ, tính chung 7 tháng đầu năm, sản lượng khí đốt đạt 6,2 tỷ m3, tăng 3,3% so với cùng kỳ; sản lượng khí hóa lỏng (LPG) tháng 7 ước đạt 51 nghìn tấn, bằng 81,6% so với cùng kỳ, tính chung 7 tháng, sản lượng khí hóa lỏng (LPG) ước đạt 365,5 nghìn tấn, bằng 89,3% so với cùng kỳ.
Theo số liệu báo cáo của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, than nguyên khai của Tập đoàn tháng 7 ước đạt 2,86 triệu tấn, tăng 8,6% so với cùng kỳ 2013, tính chung 7 tháng đầu năm, than nguyên khai khai thác đạt 22,6 triệu tấn, bằng 97,12% so với cùng kỳ. Than sạch sản xuất tháng 7 của Tập đoàn ước đạt 2,46 triệu tấn, tăng 7,04% so với cùng kỳ, tính chung 7 tháng ước đạt 20,12 triệu tấn bằng 96,85% so với cùng kỳ năm 2013. Tiêu thụ than tháng 7 của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam ước đạt 2,67 triệu tấn, tăng 22,95% so với cùng kỳ, tổng lượng than tiêu thụ 7 tháng ước đạt 21,19 triệu tấn bằng 101,13% so với cùng kỳ năm 2013. Trong đó, than xuất khẩu tháng 7 đạt 0,27 triệu tấn bằng 60,37% so với cùng kỳ, tổng lượng than xuất khẩu 7 tháng đạt 4,21 triệu tấn bằng 58,88% so với cùng kỳ; than tiêu thụ nội địa tháng 7 đạt 2,4 triệu tấn tăng 39,35% so với cùng kỳ, tổng lượng than tiêu thụ nội địa 7 tháng đầu năm đạt 16,98 triệu tấn, tăng 23% so với cùng kỳ.
Đối với ngành Dệt may, sản xuất tiếp tục tăng trưởng và ổn định. Tháng 7 so với cùng kỳ, sản lượng quần áo mặc thường ước đạt 265,9 triệu cái, tăng 4,7%; sản xuất vải dệt từ sợi tự nhiên ước đạt 30,1 triệu m2, tăng 20,2%; sản xuất vải dệt từ sợi tổng hợp và sợi nhân tạo ước đạt 71,6 triệu m2, tăng 19,1%. Tính chung 7 tháng, quần áo mặc thường tăng 10,6%; vải dệt từ sợi tự nhiên tăng 18,7%; vải dệt từ sợi tổng hợp tăng 3,2%. Với những nỗ lực của toàn ngành, Dệt may đã vượt qua điện thoại để trở thành ngành đạt giá trị kim ngạch xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, tháng 7 năm 2014 kim ngạch xuất khẩu hàng dệt và may mặc đạt 2,1 tỷ USD, tăng 11,1% so với tháng trước và tăng 17,4% so với cùng kỳ, (kim ngạch xuất khẩu điện thoại các loại và linh kiện tháng 7 đạt 1,6 tỷ USD). Tính chung 7 tháng đầu năm 2014, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt và may mặc ước đạt 11,48 tỷ USD, tăng 19,4% so với cùng kỳ năm trước.
Trong tháng, ngành Thuốc lá tiếp tục gặp khó khăn do bị ảnh hưởng bởi thời tiết nắng nóng tại miền Trung, miền Nam. Bên cạnh đó, các hoạt động tuyên truyền về tác hại của thuốc lá, việc in cảnh báo sức khỏe bằng hình ảnh trên các sản phẩm thuốc lá đã tác động mạnh mẽ đến tâm lý người tiêu dùng, ảnh hưởng tới sản xuất và tiêu thụ của ngành ở tất cả các phân khúc sản phẩm.
Tình hình thuốc lá lậu vẫn chưa giảm, các cơ quan chức năng nhà nước đã có nhiều giải pháp để phòng chống thuốc lá nhập lậu, nhưng hiện nay tình trạng nhập lậu thuốc lá vẫn gia tăng, nhất là thuốc lá nhập lậu từ Campuchia và một số nước lân cận vào Việt Nam. Do vậy, song song với việc đẩy mạnh sản xuất và tiêu thụ, các doanh nghiệp sản xuất thuốc lá cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cơ quan quản lý thị trường, cơ quan chức năng địa phương ngăn chặn tình trạng buôn lậu thuốc lá ngoại qua biên giới.
Xuất khẩu tiếp tục giữ vai trò quan trọng
Tình hình xuất khẩu 7 tháng đầu năm đạt mức tăng trưởng khá (tăng 14,1% so với cùng kỳ). Xuất siêu cả nước ước 1,26 tỷ USD, bằng khoảng 1,5% kim ngạch xuất khẩu, góp phần bảo đảm dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá và ổn định kinh tế vĩ mô.
Trong đó, xuất khẩu của nhóm hàng công nghiệp chế biến tiếp tục giữ vai trò quan trọng góp phần vào tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu chung. Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này tăng trưởng khoảng 15,2% so với cùng kỳ, nhóm hàng nông sản, thủy sản tăng 12,6% và nhóm hàng nhiên liệu khoáng sản tăng 0,7%.
Kim ngạch xuất khẩu 7 tháng đầu năm 2014 của cả nước tăng thêm 10,3 tỷ USD so với cùng kỳ, trong đó kim ngạch của khu vực FDI (không kể dầu thô) tăng khoảng 6,94 tỷ USD (đóng góp khoảng 67,4% kim ngạch tăng thêm. Các mặt hàng có kim ngạch lớn và có tốc độ tăng trưởng cao đều do sự đóng góp chủ yếu của các doanh nghiệp FDI gồm điện thoại các loại và linh kiện (chiếm 99,5% tổng kim ngạch mặt hàng này của cả nước); máy vi tính linh kiện và điện tử (98,4%); giầy dép (77,2%); hàng dệt may (60%); máy ảnh (96%).
|
Nhập khẩu của cả nước tăng 8,44 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước, trong đó nhập khẩu của khu vực FDI tăng 4,3 tỷ USD. Một số mặt hàng nhập khẩu chủ yếu của khối doanh nghiệp FDI là điện thoại các loại và linh kiện (chiếm 85% tổng kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này của cả nước); máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện (91,3%); vải các loại (61%); nguyên phụ liệu dệt may, da giầy (68,5%).
Xuất nhập khẩu của khối doanh nghiệp trong nước tăng trưởng khá (Kim ngạch xuất khẩu của khu vực này tăng 12,2%, kim ngạch nhập khẩu tăng 13% so với cùng kỳ) cho thấy tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước ổn định và có dấu hiệu phục hồi.
Kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng cần cho sản xuất, tiêu dùng trong nước cũng như các mặt hàng nhập khẩu phục vụ gia công, xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng khá (tăng 11%), chiếm tỷ trọng 88,4% tổng kim ngạch nhập khẩu.
Nhóm hàng cần kiểm soát và hạn chế nhập khẩu được kiểm soát tốt. Tuy nhiên, kim ngạch nhập khẩu một số nhóm hàng như đá quý, kim loại quý và sản phẩm, ô tô nguyên chiếc dưới 9 chỗ cũng có mức tăng khá cao so với cùng kỳ.
Thị trường hàng hóa trong nước ổn định
Trong tháng 7, thị trường hàng hóa trong nước nhìn chung ổn định. Giá một số loại hàng hóa, dịch vụ thiết yếu có xu hướng ổn định. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ trong tháng 7 ước đạt 238,73 nghìn tỷ đồng, tăng 0,3% so với tháng trước; tính chung 7 tháng đầu năm tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ ước đạt 1.654,87 nghìn tỷ đồng tăng 11,4% so với cùng kỳ, nếu loại trừ yếu tố giá thì tăng 6,3%.
|
Trong tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 7 tháng đầu năm, ngành thương nghiệp ước đạt 1.242,19 nghìn tỷ đồng, tăng 10,1% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 75,06%; ngành khách sạn nhà hàng đạt 202,06 nghìn tỷ đồng, tăng 12,8%, chiếm tỷ trọng 12,21%; dịch vụ đạt 193,57 nghìn tỷ đồng, tăng 18,3%, chiếm tỷ trọng 11,7%; du lịch ước đạt 14,28 nghìn tỷ đồng, tăng 19,4%, chiếm tỷ trọng 1,03%.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 năm 2014 tăng 0,23% so với tháng trước và tăng 1,62% so với tháng 12 năm 2013. Hầu hết các nhóm hàng hóa trong tháng có mức tăng nhẹ từ 0,02% đến 0,43%. Riêng nhóm lương thực tiếp tục giảm (giảm 0,63%) và nhóm bưu chính viễn thông tiếp tục giảm (giảm 0,47%) so với tháng trước.
Theo Bộ Công thương