Bạn đang ở đây

Có một thương hiệu “Đằng Trà” ở Suối Giàng – Yên Bái

13/08/2012 11:01:52

Nâng chén trà lên ngang mặt, hương chè ngan ngát toả bay đánh thức vị giác. Cái màu nước xanh vàng sánh, đặc trưng của chè Shan tuyết cổ thụ mới nhấm vào tưởng chừng chát ngái nhưng chỉ lúc sau dư vị ngọt thơm vẫn còn đọng mãi...

Đằng Trà! Trà của nhà Đằng. Thì ra đây chính là sản phẩm của gia đình ông Giàng A Đằng, Chủ tịch UBND xã. Nhưng tại sao lại lấy tên người thay tên một vùng đất có rừng chè nổi tiếng? Hỏi ra mới biết đây là chuyện khá tế nhị. Thương hiệu chè Suối Giàng đã có đơn vị đăng ký độc quyền nhãn hiệu từ lâu nhưng dường như bị khách hàng bỏ quên vì “ngờ ngợ” chất lượng, nguồn gốc nguyên liệu đóng trong các gói chè.

Suối Giàng loại đặc biệt gì mà bây giờ vẫn 15 nghìn đồng/ lạng? Đằng Trà, loại phổ thông ngay tại Suối Giàng giá đã 300.000 đồng/kg, đóng bao 0,5kg/ gói. Loại trung bình 0,2kg/ gói, giá 320.000 đồng. Tính ra 1kg trà trị giá 800 nghìn đồng. Loại đặc biệt, đóng  0,1kg/ gói, giá 160 nghìn đồng, bằng 1,6 triệu đồng/kg.

Tại sao lại có sự chênh lệch như vậy? Ông Đằng giải thích: “Do qui trình thu hái, qui trình chế biến. Loại đặc biệt vì đấy toàn là búp chè từ các cây cổ thụ. Hái đúng một tôm hai lá, lại tẩm cả sương đêm của Suối Giàng khi chế biến. Nhúm một nhúm cánh chè bỏ vào ấm nghe rõ tiếng búp chè va vào thành ấm. Dù cho nước đang sôi sùng sục, nhưng muốn thưởng thức chè vẫn phải đợi cho ngấm. Cái anh chè vừa sôi nước rót ra đã sậm màu, sánh thế nào được với trà đây”.

Đằng Trà ra đời cũng từ một nỗi niềm trắc ẩn của người con Suối Giàng khi nhìn những cây chè cổ thụ xum xuê nhất, dáng vẻ thâm nghiêm, u sần nhất cứ bị bứng cả bầu chạy về xuôi. Bắt bà con không được bán nhưng giá búp chè thu hái cả năm chả đủ tiền đóng học phí cho con đi học.

Giá cây chè bán tại chỗ đã thu cả mấy triệu đồng, việc đào bới lại được họ trả công thuê. Chỉ còn cách nâng giá trị của cây chè cổ thụ bằng làm ra sản phẩm chất lượng đích thực nhất. Có thu nhập cao chẳng ai lại đem đào bỏ nguồn lợi nhuận ấy của mình.

Đấy chính là cách bảo vệ vùng chè, bảo vệ danh tiếng chè Suối Giàng, tạo ra sức hút người du lịch đến với vùng chè, tăng nguồn thu nhập cho bà con.

Bây giờ, ngoài một số hộ công nhân viên chức, người vùng xuôi lên sinh sống làm ăn ở khu vực trung tâm xã Suối Giàng thu mua chế biến chè đặc sản bán cho người có nhu cầu, trao đổi hàng hoá ra trong và ngoài tỉnh,  một số gia đình người Mông Suối Giàng cũng tham gia chế biến sản phẩm đặc sản từ cây chè quê hương.

Đằng Trà, một cái tên nhãn trà xanh bắt đầu tạo niềm tin về uy tín chất lượng được khách tới du lịch Suối Giàng tìm mua. Họ đã thực sự được sử dụng sản phẩm trà đặc sản của Suối Giàng do người Mông Suối Giàng ấp ủ tạo dựng nên thương hiệu và tự tay mình làm ra.

Theo YBĐT