CôngThương - Kim ngạch xuất khẩu vào thị trường Mỹ, Anh, Pháp, Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc có sự tăng trưởng trở lại. Yếu tố giúp thị trường phục hồi được đánh giá là do nhu cầu của thế giới tăng trở lại sau một thời gian dài sụt giảm bởi ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu. Thực tế này đang mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp và ngành gỗ xuất khẩu của Việt Nam.
Ông Nguyễn Sỹ Hoạt, Chủ tịch Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam cho rằng, kinh tế đang có sự phục hồi và người dân bắt đầu tiêu dùng, mua sắm nhiều hơn, sử dụng đồ gỗ nhiều hơn. Hơn nữa ngành công nghiệp gỗ cũng đã dần phát triển, các doanh nghiệp cũng đầu tư những trang thiết bị công nghệ sản xuất hiện đại hơn do đó đã tạo được lòng tin của người tiêu dùng nhiều nước kể cả các nước khó tính như Mỹ, châu Âu
Còn ông Lương Đại Thắng, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, tổng thương mại xuất khẩu đồ gỗ toàn cầu hiện nay khoảng 300 tỷ USD trong khi đó giá trị xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam chỉ chiếm 1,6% cho nên cơ hội của chúng ta đối với thị trường đồ gỗ toàn cầu là rất lớn vì chúng ta mới chiếm thị phần nhỏ nên chúng ta có nhiều điều kiện để tăng trưởng xuất khẩu trong tương lai.
Thị trường gỗ xuất khẩu phục hồi, ngoài nguyên nhân chính là do cầu thế giới tăng trở lại, doanh nghiệp Việt nam còn nhận được nhiều hợp đồng xuất khẩu từ Trung Quốc chuyển qua. Sự dịch chuyển này xuất phát từ việc giá nhân công Trung Quốc tăng, khiến cho các doanh nghiệp chế biến gồ gỗ đang đầu tư tại Trung Quốc phải chuyển sang các nước khác để gia công, trong đó có Việt Nam.
Theo ông Trần Đức Thuấn, Giám đốc Công ty TNHH công thương Hưng Long, giá nhân công tại Việt nam hiện nay so với Trung quốc rẻ hơn nên nhiều nhà sản xuất đồ gỗ đã chuyển qua thị trường Việt nam thuê gia công nhằm giảm chi phí giá thành. Chính vì vậy số lượng đơn hàng sản xuất gỗ xuất khẩu cũng vì thế mà tăng cao tại thời điểm này.
Thêm vào đó, nếu so sánh yếu tố chất lượng, có thể khẳng định sản phẩm đồ gỗ Việt nam ngày càng có chỗ đứng trên thị trường và được người tiêu dùng ưa chuộng do đã đầu tư dây chuyền công nghệ và nhân công thì có tay nghề cao.
"Việt Nam có một nguồn nguyên liệu dồi dào, cộng thêm nhân công chi phí hợp lý và thợ lành nghề vì nghề gỗ có ở Việt Nam rất lâu đời rồi. Hơn nữa trước đây nghề gỗ làm manh mún nhưng hiện nay nhiều doanh nghiệp đã làm ăn lớn. Nên nếu trước đây thế giới chỉ quan tâm đến đồ gỗ tại Thái Lan, Trung Quốc và các nước lân cận nhưng khi vào nước ta thấy sản phẩm của Việt Nam rất tốt và có sự cạnh tranh hơn so với nước bạn nên các đơn hàng do đó đã chuyển sang Việt Nam", ông Thuấn khẳng định.
Theo các chuyên gia đây chính là thời điểm và cơ hội để mỗi doanh nghiệp đầu tư mạnh vào khâu thiết kế, từ đó khẳng định thương hiệu và nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm gỗ Việt nam so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Đồng thời các doanh nghiệp cũng cần nhìn nhận bên cạnh cơ hội cũng là những thách thức mà bản thân các doanh nghiệp cần phải vượt qua để hoàn thiện quy mô và năng lực sản xuất nhằm đáp ứng được những yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng thế giới cũng như những xu thế mới về sản phẩm đồ gỗ của các thị trường lớn như châu Âu hay Mỹ.
Nguồn: Báo công thương