Theo Phó Trưởng Ban kinh tế Trung ương Lê Vĩnh Tân, năm 2015 kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định sẽ có hàng loạt cơ hội được mở ra. Trong nước lạm phát được kiềm chế khá tốt, lãi suất giảm, tỷ giá ổn định… Ngoài ra, giá dầu thô thế giới đang giảm mạnh phần nào đó tạo điều kiện cho DN sản xuất phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu có cơ may thoát khỏi khó khăn.
Do đó, dư địa điều hành kinh tế vĩ mô của Việt Nam hiện nay rất lớn, thuận lợi cho DN nội địa phát triển.
Cũng đồng nhất về những tín hiệu vui của nền kinh tế năm 2015, TS Trần Du Lịch phân tích, trong năm 2014 đã có trên 15.500 doanh nghiệp ở nhiều ngành nghề “sống trở lại” đã và đang là tiền đề tốt cho nền kinh tế phát triển trong năm 2015.
Theo dự báo của TS Trần Du Lịch, trong năm nay, có khả năng GDP sẽ vượt trên 6,2% (hoặc có thể sẽ là 6,5%), cao hơn kế hoạch đề ra. Trong giai đoạn 2016-2020, mức tăng GDP khoảng 6,5-7%, lạm phát khoảng 5-6%.
Nhìn nhận về vấn đề này, ông Marc Townsend, Giám đốc điều hành CBRE Việt Nam cho biết, những tín hiệu phục hồi của thị trường bất động sản (BĐS) trong thời gian qua nhờ vào sự ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát kéo giảm, sức mua cải thiện, chính sách ngày càng thông thoáng... đã tạo được niềm tin đối với các chủ đầu tư.
Tuy nhiên, kinh tế Việt Nam hội nhập sâu rộng sẽ tạo ra nhiều thuận lợi, đan xen thách thức, đòi hỏi DN phải hết sức tỉnh táo để đưa ra chiến lược kinh doanh phù hợp. Nhìn chung, DN phải đa dạng lựa chọn thị trường, gắn kết lợi ích qua tham gia chuỗi mạng sản xuất kinh doanh với các nhà đầu tư lớn từ các nước phát triển.
Phân tích về những cơ hội, TS. Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng chưa có một quốc gia nào như Việt Nam khi trong một thời gian ngắn đã đàm phán và tham gia một loạt các hiệp định kinh tế song phương và đa phương. Điều này không chỉ mang lại những cơ hội to lớn về phát triển kinh tế, thương mại vả đầu tư mà còn mở rộng cánh cửa hội nhập kinh tế cho các DN Việt Nam. Song cần lường trước tình hình cạnh tranh gay gắt với các DN ngoại tham gia vào thị trường Việt Nam cũng như việc cắt giảm các dòng thuế nhập khẩu…
Ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoa Sen cho rằng, bên cạnh sự nỗ lực của Chính phủ trong việc điều chỉnh cơ chế, chính sách để phù hợp với tiến trình hội nhập, DN cần phải nỗ lực tận dụng mọi cơ hội.
Cụ thể như Hoa Sen, để hội nhập, Công ty sẽ tập trung vào các lĩnh vực kinh doanh cốt lõi tôn-thép-nhựa, trong đó chú trọng thị trường nội địa và coi đây là nền tảng phát triển cơ bản. Đồng thời, Hoa Sen còn chú trọng tới việc bán sản phẩm với giá thành phù hợp. Trước các biến động của thị trường, Công ty sẽ luôn đảm bảo có nguồn hàng đủ để cung ứng.
Nguồn: baodientu.chinhphu.vn