Đó là thông tin được ông Phan Văn Chinh, Vụ trưởng Vụ Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết tại hội thảo “Tác động của hội nhập kinh tế quốc tế đối với kinh tế và thương mại Việt Nam. Khuyến nghị chính sách thực hiện Chiến lược xuất - nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011-2020, định hướng đến năm 2030” do Dự án hỗ trợ thương mại đa biên (Mutrap III) tổ chức tại Hà Nội, ngày 10/4.
Theo ông Chinh, trong định hướng phát triển ngành hàng giai đoạn 2011-2020, nhóm hàng nhiên liệu, khoáng sản sẽ có lộ trình giảm dần xuất khẩu khoáng sản thô để tập trung đầu tư công nghệ, tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến, tận dụng các cơ hội thuận lợi về thị trường và giá từ đó tăng giá trị xuất khẩu. Dự kiến tỷ trọng nhóm hàng này trong cơ cấu hàng hóa xuất khẩu từ 11,2% năm 2010 xuống còn 4,4% vào năm 2020.
Với nhóm hàng nông, lâm, thủy sản, là nhóm hàng có lợi thế và năng lực cạnh tranh dài hạn nhưng giá trị gia tăng còn thấp sẽ nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng; chuyển dịch cơ cấu hàng xuất khẩu hướng mạnh vào chế biến sâu, phát triển sản phẩm có ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến. Tỷ trọng nhóm hàng đến năm 2020 dự kiến là 13,5%.
Riêng với nhóm hàng có tiềm năng phát triển và thị trường thế giới có nhu cầu là nhóm hàng công nghiệp chế biến, chế tạo, Bộ Công Thương xác định phát triển sản phẩm có hàm lượng công nghệ và chất xám cao; phát triển công nghiệp hỗ trợ, nâng tỷ lệ giá trị trong nước, giảm phụ thuộc vào nguyên phụ liệu nhâp khẩu. Tỷ trọng nhóm hàng này sẽ chiếm 62,9% vào năm 2020.
“Đáng lưu ý, nhóm hàng mới (nằm trong nhóm hàng hóa khác), sẽ tập trung rà soát các mặt hàng có kim ngạch hiện nay còn thấp nhưng có tiềm năng tăng trưởng cao để tạo sự đột phá trong xuất khẩu”, ông Chinh cho biết.
Chia sẻ quan điểm với ông Chinh, tiến sỹ Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương cho rằng, giai đoạn tới Việt Nam cần đầu tư năng lực sản xuất cho 8 mặt hàng công nghiệp có lợi thế xuất khẩu là sản phẩm nhựa; sản phẩm gỗ; hàng thủ công mỹ nghệ; dệt may; sản phẩm điện tử, điện lạnh và linh kiện; dây điện và cáp điện; sản phẩm cơ khí; vật liệu xây đựng vì đây là các mặt hàng có tốc độ xuất khẩu cao, đều đạt trên 1 tỷ USD; chiếm 42,5% tổng kim ngạch xuất khẩu giai đoạn 2006-2010.
“Cụ thể, phải tập trung đa dạng hóa sản phẩm, đổi mới công nghệ, duy trì và mở rộng thị trường, tăng năng lực hiện có và tạo dựng vị thế mới trong chuỗi giá trị”, ông Thành nói.
Tại hội thảo, các chuyên gia cũng tập trung thảo luận về cơ hội mà các FTA mang lại, theo đó, đa số đều cho rằng DN Việt Nam phải tận dụng và khai thác triệt để các cơ hội mở cửa thị trường của nước ngoài và lộ trình cắt giảm thuế quan để đẩy mạnh xuất khẩu và nâng cao hiệu quả xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang các thị trường đã ký FTA.
Ông Nguyễn Thành Biên, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, năm 2011 và những tháng đầu năm nay, Hàn Quốc là ví dụ điển hình khi các DN Việt Nam đã tận dụng tốt ưu đãi CO (lên tới 91%) để đưa hàng vào thị trường này. Chúng ta cần phát huy tốt hơn nữa ở các hiệp định FTA khác.
“Quá trình hội nhập kinh tế, nhất là kể từ khi Việt Nam gia nhập WTO và tham gia mạnh mẽ hơn các hiệp định thương mại tự do (FTA) đòi hỏi phải có một chiến lược xuất nhập khẩu hiệu quả, nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế và ổn định kinh tế vĩ mô. Tới đây, Việt Nam sẽ tập trung phát triển các mặt hàng công nghệ mới có giá trị gia tăng cao, hàm lượng công nghiệp và chất xám cao trên cơ sở thu hút mạnh đầu tư trong nước và nước ngoài vào các ngạch sản xuất định hướng xuất khẩu”, Thứ trưởng Biên nhấn mạnh./.
Theo ttnn.com.vn