Bạn đang ở đây

Chương trình xúc tiến thương mại trong nước : Tổ chức phân phối hàng Việt đến miền núi, biên giới, vùng sâu

31/08/2011 15:17:14
Trong Chương trình xúc tiến thương mại biên giới sẽ tổ chức các phiên bán hàng Việt từ 2-3 ngày theo quy mô vừa và nhỏ (khoảng 30 doanh nghiệp) tại các huyện biên giới, miền núi vùng sâu, vùng xa; tổ chức bán hàng Việt từ 3-5 ngày tại các trung tâm đông dân cư tại các tỉnh biên giới với Việt Nam của các nước có chung biên giới.
 
Đồng thời, hỗ trợ các doanh nghiệp thiết lập và mở rộng phân phối hàng Việt tại các tỉnh, thành phố có chung biên giới; hỗ trợ chi phí tổ chức các đoàn doanh nghiệp sang giao thương, khảo sát thị trường tại các tỉnh của các nước có chung biên giới do Bộ Công Thương chủ trì thực hiện.
 
Đây cũng là một trong những nội dung của Chương trình xúc tiến thương mại biên giới. Cụ thể sẽ phát hành sổ tay và cẩm nang “hàng hóa và doanh nghiệp Việt Nam” bằng song ngữ Việt – Trung, Việt – Lào và Việt – Khmer để cung cấp thông tin đối với mỗi tuyến tuyến biên giới về cửa khẩu xuất khẩu hàng hóa, thủ tục hải quan, xuất nhập cảnh người và phương tiện… cũng như cung cấp thông tin về hàng hóa, mạng lưới phân phối và doanh nghiệp Việt Nam kinh doanh tại Trung Quốc, Lào và Campuchia.
 
Ngoài ra, sẽ phát hành chuyên đề giới thiệu chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ liên quan đến thương mại biên giới, miền núi và hải đảo; các bài viết phân tích, phản ánh chủ đề phát triển thương mại biên giới, miền núi và hải đảo…
 
5 tiêu chí lựa chọn đề án của Chương trình xúc tiến thương mại biên giới:
 
Thứ nhất, phù hợp với nhu cầu thực tế của các tổ chức có tư cách pháp nhân thuộc mọi thành phần kinh tế, thương nhân Việt Nam và hộ kinh doanh theo quy định của pháp luật Việt Nam.
 
Thứ hai, phù hợp với định hướng thiết lập và phát triển hệ thống kênh phân phối hàng Việt Nam từ vùng sản xuất đến khu vực biên giới, miền núi, vùng sâu, vùng xa, đồng thời đẩy mạnh xuất khẩu hàng hoá sang khu vực biên giới và thị trường của các nước láng giềng.
 
Thứ ba, phù hợp với chiến lược, quy hoạch phát triển các vùng kinh tế, ngành, địa phương đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
 
Thứ tư, phù hợp với nội dung Chương trình quy định tại Thông tư này.
 
Thứ năm, đảm bảo tính khả thi về: phương thức triển khai; thời gian, tiến độ triển khai; nguồn nhân lực, tài chính và cơ sở vật chất kỹ thuật
 
Theo TPO