Bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa
Để thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao theo các Nghị quyết của Chính phủ , Bộ Công Thương đã có nhiều biện pháp tập trung vào công tác điều hành, bình ổn thị trường. Cụ thể: Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương tổ chức tốt công tác thông tin, dự báo thị trường, giá cả các mặt hàng thiết yếu, đánh giá sát tình hình; thường xuyên có báo cáo và đề xuất kiến nghị lên Chính phủ các biện pháp can thiệp kịp thời, giúp ổn định thị trường; Tiếp tục phối hợp với các đơn vị báo chí trong và ngoài Bộ đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền về Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Đồng thời, giữa tháng 4 năm 2014, Bộ Công Thương đã hoàn thiện Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; Chủ động bám sát diễn biến giá xăng dầu thế giới, phối hợp cùng Cục Quản lý giá - Bộ Tài chính để điều hành giá xăng dầu. Bộ đã có Tờ trình số 2948/TTr-BCT ngày 11/4/2014 gửi Thủ tướng Chính phủ về Giải trình tiếp thu ý kiến thành viên Chính phủ về Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 84/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu; Ban hành Quyết định số 2854/QĐ-BCT ngày 02 tháng 4 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Công Thương thành lập Ban soạn thảo, tổ biên tập Nghị định về kinh doanh khí thay thế Nghị định số 107/2009/NĐ-CP ngày 26/11/2009 của Chính phủ về kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng…
Trong tháng 4, thị trường hàng hóa trong nước nhìn chung ổn định. Giá một số loại hàng hóa, dịch vụ thiết yếu có xu hướng ổn định. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ trong tháng 4 ước đạt 238,9 nghìn tỷ đồng, tăng 2,4% so với tháng trước; tính chung 4 tháng đầu năm tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịnh vụ ước đạt 939,6 nghìn tỷ đồng tăng 10,5% so với cùng kỳ, nếu loại trừ yếu tố giá thì tăng 5,5%. Trong tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 4 tháng đầu năm, ngành thương nghiệp ước đạt 710,56 nghìn tỷ đồng, tăng 8,5% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 75,6%; ngành khách sạn nhà hàng đạt 112,29 nghìn tỷ đồng, tăng 10,4%, chiếm tỷ trọng 12,0%; dịch vụ đạt 106,9 nghìn tỷ đồng, tăng 24,4%, chiếm tỷ trọng 11,4%; du lịch ước đạt 9,86 nghìn tỷ đồng, tăng 25,6%, chiếm tỷ trọng 1,1%. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4/2014 tăng 0,08% so với tháng trước và tăng 0,88% so với tháng 12 năm 2013.
Đối với công tác quản lý thị trường, trong tháng 4 năm 2014, Bộ Công Thương đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo và tổ chức triển khai quyết liệt công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, vì vậy, riêng tháng 4/2014, lực lượng Quản lý thị trường đã kiểm tra trên 15.000 vụ, xử lý trên 7.300 vụ vi phạm, với tổng số thu nộp ngân sách trên 25 tỷ đồng, góp phần vào kết quả 4 tháng năm 2014, lực lượng Quản lý thị trường đã kiểm tra trên 56.000 vụ, xử lý trên 29.000 vụ vi phạm, với tổng số thu nộp ngân sách trên 122 tỷ đồng. Trong đó, nổi bật nhất là kiểm tra, xử lý mặt hàng thuốc lá lậu; vi phạm trong kinh doanh xăng dầu; kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng; vi phạm trong sản xuất, kinh doanh Phân bón; vi phạm trong sản xuất, kinh doanh Mũ bảo hiểm…
Một số ngành sản xuất công nghiệp có dấu hiệu phục hồi
Tháng 4/2014, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 1,2% so với tháng 3/2014 và tăng 6,0% so với cùng kỳ năm 2013, trong đó: ngành công nghiệp khai khoáng tăng 0,4%, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 7,5%, ngành sản xuất, phân phối điện tăng 10,6% và ngành cung cấp nước và xử lý nước thải, rác thải tăng 3,3% so với cùng kỳ năm 2013. Tính chung 4 tháng đầu năm 2014, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 5,4%, đây là mức tăng trưởng cao hơn so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2013 so với năm 2012 tăng 4,8%).
Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, một số ngành có mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ như: chế biến, bảo quản thủy sản và các sản phẩm từ thủy sản tăng 18,7%, sản xuất đường tăng 11,8%, sản xuất sợi tăng 28,6%, sản xuất hàng may sẵn (trừ trang phục) tăng 16,3%, may trang phục (trừ trang phục từ da lông thú) tăng 12,1%, sản xuất giày dép tăng 19,0%, sản xuất linh kiện điện tử tăng 15,6%, sản xuất thiết bị truyền thông tăng 545,4%, Sản xuất mô tơ, máy phát, biến thế điện, thiết bị phân phối và điều khiển điện tăng 25,2%, sản xuất xe có động cơ tăng 16,8%, đóng tàu và cấu kiện nổi tăng 26,7%... Điều này cho thấy sản xuất của một số ngành có dấu hiệu phục hồi.
Tuy nhiên, một số ngành có mức tăng trưởng giảm như: chế biến sữa và các sản phẩm từ sữa giảm 0,7%, sản xuất mỳ ống, mỳ sợi và sản phẩm tương tự giảm 5,5%, sản xuất thuốc lá giảm 1,4%, sản xuất giấy nhăn, bìa nhăn, bao bì từ giấy và bìa giảm 2,5%, sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu giảm 0,3%, sản xuất thiết bị điện các loại giảm 12,8%, sản xuất mô tô, xe máy giảm 3,9%...
Những sản phẩm chủ yếu có tốc độ tăng cao hơn tốc độ tăng của toàn ngành gồm: điện tăng 10,3%; khí hóa lỏng tăng 9,4%; thép cán tăng 22,4%; động cơ điện các loại tăng 27,5%; biến thế điện tăng 70,8%; điện thoại di động tăng 12,3%; tivi tăng 32,9%; ôtô tăng 16,7%; phân đạm urê tăng 8,9%; vải dệt từ sợi tự nhiên tăng 13,5%; quần áo mặc thường tăng 12,7%; giày dép da tăng 31,1%; dầu thực vật tinh luyện tăng 13,7%; sữa tắm, sữa rửa mặt tăng 11,6%; bột giặt và các chế phẩm dùng để tẩy rửa tăng 8,8%; xi măng tăng 7,6%...
Đẩy mạnh xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu
Nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động xuất khẩu, kiểm soát hợp lý nhập khẩu, ngày 1/4/2014, Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị số 08/CT-BCT về tăng cường công tác thông tin thị trường, xúc tiến thương mại, phát triển thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu, tiêu thụ thóc gạo trong thời gian tới; triển khai Đề án “Các biện pháp quản lý nhập khẩu đến năm 2020 phù hợp với các cam kết quốc tế” trong Chương trình hành động của ngành Công thương thực hiện Chiến lược Xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011-2020, định hướng đến năm 2030; rà soát và đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, nghiên cứu và đơn giản hóa quy trình thủ tục cấp Giấy chứng nhận xuất xứ.
Trong bối cảnh, hoạt động xuất khẩu gạo còn có nhiều bất cập, Bộ Công Thương đã phối hợp với các bộ, ngành, Hiệp hội Lương thực Việt Nam trong việc chủ động điều hành hoạt động xuất khẩu gạo; nghiên cứu xây dựng lộ trình thực hiện chủ trương thương nhân đầu mối xuất khẩu gạo phải có vùng nguyên liệu hoặc hợp tác, liên kết, đặt hàng với hộ nông dân trồng lúa.
Với những bước triển khai như vậy, tháng 4, kim ngạch xuất khẩu (KNXK) ước đạt 12,2 tỷ USD, giảm 0,6% so với tháng 3 và tăng 23,2% so với tháng 4 năm 2013, trong đó: xuất khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) ước đạt 7,5 tỷ USD, giảm 0,1% so với tháng 3 và tăng 24,2% so với tháng 4 năm 2013. Tính chung, kim ngạch XK 4 tháng đầu năm tăng trưởng 16,9% so với cùng kỳ năm 2013, kim ngạch NK tăng 13,7%. Xuất siêu cả nước ước 683 triệu USD, bằng khoảng 1,5% kim ngạch XK. Trong đó, XK khối DN có vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao và đóng góp chủ yếu cho tăng trưởng XK. Kim ngạch XK 4 tháng đầu năm 2014 của cả nước tăng thêm 6,6 tỷ USD so với cùng kỳ, trong đó kim ngạch của khu vực FDI (không kể dầu thô) tăng khoảng 4,7 tỷ USD (đóng góp hơn 70% kim ngạch tăng thêm). Các mặt hàng có kim ngạch lớn và có tốc độ tăng trưởng cao đều do sự đóng góp chủ yếu của các doanh nghiệp FDI gồm điện thoại các loại và linh kiện (chiếm 99,6% tổng kim ngạch mặt hàng này của cả nước); máy vi tính linh kiện và điện tử (98,4%); giầy dép (76,7%); hàng dệt may (60%)...
Xuất khẩu của nhóm hàng công nghiệp chế biến vẫn giữ vai trò quan trọng góp phần vào tăng trưởng kim ngạch XK. Kim ngạch XK nhóm hàng này tăng trưởng khoảng 19,4% so với cùng kỳ. Đóng góp chủ yếu cho nhóm hàng này gồm các mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện, hàng dệt may, hàng giày dép, gỗ và sản phẩm gỗ là các mặt hàng có kim ngạch lớn và đều có tốc độ tăng trưởng trên 20%. Nhóm hàng nông sản, thủy sản tăng 14% với sự tăng trưởng khá cao của các mặt hàng thủy sản (32%), cà phê (29,5%), hạt tiêu (41,3%), rau quả (23%). Nhóm hàng nhiên liệu khoáng sản giảm 10,5% với sự sụt giảm cả về lượng và kim ngạch của dầu thô và than đá.
Xuất khẩu nhóm hàng nông lâm thủy sản tăng 13,2% so với cùng kỳ với nhiều mặt hàng có mức tăng khá tuy nhiên giá XK hai mặt hàng thế mạnh là cao su và cà phê giảm so với cùng kỳ. Đối với một số thị trường có kim ngạch xuất khẩu giảm trong quý I/2014, các Thương vụ Việt Nam tại một số nước như Campuchia, Malaysia, Hàn Quốc để tìm hiểu, phân tích nguyên nhân, từ đó đưa ra thông tin dự báo để các DN có phương án mới về XK.
4 tháng đầu năm, XK sang hầu hết các khu vực thị trường đều tăng (trừ một số nước Tây Âu, Đông Âu và Bắc Âu giảm 7,5%). Thị trường Châu Á ước tăng 13,6%, trong đó khu vực các nước Đông Á tăng cao nhất (tăng 20,0%), tiếp đó là thị trường các nước Tây Á (tăng 12,3%), Đông Nam Á (tăng 3,3%) và Trung Nam Á (tăng 1,8%). Thị trường châu Âu tăng 12,1%, trong đó, hầu hết các nước có kim ngạch XK tăng trưởng khá…
Về nhập khẩu, tháng 4, kim ngạch NK hàng hoá ước đạt 12,6 tỷ USD, tăng 1,0% so với tháng 3 và tăng 16,1% so với tháng 4 năm 2013, trong đó: kim ngạch NK của các DN có vốn đầu tư nước ngoài ước 7,4 tỷ USD, tương đương tháng 3 và tăng 22,8% so với tháng 4 năm 2013. Tính chung, 4 tháng năm 2014 ước đạt gần 45,1 tỷ USD, tăng 13,7% so với cùng kỳ năm 2013. Điều đáng chú ý, kim ngạch NK nhóm hàng cần cho sản xuất, tiêu dùng trong nước cũng như các mặt hàng NK phục vụ gia công, XK của khối DN có vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục tăng trưởng khá, chiếm tỷ trọng 88,5% tổng kim ngạch NK. Nhiều nhóm hàng nguyên liệu được đẩy mạnh lượng NK khi giá NK có xu hướng giảm. Nhóm hàng cần kiểm soát và hạn chế NK được kiểm soát tốt. Tuy nhiên, kim ngạch NK một số nhóm hàng như điện thoại di động, ô tô nguyên chiếc dưới 9 chỗ cũng có mức tăng khá cao so với cùng kỳ.
Theo Báo Công thương