Đây là sự kiện thuộc Đề án phát triển thị trường trong nước đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, với mục đích lâu dài nhằm giúp người tiêu dùng nhận thức đúng về khả năng sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (DN) Việt, cũng như cái nhìn mới về hàng Việt Nam chất lượng trên thị trường. Tham gia hội nghị có hơn 170 đại diện các hiệp hội, hội DN, người tiêu dùng.
Tham luận tại hội thảo, bà Trần Phương Lan - Trưởng phòng Giám sát cạnh tranh, Cục Quản lý cạnh tranh - nhấn mạnh, một cuộc khảo sát mới đây cho thấy, chỉ có 20% DN trong nước biết về Luật Cạnh tranh (tỷ lệ này ở DN FDI là 78%). Điều đó đồng nghĩa với việc, các DN FDI tại Việt Nam hiểu rất rõ và sử dụng tốt luật này để bảo vệ hàng hóa của mình, trong lúc DN trong nước vẫn thờ ơ, chưa nắm bắt được.
Ông Nguyễn Phương Nam - Cục phó Cục Quản lý Cạnh tranh: “Luật đưa ra là để bảo vệ người tiêu dùng chân chính, nhưng đả phá những người tiêu dùng lạm dụng quyền đó để đòi hỏi vô lối đối với DN. Trong thực tế hiện nay, có nhiều doanh nghiệp đối thủ đã sử dụng chiêu trò dèm pha nói xấu nhau để cạnh tranh không lành mạnh”. |
Theo ông Phan Thế Thắng - Phó Trưởng phòng Bảo vệ Quyền lợi người tiêu dùng, Cục Quản lý Cạnh tranh, tình trạng không tuân thủ pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng vẫn diễn biến phức tạp và ngày càng tinh vi. Trong khi đó, nhận thức của người tiêu dùng về quyền lợi của chính mình vẫn chưa đầy đủ, chưa tạo thành sức mạnh để buộc các DN không chân chính tự nguyện thực hiện nghĩa vụ với người tiêu dùng. Người tiêu dùng cũng chưa ý thức được trách nhiệm tự bảo vệ quyền lợi như mua hàng không lấy hóa đơn, không xem nhãn mác, xuất xứ, hướng dẫn sử dụng, ngại khiếu nại, khiếu kiện…
Ông Võ Văn Quyền - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) - nêu rõ, mục đích của hội nghị là tạo sự đồng thuận giữa doanh nghiệp, nhà nước và người tiêu dùng để có các biện pháp phòng vệ chính đáng cho người tiêu dùng. Ông cho biết, theo định nghĩa mới được Bộ Công Thương ban hành, hàng Việt Nam không chỉ là hàng hóa do DN thuần Việt sản xuất, mà còn do các doanh nghiệp FDI sản xuất, lắp ráp trong nước. Với chiến lược mới của Bộ Công Thương, hàng Việt Nam trong thời gian tới sẽ có sức mạnh cạnh tranh lớn.
Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Phương Nam – Cục phó Cục Quản lý cạnh tranh - khẳng định, các hàng hóa do các doanh nghiệp thuần Việt cũng như các DN FDI đầu tư tại Việt Nam sản xuất, lắp ráp tại Việt Nam như Samsung đều được gọi coi là hàng Việt. Các doanh nghiệp này khi có vướng mắc sẽ được Bộ Công Thương và Cục Quản lý cạnh tranh có trách nhiệm gỡ khó cho DN.
Chia sẻ với những tham luận trên, ông Kim Cheogi - Tổng Giám đốc Samsung Vina Electronics – cho biết: “Với sứ mệnh gia tăng sức cạnh tranh của hàng “made-in-Vietnam” trên thị trường quốc tế, Samsung hiểu rất rõ tầm quan trọng của Luật Cạnh tranh và Luật Bảo vệ người tiêu dùng. Xây dựng lòng tự hào của người dân về hàng Việt Nam không chỉ là sứ mệnh của chính quyền mà còn là của các DN. Bằng những đóng góp của mình, Samsung hy vọng có thể hỗ trợ quảng bá hàng Việt Nam cũng như bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam”.
Theo Báo Công Thương