Bạn đang ở đây

Chủ tich EuroWindow: 140.000m2 mặt sàn cho hàng Việt Nam sang Nga giới thiệu sản phẩm

10/07/2015 13:42:05

Phát biểu tại Hội thảo Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh kinh tế Á-Âu, ông Nguyễn Cảnh Sơn, chủ tịch Eurowindow kiêm Phó Chủ tịch Techcombank chia sẻ mô hình có thể làm cầu kết nối giữa doanh nghiệp Việt Nam với các DN Liên minh kinh tế Á Âu đặc biệt là thị trường Nga. 
Một trong những nỗi lo của doanh nghiệp khi tiếp cận thị trường Nga đó là không rành về tiếng, đồng Rúp giảm, phương tiện thanh toán và thủ tục hải quan.

Ông Nguyễn Cảnh Sơn chia sẻ công ty của ông là đơn vị đầu tư tổ hợp đa chức năng tại thủ đô Mátxcơva sẽ là cầu nối cho doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu hàng hóa sang liên bang Nga.
Tổ hợp này có tổng vốn đầu tư gần 240 triệu USD, diện tích khoảng 5 ha bao gồm hơn 140.000m² mặt sàn trong đó có hơn 750 căn hộ, 35.000m²  mặt sàn thương mại, 15.000m²  mặt sàn các loại dịch vụ và khu đỗ xe khoảng 1.000 ô tô. 

Để hưởng ứng hiệp định FTA được ký kết cuối năm nay và có hiệu lực vào đầu năm, EuroWindow kết hợp cùng BIDV, đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga, Bộ Công thương, UBND thành phố Hà Nội, UBCK Thành phố HCM sẽ tổ chức Hội chợ hàng Việt Nam chất lượng cao tại Matscova tại tổ hợp đa chức năng này trong thời gian 1 tháng, bắt đầu từ 12/11/2015. 
Mục đích của Hội chợ này nhằm đưa hàng sang liên bang Nga sẽ để tìm kiếm các đối tác, hệ thống bán lẻ, nhà nhập khẩu và nhà phân phối. Những mặt hàng nào phù hợp với thị hiếu và giá cả sẽ ở lại trung tâm thương mại này để mở show room và văn phòng đại diện. 
Nhằm tạo điều kiện cho hội chợ thành công, ông Nguyễn Cảnh Sơn cho biết sẽ miễn tiền thuê gian hàng 1 tháng và giảm 5% tiền chi phí ở tại tổ hợp, Vietnam Airlines cũng cam kết giảm 50% giá vé máy bay cho các DN tham gia cũng như BIDV tài trợ các vấn đề liên quan đến giàn dựng và quảng bá hội chợ tại Liên bang Nga.

Theo chia sẻ của chủ tịch EuroWindow, Liên Bang Nga cùng các nước trong liên minh kinh tế Á-Âu chuyển từ CNXH sang kinh tế thị trường, logistic chưa phát triển, trước đây một lượng lớn hàng hóa Việt Nam sang Nga tiếp cận thị trường theo dạng phi mậu dịch thông qua các công ty của phương Tây, hoặc thông qua các chợ. Ông Sơn cho rằng nếu bán trực tiếp tại tổ chức đa chức năng thì lợi nhuận cao hơn rất nhiều so với chúng ta chỉ gia công đi các nước.

Cùng với đó, đội ngũ thương gia làm việc lâu năm tại Nga sẽ giúp đỡ các doanh nghiệp trong vấn đề thủ tục, hỗ trợ vận chuyển cũng như thủ tục hải quan.

Ông Sơn cũng tiết lộ tháng 11 tới sẽ có hàng loạt các hoạt động hưởng ứng FTA Liên minh kinh tế Á Âu như ngày Hà Nội Mátxcova, hội nghị thanh toán đồng nội tệ VN và liên bang Nga, doanh nhân người Việt Nam ở nước ngoài, hội chợ hàng VN chất lượng cao tại liên bang Nga.

Đánh giá về tác động của Hiệp định thương mại tự do giữa VN với Liên minh kinh tế Á-Âu, theo ông Nguyễn Cảnh Sơn đây là một cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng thị trường. 
Có nhiều mặt hàng chúng ta có thế xuất khẩu như thủy sản, túi xách, giày da không phải làm từ da, đồ gỗ nội thất đều được xóa bỏ thuế nhập khẩu ngay lập tức, một số mặt hàng khác như hàng dệt may thì trừ mặt hàng mùa đông còn lại mặt hàng mùa hè như quần bò đồ sơ mi, hàng trẻ em đều được xóa bỏ thuế, ngưỡng phòng ngự đối với hàng dệt may là 2 lần kim ngạch xuất khẩu trong 3 năm gần nhất cũng là tương đối cao. Nếu chúng ta vượt qua ngưỡng phòng ngự thì cũng nằm trong biểu thuế quy chế liên hợp quốc (thấp nhất), đó cũng là tín hiệu tốt.
Về hợp tác thương mại giữa Việt Nam và LB Nga, Chính phủ hai nước đã thảo luận về việc hai bên cần phải thực hiện một số biện pháp để vượt qua những chướng ngại để có thể đạt kim ngạch thương mại 10 tỷ USD vào năm 2020. Việc ký kết Hiệp định FTA Việt Nam Liên minh kinh tế Á Âu và việc xây dựng kênh thanh toán song phương bằng đồng Rúp và VND đã được nêu trong thỏa thuận hợp tác ký giữa BIDV và VTB. Những hiệp định này đi vào hiệu lực sẽ có tới trên 90% mặt hàng tiêu dùng nhập khẩu được miễn giảm thuế, giảm thiểu rủi ro về tỷ giá cho doanh nghiệp hai nước trong vấn đề thanh toán.

Theo Vinanet