Ông Đỗ Thanh Lam- Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương)- cho biết thông tin trên tại Hội thảo "Doanh nghiệp đồng hành với Quản lý thị trường trong công tác chống hàng giả" do Cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) phối hợp với EU - MUTRAP tổ chức ngày 22/4, tại Hà Nội.
Theo báo cáo của Cục Quản lý thị trường, mỗi năm lực lượng này xử phạt hàng trăm nghìn vụ liên quan đến hàng giả, hàng nhái. Riêng quý I/2014, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã kiểm tra gần 40.000 vụ, xử lý trên 25.000 vụ, với tổng số tiền phạt lên đến 70 tỷ đồng. Tuy nhiên, con số này vẫn chưa thấm vào đâu so với thực tế đang diễn ra.
Theo ông Vương Trí Dũng, Phó Chi cục trưởng Chi cục quản lý thị trường Hà Nội, số lượng các vụ làm hàng giả nhỏ lẻ ngày càng giảm nhưng số lượng các doanh nghiệp chủ động làm hàng giả ngày càng tăng lên. Hàng loạt các vụ việc như vụ sản xuất rượu vang Đà Lạt giả mạo rượu vang Pháp đã khởi tố hay vụ sản xuất phụ tùng xe máy của Công ty luyện Luân Hưng giả nhãn hiệu Nhật bị vi phạm hành chính 500 triệu đồng, vụ sản xuất kinh doanh đĩa phần mềm diệt viruts giá trị 2,5 tỷ đồng, vụ sản xuất mỹ phẩm giả Unilever đã khởi tố... "Hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ liên tục diễn ra và có diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam nhận thức về sở hữu trí tuệ vẫn mơ hồ, nhiều doanh nghiệp cầm bản chứng nhận đăng ký sở hữu trí tuệ mà không biết mình có quyền gì. Bản thân doanh nghiệp cũng chưa có ý thức bảo vệ quyền lợi của mình"- ông Dũng cho biết.
Ông Nguyễn Thanh Hồng- Trưởng phòng thực thi và giải quyết khiếu nại, Cục Sở hữu trí tuệ- cho biết: Tại Việt Nam, sản phẩm thuốc giả rất đáng quan ngại với các thủ đoạn tinh vi và khôn khéo trong việc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Lấy dẫn chứng từ vụ việc công ty Pháp Việt có trụ sở tại TP. HCM đã làm thuốc giả với thủ đoạn bóc nhãn thuốc nội đi và thay vào đó là nhãn thuốc ngoại tương đương, đẩy giá lên cao và đưa vào các bệnh viện, công ty đã thu được khoản lợi nhuận rất lớn. Tuy nhiên, chế tài xử phạt là thuốc giả và kém chất lượng là rất khó áp vào công ty này mà chỉ xử lý là sai về xuất xứ hàng hóa.
Theo ông Hồng, hiện các doanh nghiệp Việt Nam nhìn nhận về sở hữu trí tuệ không phải là ưu tiên số 1 và ưu tiên hàng đầu. Số lượng đơn đề nghị xử lý vi phạm quyền sở hữu dường như đang ít đi. Nhiều doanh từ chối, thậm chí "ngại" đề nghị xử lý xâm hại với lý do khó khăn về kinh tế...
Trong khi đó, theo quy định của pháp luật, để xử lý xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp (hàng giả), nhất thiết phải có sự tham gia của doanh nghiệp chủ sở hữu quyền, vì doanh nghiệp có đủ căn cứ pháp lý bảo hộ quyền của mình, có đủ căn cứ xác định vi phạm quyền và đề nghị xử lý xâm phạm, xác nhận hàng hóa xâm phạm khi cơ quan chức năng bắt giữ. Nếu doanh nghiệp bất hợp tác, cơ quan chức năng rất khó khăn để chống hàng giả.
Ông Đỗ Thanh Lam nhấn mạnh, một trong những nguyên nhân quan trọng làm giảm hiệu quả của công tác chống hàng giả, hàng nhái thời gian qua là do nhiều doanh nghiệp chưa quan tâm đến việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm của mình. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp mặc dù biết mình bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ nhưng lại không hợp tác với các cơ quan chức năng để kịp thời ngăn chặn vì họ e ngại rằng việc tố cáo hàng giả hàng nhái sẽ làm ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín và doanh thu của sản phẩm của mình khi mà người tiêu dùng chưa thực sự phân biệt được đâu là hàng thật đâu là hàng giả. Đồng thời, nếu như doanh nghiệp công bố cách nhận biết hàng giả hàng nhái, thì đó lại là cơ sở để các đối tượng sản xuất hàng giả hàng nhái làm theo và “thật hóa” những món đồ của mình.
Ông Lam cho biết, công tác đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái là công việc vừa cấp bách vừa lâu dài. Để nâng cao công tác chống hàng giả, hàng nhái và bảo vệ thương hiệu, thì doanh nghiệp là chủ sở hữu quyền, chủ sở hữu hàng hóa của mình, là người hiểu rõ hàng hóa của mình hơn ai hết cần chủ động cung cấp cho lực lượng quản lý thị trường các thông tin về đầu mối về sở hữu trí tuệ doanh nghiệp, mặt hàng sai phạm… Đồng thời, cần chủ động bảo vệ mình bằng cách đầu tư áp dụng khoa học công nghệ, nghiêm túc thực hiện các quy định về công bố chất lượng sản phẩm hàng hóa, thay đổi khâu thiết kế mẫu mã các sản phẩm, hạ giá thành, đồng thời quyết liệt phối hợp với các cơ quan chức năng để ngăn chặn và xử lý tận gốc hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ.
Theo Báo Công thương