Theo ông Trần Quốc Định, Phó trưởng Ban Cải cách hiện đại hóa hải quan (Tổng cục Hải quan), Nghị định 87/2012/NĐ-CP được ban hành đánh dấu một mốc quan trọng trong tiến trình cải cách hiện đại hóa ngành Hải quan, chuyển đổi phương thức quản lý từ thủ công sang điện tử, đưa phương thức quản lý hiện đại, tiên tiến đi vào thực tế cuộc sống.
Qua đó, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp thông qua việc tự động hóa một số khâu trong quy trình thủ tục hải quan và tăng hiệu quả của việc áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý, kiểm tra hải quan.
Tăng mức độ tự động, mở rộng thời gian khai báo hải quan
Khi áp dụng Nghị định 87/2012/NĐ-CP, doanh nghiệp sẽ được hưởng nhiều điều kiện thuận lợi. Điều đầu tiên phải kể đến là cho phép người khai hải quan điện tử được quyền khai hải quan 24/7 thay vì trong giờ hành chính như đối với thủ tục hải quan thủ công. Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan tiếp nhận, kiểm tra, đăng ký tờ khai hải quan điện tử 24/7. Công chức hải quan xử lý tờ khai trong giờ hành chính.
Doanh nghiệp cũng được tạo thuận lợi hơn thông qua việc tự động hóa một số khâu trong quy trình thủ tục hải quan. So với quy định trước đây, thủ tục hải quan điện tử sẽ được tự động hóa thêm 3 khâu là kiểm tra, đăng ký tờ khai và phân luồng tờ khai.
Thủ tục hải quan điện tử đã được thực hiện thí điểm từ năm 2005 theo Quyết định 149/2005/QĐ-TTg ngày 20/6/2005 và tiếp tục mở rộng thí điểm theo Quyết định 103/2009/QĐ-TTg ngày 12/8/2009 của Thủ tướng Chính phủ. Cho đến thời điểm hiện nay, dù mới chỉ triển khai thí điểm nhưng thủ tục hải quan điện tử đã được thực hiện tại 21/34 Cục Hải quan, thu hút 57,5 nghìn doanh nghiệp tự nguyên tham gia. Lượng tờ khai thực hiện qua thủ tục hải quan điện tử khoảng 3,47 triệu tờ khai, chiếm 95,8% tổng số tờ khai của các loại hình triển khai trên các địa bàn thực hiện thủ tục hải quan điện tử. |
Việc tự động hóa thêm 3 khâu trên giúp thủ tục hải quan điện tử được thực hiện theo đúng nghĩa tự động hóa, giảm tối đa sự can thiệp trực tiếp của công chức hải quan vào quy trình thủ tục, cải cách thủ tục hành chính, giảm thời gian thông quan đối với mỗi lô hàng, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc thực hiện thủ tục xuất nhập khẩu.
Ngoài ra, việc áp dụng chữ ký số trong thực hiện thủ tục hải quan điện tử sẽ góp phần tạo thuận lợi tối đa cho các doanh nghiệp và đảm bảo quản lý của cơ quan hải quan, tận dụng được thế mạnh của phương thức giao dịch điện tử. Thực hiện chữ ký số, cơ quan hải quan sẽ chấp nhận các dữ liệu khai báo bằng dữ liệu điện tử mà không yêu cầu phải nộp các hồ sơ giấy.
Hồ sơ giấy chỉ phải nộp trong trường hợp cơ quan hải quan cần kiểm tra chi tiết các thông tin về lô hàng hoặc kiểm tra thực tế hàng hóa. Điều này sẽ đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm thiểu các hồ sơ, chứng từ giấy mà doanh nghiệp phải nộp hoặc xuất trình cho cơ quan hải quan, rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa.
Đóng góp vào giá trị xuất nhập khẩu
Ông Trần Quốc Định cho biết, hiện Tổng cục Hải quan đã đồng bộ các điều kiện về hạ tầng công nghệ thông tin, đảm bảo hệ thống hoạt động thông suốt đúng thời gian triển khai từ hôm nay, 1/1/2013.
Cùng với đó, Tổng cục Hải quan đã đôn đốc 21 Cục Hải quan đang triển khai thí điểm thủ tục hải quan điện tử chuẩn bị các điều kiện cần thiết (cơ sở vật chất, nguồn lực...) để đảm bảo việc chuyển đổi từ thí điểm sang triển khai chính thức thủ tục hải quan điện tử đúng kế hoạch. Rà soát, đánh giá hiện trạng và bổ sung trang thiết bị, nguồn lực cần thiết để đảm bảo 13 Cục Hải quan còn lại triển khai thủ tục hải quan điện tử đúng thời gian quy định.
Như vậy, từ ngày 1/1/2013, sau 7 năm thí điểm, hải quan điện tử sẽ được triển khai chính thức trên các cục hải quan toàn quốc, cách thức thông quan này sẽ giúp cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu tiết kiệm rất lớn thời gian, chi phí và nhân lực.
Tính riêng từ đầu năm 2012 đến tháng 11/2012, tổng lượng tờ khai hải quan điện tử đạt 3,2 triệu bộ, chiếm 87,2% tổng lượng tờ khai tại các cục hải quan, tổng giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 145,1 tỷ USD, chiếm 87% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu.