Tính đặc biệt của thời kỳ 1999-2003 là CPI tăng rất thấp (1,44%/năm), trong đó năm 2000 còn giảm (giảm 0,6%), nhưng tốc độ tăng bình quân thời kỳ này vẫn thuộc loại khá (6,57%/năm). CPI tháng 11, 11 tháng và ước cả năm 2014 cũng có thể lặp lại sự đặc biệt đó.
Theo Tổng cục Thống kê, CPI tháng 11 giảm 0,27% và đây là tháng thứ 2 tính từ đầu năm chỉ số giá tiêu dùng mang dấu âm (sau tháng 3). Tuy nhiên, CPI tháng 3 giảm thì có thể hiểu được vì gốc so sánh là tháng 1, tháng 2 - tháng có Tết cổ truyền - nên giá tăng cao hơn, do nhu cầu tiêu dùng cao hơn. Các tháng sau đó CPI tăng thấp cũng có thể giải thích được do tính thời vụ theo thông lệ trong nhiều năm. Vì thế, tháng 11 năm nay, CPI giảm cũng là hiện tượng hiếm thấy so với CPI của cùng kỳ trong 13 năm qua.
Theo nhóm hàng, sau 11 tháng có 8 nhóm giá tăng cao hơn; 1 nhóm giá tăng thấp hơn và có 3 nhóm chỉ số giá giảm.
Nhóm bưu chính viễn thông giá đã giảm từ nhiều năm nay. Đây là kết quả của việc ngành này mở cửa hội nhập sớm nhất; có tính thị trường rõ nhất; là sự đổi mới khoa học-công nghệ liên tục nhanh chóng, là nhu cầu tiêu dùng ở mức cao của người dân; là việc đầu tư lớn, nhanh chóng đưa vào sản xuất, xuất khẩu của các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài vào ngành này của Samsung.
Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng giảm do thị trường địa ốc chưa khởi sắc, sản xuất vật liệu xây dựng tăng trưởng khá...
Nhóm giao thông sau 10 lần giảm giá xăng dầu, ngành vận tải đã hoặc “rục rịch” giảm giá cước; nhập khẩu xăng dầu so với cùng kỳ năm trước tăng cao về lượng (19,4%) và giảm về giá (giảm 1,34%). Giá lương thực - mặt hàng thiết yếu nhất - năm 2012 giảm mạnh (giảm 5,66%), năm 2013 tăng thấp (tăng 1,98%, chỉ bằng 1/3 tốc độ tăng chung), trong khi sản lượng sản xuất tăng, xuất khẩu gạo giảm (năm trước giảm 17,8%, 10 tháng năm nay giảm 4,3%). Một số nhóm khác giá tăng không cao; chỉ có giá dịch vụ giáo dục tăng cao, nhưng do tỷ trọng trong CPI của nhóm này thấp (5,72%), nên tác động không lớn đến tốc độ tăng chung.
Lạm phát thấp là một tin vui đối với người dân. Tuy nhiên, hiệu ứng phụ của việc kiềm chế lạm phát cũng ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh, đến thị trường, đòi hỏi phải có giải pháp để tháo gỡ, hỗ trợ nhằm đưa kinh tế phục hồi, tăng trưởng cao hơn.
Nguồn: Chính phủ