10/09/2011 16:39:10
Văn Chấn được mệnh danh là “thủ phủ” của cây chè với trên 3.800 ha, sản lượng búp đạt trên 40 ngàn tấn. Kéo theo đó trên địa bàn cũng có khoảng 40 nhà máy chế biến công suất từ 3-42 tấn búp tươi/ngày. Nhiều năm qua, cây chè đã góp phần quan trọng xóa đói giảm nghèo trong nông nghiệp, nông thôn và đang dần trở thành một ngành kinh tế chủ lực.
Sản phẩm chè Yên Bái nói chung và chè Văn Chấn nói riêng đã đi khắp thị trường trong, ngoài nước, từ chè đen đến chè xanh. Thế nhưng, chỉ một vài năm trở lại đây, nhất là bước vào niên vụ sản xuất chè 2011, tình trạng thu hái búp không đảm bảo chất lượng cho chế biến, doanh nghiệp chè thiếu nguyên liệu để sản xuất đang trở nên trầm trọng.
Ông Phan Văn An - Giám đốc Công ty cổ phần Chè Liên Sơn dẫn chúng tôi đi thăm Nhà máy, nhận định: “Do Công ty có vùng nguyên liệu ổn định, cùng với trong vùng Liên Sơn còn ít nhà máy, cơ sở chế biến nên khâu thu mua nguyên liệu không căng thẳng như các xã vùng ngoài. Vụ chè năm nay, Công ty cương quyết không mua chè kém phẩm cấp mà khuyến khích nhân dân, công nhân thu hái chất lượng hơn bằng cách đẩy giá lên cao. Thị trường chè năm nay và những năm tiếp theo sẽ rất khắt khe, nếu chè không đảm bảo chất lượng, phẩm cấp thấp khó mà tiêu thụ được. Đã đến lúc chúng ta phải nâng cao chất lượng và công nghệ chế biến thì mới có thể tồn tại”.
Ngay trong tháng 6, huyện Văn Chấn đã tổ chức nhiều cuộc họp với tất cả doanh nghiệp chè trên địa bàn yên cầu các doanh nghiệp không thu mua nguyên liệu búp không đúng phẩm cấp và đều nhận được sự ủng hộ của doanh nghiệp. Nhìn chung, đến nay chất lượng chè búp đã được cải thiện hơn rất nhiều, kể cả nguyên liệu bà con thu hái bằng máy cũng đã được nâng cao.
Có lẽ việc nâng cao chất lượng chè từ khâu trồng, chăm sóc, thu hái và chế biến không phải đến giờ mới được Yên Bái quan tâm mà ngay từ những năm 50 - 60 của thế kỷ trước đến nay, các cấp, các ngành, người làm chè Yên Bái vẫn nỗ lực xây dựng vùng nguyên liệu, sản xuất chế biến chè ngày một chất lượng, an toàn.
Đặc biệt trong vòng gần 10 năm trở lại đây, Yên Bái đã đầu tư hàng chục tỷ đồng trồng mới, trồng cải tạo thay thế chè già cỗi bằng giống chè mới năng suất, chất lượng cao. Bên cạnh đó còn xây dựng vùng chè sạch, chè an toàn đang rất hiệu quả đạt các quy chuẩn VietGap, GlobalGap, ISO... Các doanh nghiệp cũng không ngừng đầu tư dây chuyền máy móc, đổi mới công nghệ chế biến.
Doanh nghiệp chè Minh Phương, khu 9, thị trấn Nông trường Trần Phú tuy mới thành lập 2 năm nay nhưng đã đầu tư dây chuyền sản xuất chè xanh viên khá hiện đại đi vào sản xuất ổn định. Doanh nghiệp chỉ thu mua búp chất lượng, hái đúng phẩm cấp với giá lên tới 5.000 đồng/kg, chè kém chất lượng giá chỉ 2.500 đồng/kg doanh nghiệp không mua. Bình quân mỗi ngày, doanh nghiệp mua và chế biến 16-20 tấn búp, sản phẩm làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó.
Doanh nghiệp tư nhân đã vậy nên các công ty vốn xuất thân từ doanh nghiệp Nhà nước như Liên Sơn, Nghĩa Lộ, Văn Hưng, Yên Bái... càng phải nỗ lực sản xuất chè sạch, chè an toàn chứ quyết không chạy theo lợi nhuận mà làm ăn chụp giật. Chè Liên Sơn từ đầu vụ đến nay thu mua và sản xuất được trên 1.500 tấn búp, bình quân mỗi ngày trên dưới 30 tấn, kế hoạch hết năm sản xuất thu mua 3.500 tấn.
Tuy nhiên, trong thời gian qua, trên địa bàn huyện Văn Chấn đã cho xây dựng, thành lập quá nhiều các doanh nghiệp, công ty, cơ sở chế biến chè, vượt gấp đôi khả năng cung cấp của vùng nguyên liệu dẫn tới doanh nghiệp “đói” trầm trọng nguyên liệu. Đang giữa vụ chè nhưng nhiều dây chuyền vẫn “ngủ yên”, có doanh nghiệp mỗi ngày chỉ mua được 1-2 tấn chè búp tươi. Nếu tình trạng này không được cải thiện sẽ có nhiều doanh nghiệp rơi vào phá sản vì vỡ hợp đồng với đối tác.
Bên cạnh đó, còn khá nhiều doanh nghiệp sản xuất kinh doanh chè không đảm bảo vệ sinh, dây chuyền sản xuất cũ kỹ không đáp ứng yêu cầu thị trường. Khâu nguyên liệu, người làm chè không chú trọng thu hái san trật, đúng phẩm cấp làm giảm giá thành lại hại đến quá trình sinh trưởng của lứa sau. Việc thu hái bằng máy là tốt, giảm công sức và chi phí nhưng đòi hỏi phải đầu tư, chăm sóc tốt để cây chè sinh trưởng phát triển đồng đều. Có không ít các hộ dân khi mua máy về lại còn gia cố hàn cho lưỡi hái dài thêm cốt “tăng năng suất”.
Một thực trạng nữa là hiện nay nhiều tư thương đi thu gom chè búp xấu về sản xuất “chè vàng”. Thấy vẻ ngon ăn, người làm chè đổ xô lên đồi “vặt tất” bán đổ cho tư thương. Làm như vậy vừa phá hủy vườn chè vừa làm mất thị trường chè truyền thống, thị trường mà đã mất thì người làm chè cũng chìm theo. Hơn ai hết bà con nông dân hãy trồng và chăm sóc, thu hái đảm bảo kỹ thuật. Vì với mức giá bình quân 4.000 đồng/kg chè búp tươi hiện nay, người làm chè tích cực đầu tư nâng cao năng suất vẫn sống tốt nhờ chè.
Bên cạnh đó, tỉnh, các ngành hữu quan như nông nghiệp, công thương, y tế, công an, quản lý thị trường cần vào cuộc kiểm tra, rà soát lại tất cả các cơ sở sản xuất, chế biến chè trên địa bàn; doanh nghiệp nào, cá nhân nào sản xuất chè không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và các tiêu chuẩn cho phép (chè “bẩn”) thì xử lý rút giấy phép kinh doanh, đóng cửa nhà máy và xử phạt theo mức độ vi phạm.
Giải quyết tốt những khó khăn, tồn tại trên, ngành chè Yên Bái mới khẳng định được chỗ đứng trong nền kinh tế và giữ vững thương hiệu.
Theo YBĐT