Thương mại điện tử ở nhiều thị trường châu Á được dự báo có mức tăng trưởng hai con số trong vòng 5 đến 10 năm tới. Ấn Độ, Indonesia, Malaysia là một trong số các thị trường bán lẻ thương mại điện tử tăng trưởng nhanh nhất thế giới với tốc độ hơn 20% hàng năm. Thương mại điện tử ở Trung Quốc đang tăng bình quân năm khoảng 17%. Từ năm 2015 đến 2021, tổng doanh thu từ thương mại điện tử của khu vực sẽ tăng khoảng 320 tỷ USD lên hơn 900 tỷ USD. Thị trường Trung Quốc sẽ đóng góp hơn 90% của sự tăng trưởng này. Thị phần thương mại điện tử toàn cầu của Trung Quốc sẽ tăng từ 30% năm 2015 lên gần 40% năm 2021; trong khi Ấn Độ và 10 nước thành viên ASEAN sẽ tăng thị phần toàn cầu từ 2,5% lên 4%. Với tăng trưởng như thế, Châu Á chắc chắn sẽ là tâm điểm toàn cầu về thương mại điện tử vào năm 2025.
Hơn 25 tỷ USD trong tổng kim ngạch thương mại hàng hóa được giải quyết trong vòng 24 giờ đồng hồ thông qua thị trường bán lẻ trực tuyến Alibaba trong năm 2017. Cùng với đó, một nền tảng thương mại điện tử hàng đầu khác là JD.COM đã đưa ra một đơn hàng trực tuyến trị giá 19 tỷ. Với những thông số này, châu Á đang dần trở thành tâm điểm của thương mại điện tử toàn cầu. |
Điều gì thúc đẩy sự tăng trưởng mạnh mẽ này?
Thứ nhất, đó là sự thích ứng. Số hóa kinh tế là một hiện tượng toàn thế giới. Cuộc cách mạng thông tin cùng với sự nổi lên của các điều kiện thị trường mới và sự năng động trong môi trường kinh doanh toàn cầu. Ở mức độ nào đó, sự thích ứng của khu vực đối với số hóa kinh tế toàn cầu đế từ năng lực áp dụng công nghệ và gia tăng đổi mới. Một mặt, sự tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu mở ra cho châu Á đang phát triển cơ hội tiếp cận các công nghệ mới nhất và cũng tạo thuận lợi cho khu vực học hỏi. Đồng thời, năng lực của các quốc gia về đổi mới cho phép họ hưởng lợi từ lợi thế của người đi sau để tăng trưởng nhanh hơn và thậm chí có bước nhảy vọt trên thị trường mà ví dụ điển hình là việc áp dụng phổ biến các thanh toán điện tử ở Trung Quốc và thành công của tập đoàn Alibaba. Trong ASEAN, việc tạo thuận lợi cho tăng trưởng của thương mại điện tử là một trong sáu lĩnh vực chính của Hiệp định khung ASEAN điện tử, trong khi ở cấp quốc gia, việc phát triển nền kinh tế số hóa và thương mại điện tử đã thực sự trở thành một phần trong chiến lược quốc gia và kế hoạch hành động của hầu hết các nước châu Á.
Thứ hai, sức hấp dẫn thị trường. Mặc dù có các đặc điểm mới của nền kinh tế số hóa, sự phát triển của thương mại điện tử vẫn bị ảnh hưởng bởi các điều kiện truyền thống về phát triển kinh tế như quy mô thị trường, thuận lợi hóa thương mại, tự do đầu tư… Châu Á chiếm gần một nửa dân số thế giới, gần 30% tổng sản phẩm quốc nội toàn thế giới và 40% thương mại toàn cầu. Trong phân bố độ tuổi, 70% dân số ở ASEAN có độ tuổi từ 15 đến 64 tuổi, đại diện cho thị trường rộng lớn về phía người tiêu dùng và một lực lượng lớn về phía sản xuất. Đến năm 2015, hơn 1,2 tỷ người hoặc khoảng một nửa các hộ gia đình trong khu vực đã có truy cập Internet. Dân số kết nối Internet không chỉ cho thấy người tiêu dùng liên quan đến thị trường thương mại điện tử mà còn cho thấy những người có sức mua cao trong xã hội. Trong trường hợp của ASEAN, kết nối Internet phổ biến rộng rãi ở Singapore và Malaysia, và đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Gần 90% hộ gia đình ở Singapore là người sử dụng Internet.
Năm 2012, nền kinh tế liên quan đến Internet chiếm 4,1% tổng sản phẩm quốc nội của Malaysia. Ngay cả những nước kém phát triển hơn cũng đang bắt kịp xu hướng này nhanh chóng. Tỷ lệ người sử dụng Internet ở Việt Nam đã tăng từ 1,3% lên 52,7% trong năm 2001-2015. Trong khi đó, số người sử dụng internet tăng lên 34,7% ở Campuchia và 32,4% ở Myanmar mỗi năm.
Thứ ba, mức độ sẵn sàng. Phát triển thương mại điện tử cần sự hỗ trợ từ công nghệ, thị trường và chính sách công. Sự sẵn sàng của một quốc gia đối với hỗ trợ nền kinh tế số hóa sẽ xác định mức độ thành công của các doanh nghiệp tham gia thương mại điện tử. Công nghệ thông tin viễn thông (ICT) thúc đẩy sự phát triển của thương mại điện tử bằng cách mở rộng khối lượng và khả năng truyền thông trực tuyến, đặc biệt sử dụng cáp quang và vệ tinh thương mại. Hơn nữa, cơ sở hạ tầng kỹ thuật cung cấp kết nối Internet ổn định và nhanh là một điều kiện tiên quyết cho phát triển thương mại điện tử. Cụ thể là ở nhiều nước châu Á mới nổi đã có bước tiến lớn trong phát triển băng thông rộng di động. Gần 80% người sử dụng Trung Quốc và 2/3 người dùng ở ASEAN sử dụng điện thoại thông minh để truy cập Internet. Các nền kinh tế kém phát triển của ASEAN cũng có tốc độ tăng trưởng điện thoại di động cao nhất, tỷ lệ tăng trưởng hàng năm từ 36% ở Campuchia đến 70% tại Myanmar. Tỷ lệ truy cập bằng điện thoại thông minh ở Ấn Độ được dự báo sẽ tăng từ 58% năm 2015 lên 74% năm 2021…Tất cả các dữ liệu này cung cấp một nền tảng thuyết phục để chứng thực sự phát triển của thương mại điện tử. Nhiệm vụ cấp bách nhất hiện nay là xây dựng môi trường thương mại điện tử toàn khu vực, với các cơ chế thị trường dẫn dắt nhưng không thể bỏ qua vai trò của sự can thiệp chính sách. Ví dụ, các chuỗi giá trị thương mại điện tử phụ thuộc vào cả thế giới vật chất và không gian ảo. Điều này cần sự tham gia của chính phủ trong thiết lập quy tắc, quy định và luật pháp về cả phần kỹ thuật và phần ảo của thị trường nhằm đảm bảo an ninh và sự ổn định của tăng trưởng thương mại điện tử…
Ngoài các nỗ lực quốc gia, tiến trình hội nhập khu vực đã tạo cho các nhà hoạch định chính sách các kênh để thúc đẩy sự phát triển thương mại điện tử thông qua hội nhập và hợp tác thị trường sâu hơn, đặc biệt trong hài hòa quy định và tự do hóa dịch vụ. Thông thường, khi nghĩ đến thành công của thương mại điện tử trong dài hạn, nguồn nhân lực và đổi mới sẽ là chìa khóa. Điều đó không chỉ đặt ra yêu cầu cao hơn về phạm vi và chất lượng của hệ thống giáo dục đào tạo, mà còn kêu gọi tự do hóa dịch vụ toàn khu vực nhằm cải thiện tính di động và phổ biến kiến thức.
Tiềm năng phát triển của thương mại điện tử trong khu vực đang ngày càng thu hút sự chú ý về chính sách. Các nước châu Á đã và đang nỗ lực liên chính phủ để nâng cao sự phối hợp qua biên giới. Đàm phán RCEP hiện nay đang mở rộng thảo luận về thương mại điện tử và các vấn đề liên quan, bao gồm bảo vệ người tiêu dùng, địa phương hóa dữ liệu, quyền sở hữu trí tuệ, an ninh mạnh và nhiều vấn đề khác. Không quá mơ hồ khi thấy trước một chương về thương mại điện tử/ thương mại số trong hiệp định cuối cùng của RCEP có thể so sánh với chương về thương mại điện tử trong hiệp định TPP. Mặc dù vậy, các nước châu Á vẫn cần nỗ lực để thực hiện điều này và đưa tiềm năng trở thành hiện thực.