Thị trường rộng mở
Châu lục này có khoảng 1,6 tỷ dân và phần lớn các quốc gia có dân số rất trẻ, hơn 40% dân số đang trong độ tuổi lao động. Với nền kinh tế đang phát triển nhanh, tăng trưởng GDP năm sau luôn cao hơn năm trước, châu Phi đã bắt đầu hành trình phát triển kinh tế.Trong đó, đầu tư viễn thông được đánh giá là động lực thúc đẩy chính tại đây.
Tăng trưởng doanh thu dữ liệu tại châu Phi được thúc đẩy bởi các yếu tố: năng lực của các hệ thống cáp ngầm dưới biển và cáp mặt đất; việc triển khai các mạng băng rộng di động; sự phổ biến ngày càng gia tăng của các thiết bị hỗ trợ dịch vụ dữ liệu và tăng trưởng kinh tế. Ngoài thúc đẩy tăng trưởng số lượng kết nối và doanh thu dữ liệu, những yếu tố này còn tạo ra một nền tảng cơ bản cho sự ra đời và phát triển của hàng loạt các dịch vụ số mới như dịch vụ tài chính qua di động, dịch vụ thương mại điện tử và dịch vụ nội dung số.
2016 hứa hẹn là năm có nhiều xu hướng mới và sẽ quyết định tương lai của ngành viễn thông và công nghệ thông tin tại châu Phi.
Chính phủ các quốc gia châu Phi đã không ngừng gia tăng ảnh hưởng của mình trong vai trò điều tiết thị trường viễn thông theo hướng thúc đẩy cạnh tranh nhưng phải đảm bảo yếu tố lành mạnh và vì mục tiêu chung. Những động thái này xuất phát từ quan điểm tăng trưởng về kết nối và dịch vụ kết nối sẽ kéo theo và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của lục địa này. Đến nay, châu Phi đã triển khai nhiều phương thức khác nhau để sử dụng nội lực tài chính cũng như kêu gọi đầu tư từ nước ngoài vào lĩnh vực viễn thông.
Hiện tại, chính phủ châu Phi đang nỗ lực thúc đẩy các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông chuyển đổi mô hình kinh doanh, đa dạng hóa dịch vụ, tối ưu hóa mô hình gói cước để có thể tối đa hóa số lượng người dùng trong thời gian nhanh nhất.
Ngoài ra, để đảm bảo thị trường viễn thông phát triển dài lâu và có định hướng, chính phủ châu Phi cũng đang làm việc với các chuyên gia và tổ chức tư vấn để có thể xây dựng và ban hành một khung chính sách ICT áp dụng cho toàn lục địa vào năm 2020.
Trong những năm gần đây, công ty điện thoại hàng đầu Nam Phi Vodacom và công ty điện thoại cố định lớn nhất nước này là Telkom cùng với các công ty viễn thông quốc tế khác đang trở thành những "ông lớn" trên thị trường. Gần đây, các tổng giám đốc của Vodacom và Telkom đã bày tỏ tham vọng mở rộng hoạt động trên khắp châu Phi, khuyến khích mở ra một giai đoạn củng cố thị trường chưa phát triển của châu lục này. Đồng thời, hy vọng thách thức vai trò chi phối của MTN, công ty điện thoại di động hàng đầu của tiểu sa mạc Sahara với hơn 75 triệu khách thuê bao ở 18 nước. Trong bối cảnh thị trường trong nước đang trở nên bão hoà, Vodacom và MTN lâu nay đã coi việc mở rộng hoạt động sang phần còn lại của châu lục đen là một cách thức để duy trì đà tăng trưởng nhanh. Tuy nhiên, cho đến đầu tháng này, khả năng của Vodacom theo đuổi một chiến lược như vậy đã bị hạn chế bởi quyền sở hữu 50-50 của Vodafone (Anh) và Telkom.
Để đảm bảo thêm 15% cổ phần kiểm soát trị giá 2,2 tỷ USD, Vodafone có kế hoạch sử dụng Vodacom như một "ống dẫn" để tiến vào các thị trường đang nổi phát triển nhanh của châu Phi. Ngoài Nam Phi, Vodacom hiện có khoảng 35 triệu khách hàng ở 4 nước châu Phi, cùng với sự hiện diện của Vodafone tại 3 nước khác, kể cả Kênia.
Gần đây, Telkom và Vodacom đã mua lại một số công ty cung cấp các dịch vụ liên kết nối hệ thống viễn thông châu Phi. Tuy nhiên, các công ty này đang tham gia vào một thị trường ngày càng đông đúc. Sau sự thất bại của các vụ thương lượng với 2 công lớn của Ấn Độ, MTN cũng đang tìm cách mở rộng sang các thị trường mà họ được xem như là công ty hàng đầu, và nghiên cứu các thương vụ chuyển nhượng khả thi khác.
Trong khi đó, công ty viễn thông France Telecom (Pháp) đang mở rộng ra ngoài thị trường của họ ở vùng Tây Phi nói tiếng Pháp và đưa thương hiệu điện thoại di động Orange vào Uganda, thuộc khu vực châu Phi nói tiếng Anh. Theo Giám đốc bộ phận phát triển quốc tế của Orange, Anne Bouverot, đây là một cơ hội tốt đối với France Telecom, vì số người sử dụng điện thoại di động ở đây chỉ chiếm 17% dân số. Với dân số khá lớn và nền kinh tế tăng trưởng mạnh, Uganda đã trở thành một thị trường có "tiềm năng phát triển nhanh". Tuy nhiên, France Telecom -hiện đang hoạt động tại 16 nước châu Phi- sẽ phải cạnh tranh mạnh mẽ với các tập đoàn viễn thông châu Phi như MTN, Celtel, Uganda Telecom.
Ngoài ra, công ty điện thoại di động Zain, đóng trụ sở tại Côoét với một mạng lưới đại lý ở 22 nước châu Phi và Trung Đông đã phát triển mạnh thị trường thuê bao lên 33 triệu khách hàng ở 16 nước châu Phi. Will Hahn, nhà phân tích thuộc công ty tư vấn công nghệ Gartner, nhận xét rằng "tiềm năng phát triển viễn thông thật 'khởi sắc', và thị trường này vẫn rất dồi dào". Ông phân tích châu lục này mới chỉ có trung bình 4,7 điện thoại cố định/100 dân (con số này của các châu lục khác không thấp hơn 16 máy/100 dân), và chỉ có 41 điện thoại di động/100 dân (ở Mỹ La tinh là 75 máy/100 dân).
Chiến lược mở rộng của Vodacom có thể sẽ là các vụ chuyển nhượng, có kế hoạch chuyển công ty này từ một công ty điện thoại di động truyền thống thành một công ty với các dịch vụ thông tin liên lạc đa dạng, kể cả cung cấp các sản phẩm Internet và dữ liệu. Như vậy sẽ mở rộng một loạt giấy phép, Vodacom có thể can dự vào các nước mới.
Trong khi đó, công ty nhà nước Telkom sẽ phân phối quyền lợi còn lại của họ trong Vodacom giữa các cổ đông, từ bỏ thỏa thuận với Vodafone không tham gia vào lĩnh vực điện thoại di động. Telkom có một quỹ trị giá 9 tỷ rand tiền Nam Phi (tương đương 888 triệu USD) từ thoả thuận này. Tổng giám đốc Telkom, Reuben September, cho biết ông đang soạn thảo "danh sách hàng hoá" có thể kể cả các vụ chuyển nhượng hoặc các mối quan hệ đối tác ở Nigêria và Ăngôla, trung tâm phía Đông châu Phi của Kênia và Xuđăng. Ông cũng đưa ra kế hoạch đầy tham vọng là tăng tỷ lệ doanh thu không đáng kể của Telkom bên ngoài Nam Phi lên 35% trong vòng 5 năm tới. Hiện tại, công ty này đang phải đối mặt với việc chi phí nhân công trong nước gia tăng đã làm giảm 9% lợi nhuận của công ty (xuống 6,7 tỷ rand). Tuy nhiên, Multi-Links phụ trách hoạt động ở Nigêria của Telkom, cho biết doanh thu ở nước này đã tăng 162% lên 813 triệu rand, nhờ lượng khách hàng thuê bao tăng 580% lên 1,8 triệu người.
Gia tăng sản phẩm dịch vụ:
Sự gia tăng về mức độ thâm nhập internet và người dùng smartphone đã thúc đẩy mạnh mẽ lĩnh vực thương mại điện tử tại lục địa này. Theo một nghiên cứu, có tới 80% người tiêu dùng châu Phi có nhu cầu mua hàng tại nước ngoài đã chọn phương thức mua sắm trực tuyến. Nigeria là quốc gia dẫn đầu khu vực này về thương mại điện tử khi có tới 47% chi tiêu trực tuyến được thực hiện qua các kênh mua sắm với đối tác nước ngoài.
Với quan điểm “Content is the King”, các nhà mạng châu Phi đều cho rằng dịch vụ nội dung đóng một vai trò cực kỳ quan trọng trong việc thu hút khách hàng mới và duy trì khách hàng hiện có. Trong thời gian đầu, các dịch vụ nội dung cơ bản đã được tung ra thị trường. Tiếp đó, các gói dịch vụ nội dung tổng hợp sẽ được nhà mạng giới thiệu tiếp.
Trên thực tế, phương thức thanh toán qua di động đã mang lại nhiều tiện ích thiết thực đối với những người dân châu Phi chưa có điều kiện tiếp cận các dịch vụ ngân hàng. Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới trong năm 2015, có ít hơn ¼ trong tổng số 1,4 tỷ dân châu Phi có tài khoản ngân hàng trong khi gần 40% trong số này sở hữu một thiết bị di động và một tài khoản di động. Mức thâm nhập smartphone tại đây được dự báo sẽ tăng gấp đôi trong 4 năm tới và điều này sẽ tiếp tục thúc đẩy sự phát triển của thương mại di động.
Với những thành tựu kể trên và trong khi các thị trường khác đều đã đạt đến mức bão hòa về người dùng và nhu cầu dịch vụ thì châu Phi được coi là tương lai của sự tăng trưởng thị trường viễn thông toàn cầu trong ít nhất là 5 năm tới.
Hãng phân tích thị trường công nghệ viễn thông Informa Telecoms & Media dự báo thị trường di động châu Phi sẽ có khoảng 1,2 tỷ thuê bao di động vào năm 2018, tăng từ 778 triệu vào năm 2013. |