CôngThương - Những chiêu trò lừa đảo tuy không mới nhưng vẫn có đến hàng nghìn người dân bị cuốn vào vòng xoáy bị lừa-đi lừa.
Trong nghị định về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp do Chính phủ ban hành, tại Điều 2 đã định nghĩa: Bán hàng đa cấp là một phương thức tổ chức kinh doanh của doanh nghiệp thông qua nhiều cấp khác nhau, trong đó người tham gia sẽ được hưởng tiền hoa hồng, tiền thưởng hoặc lợi ích kinh tế khác từ kết quả bán hàng hóa của mình và của người khác trong mạng lưới do người đó tổ chức ra và được doanh nghiệp bán hàng đa cấp chấp thuận.
Không phủ nhận bán hàng đa cấp là một loại hình kinh doanh hiện đại, có những ưu thế nhất định và là một trong những cầu nối giữa nhà sản xuất với người tiêu dùng. Bản thân mô hình này không xấu, nhà sản xuất thay vì bỏ tiền ra Marketing và quảng cáo thì "lại quả" cho người tiêu dùng, khi họ mua hàng hoặc giới thiệu được người khác mua hàng. Hình thức hoạt động này sẽ là tốt nếu được dùng để bán các sản phẩm - dịch vụ có ích lợi cho người tiêu dùng, với giá cả hợp lý đúng với giá trị sử dụng. Ở Việt Nam đã có những công ty sử dụng loại hình, hình thức kinh doanh này một cách hiệu quả.
Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng xuất hiện một số công ty bán hàng đa cấp có dấu hiệu bất thường, biến tướng. Nhiều cá nhân, tổ chức lợi dụng tính hợp pháp của mô hình kinh doanh này để trục lợi, làm trái các quy định của pháp luật Việt Nam và lôi kéo nhiều người dân tham gia.
Một trong những vụ việc đình đám nhất trong thời gian qua là sự “biến mất” của nhãn hàng Agel, một thời được coi là mạng lưới kinh doanh đa cấp số một ở Việt Nam. Chính những công ty bán hàng đa cấp này đã thực sự tạo nên những cơn sốt làm giàu, xáo trộn cuộc sống của không ít người dân bằng cách reo rắc vào đầu người tham gia những ảo tưởng làm giàu vô lý. Từ những người nông dân đến các bạn sinh viên và cả những người già đã nghỉ hưu bỗng chốc trở thành những chuyên viên đa cấp. Hoạt động này đã gây mất trật tự xã hội, khiến chính quyền nhiều địa phương lo ngại.
Theo Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương), hiện cả nước có 78 doanh nghiệp được cấp chứng nhận đăng ký tổ chức bán hàng đa cấp. Tuy nhiên, những năm gần đây, phát sinh một số hiện tượng mới trong các doanh nghiệp bán hàng đa cấp, khiến việc quản kinh doanh này trở nên khó khăn. Hiện nay, Nghị định 110/2005/NĐ-CP, Thông tư 19/2005/TT-BTM và Thông tư 35/2011/TT-BCT là các văn bản pháp luật đầy đủ nhất quy định về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp. Các văn bản này đã được thực thi gần tám năm, tuy nhiên nghị định tới nay bộc lộ nhiều bất cập, gây khó khăn cho các đơn vị quản lý và doanh nghiệp trong việc chấp hành pháp luật.
Bên cạnh đó, văn bản pháp luật hiện hành chưa có quy định quản lý đối với loại hình kinh doanh dịch vụ, áp dụng trang thương mại điện tử để kinh doanh và trả hoa hồng theo phương thức đa cấp. Lợi dụng kẽ hở này, một số doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ, kết hợp với hình thức thương mại điện tử thông qua các website nhưng áp dụng kế hoạch trả thưởng theo mô hình đa cấp. Trong đó, đặc biệt có trường hợp doanh nghiệp áp dụng phương thức thương mại điện tử để huy động vốn và trả thưởng theo kiểu đa cấp.
Bộ Công thương vừa trình Chính phủ dự thảo Nghị định Quản lý bán hàng đa cấp thay thế Nghị định 110 về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp. Dự thảo không cấm bán hàng đa cấp nhưng sẽ siết chặt hơn điều kiện để hạn chế lừa đảo, ảnh hưởng xấu đến cộng đồng. Theo đó, sẽ ngưng để sở công thương các tỷnh cấp phép hoạt động cho các công ty bán hàng đa cấp, thẩm quyền này sẽ thuộc Bộ Công thương.
Theo dự thảo, các công ty bán hàng đa cấp cũng sẽ chỉ được cấp phép có thời hạn, sau năm năm phải đăng ký lại và có thể đăng ký nhiều lần. Đặc biệt, công ty bán hàng đa cấp sẽ phải có vốn pháp định là 10 tỷ đồng. Công ty dạng này sẽ phải ký quỹ 5 tỷ đồng thay vì 3 tỷ đồng như hiện nay.
Để bảo vệ người bán hàng đa cấp trước hành vi lừa đảo, trục lợi, dự thảo nghị định mới yêu cầu công ty bán hàng đa cấp phải thông báo cho sở công thương địa điểm tổ chức khi thực hiện các hội thảo, hội nghị, đào tạo bán hàng, giới thiệu cơ hội kinh doanh bên ngoài trụ sở.
Các hành vi bị cấm bán hàng đa cấp gồm yêu cầu người muốn tham gia phải đặt cọc hoặc đóng một khoản tiền nhất định để được quyền tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp; yêu cầu người muốn tham gia phải mua một số lượng hàng hóa dưới bất kỳ hình thức nào để được quyền tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp; cho người tham gia nhận tiền hoa hồng, tiền thưởng, lợi ích kinh tế khác từ việc dụ dỗ người khác tham gia bán hàng đa cấp.
Dự thảo Nghị định này đang được kỳ vọng sẽ tạo ra hành lang pháp lý phù hợp, giúp cho hoạt động bán hàng đa cấp trở thành một ngành kinh tế chính thống, khắc phục được các bất cập, “hoài nghi” về lĩnh vực kinh doanh này như hiện nay.
Theo Báo CTĐT