Ông Vũ Văn Lượng ở thôn 2 là một trong những hộ đầu tiên trong xã Quy Mông, huyện Trấn Yên là người đã mạnh dạn đưa cây đao riềng trồng trên đất đồi gò từ cuối năm 2014. Diện tích đồi được ông san gạt, rồi lấy đất phù sa về trộn với đất đồi để trồng đao riềng. Đến nay, 4 sào đao riềng đã cho thu hoạch. Củ to, thu hoạch dễ hơn diện tích trồng ở đất soi bãi. Bình quân mỗi sào của gia đình ông cho thu hoạch từ 4 tấn củ, giá bán khoảng 1.600 đồng/kg, giá trị mang về 7 triệu đồng.
Còn trên diện tích trồng đao riềng của bà Trần Thị Hướng ở thôn 1, nhờ chuyển đổi trồng giống đao mới DR1 mà năm nay năng suất cao hơn các các giống đao cũ, ước đạt gần 4 tấn/sào.
Theo bà Hướng, với giá thị trường hiện nay, giá trị kinh tế 1 sào đao riềng cao gấp đôi so với trồng lúa và gấp ba lần so với trồng ngô. Ưu điểm lớn nhất trong trồng đao riềng là không phải mua củ giống và khi mới trồng người dân vẫn tận dụng để trồng xen canh thêm được 1 vụ ngô.
Hiệu quả từ cây đao riềng ở Quy Mông đã được khẳng định nên diện tích trồng mới tăng theo từng năm. Xã cũng đã chú trọng chủ động chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tận dụng đất vườn, soi bãi để mở rộng diện tích. Đến nay toàn bộ xã có trên 35 ha đao riềng. Tổng sản lượng niên vụ 2015 ước đạt gần 1.900 tấn củ, với giá hiện tại người dân xã Quy Mông sẽ thu về trên 3 tỷ đồng.
Đại hội Đảng bộ xã Quy Mông nhiệm kỳ 2015 – 2020 đã Nghị quyết mở rộng diện tích trồng đao riềng từ 63 – 70 ha vào năm 2020. Thời gian tới xã sẽ quy hoạch vùng trồng đao riềng, vận động người dân đầu tư dây chuyền để chế biến ra sản phẩm cuối cùng của cây đao riềng là miến chứ không bán bột như hiện nay, nhằm nâng cao giá trị của cây đao riềng, góp phần chuyển đổi các diện tích kém hiệu quả sang một loại cây trồng mới nhiều hứa hẹn nâng cao thu nhập cho người nông dân.