“Không chỉ năng suất cao, giá thu cao mà nguyên liệu búp rất tốt, đáp ứng cho nhu cầu chế biến chè xanh, chè đen xuất khẩu” - ông Nguyễn Văn Toản - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện phấn khởi nói.
Văn Chấn là huyện có diện tích, sản lượng chè cũng như cơ sở chế biến chè lớn nhất tỉnh. Cây chè đã góp phần xóa đói, giảm nghèo trong nông nghiệp, nông thôn và trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn của huyện. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được thì cũng như nhiều địa phương khác, việc sản xuất, kinh doanh chè vẫn chưa khai thác hết tiềm năng, thế mạnh của mình. Cuộc sống người làm chè khó khăn, nhiều người dân gắn bó mấy chục năm với cây chè nay cũng đã rời bỏ. Huyện xác định một trong những nguyên nhân dẫn đến sản xuất chè nhiều năm qua trên địa bàn huyện chưa tạo được tính đột phá là do chất lượng nương chè thấp, giống già cỗi, thu hái không đúng kỹ thuật. Trong tổng số trên 4 ngàn héc ta chè kinh doanh thì phần lớn được trồng từ những năm 60-70 của thế kỷ trước, nay cây già cỗi dù có đầu tư chăm sóc tốt đến đâu năng suất cũng chỉ đạt 6-7 tấn/ha. Với mức năng suất này thì khó có thể bảo đảm cuộc sống người làm chè chứ nói gì đến làm giàu.
Trước những thực trạng đó, huyện Văn Chấn đã có nhiều giải pháp và cơ chế đầu tư, xây dựng vùng nguyên liệu chè có năng suất, chất lượng đáp ứng cho chế biến chè chất lượng lượng cao. Các xã vùng cao như: Nậm Lành, Suối Giàng, Sùng Đô, Nậm Mười, Suối Quyền... trồng mới bằng giống chè Shan với mật độ cao. Đối với 8 xã vùng ngoài đã có truyền thống làm chè thì tập trung trồng mới, trồng cải tạo, trồng thay thế giống chè trung du già cỗi bằng giống chè lai, chè nhập nội năng suất cao, chất lượng búp đáp ứng cho chế biến chè chất lượng cao. Bên cạnh đó, vận động nhân dân tích cực đầu tư thâm canh, tăng năng suất, chất lượng thu hái. Giống chè lai LDP1, LDP2, giống chè Phúc Vân Tiên, Bát Tiên, Kim Tuyên Thúy Ngọc... được đưa vào trồng thay thế ngày một nhiều.
Cùng với cơ chế hỗ trợ của tỉnh, huyện cũng hỗ trợ tìm nguồn giống, hướng dẫn kỹ thuật, hỗ trợ phân bón... giúp người dân trồng cải tạo ngày một nhiều. Bình quân mỗi năm Văn Chấn trồng cải tạo từ 100-300ha chè bằng giống chè lai, chè nhập nội và chè Shan Tuyết giâm cành. Chỉ tính 5 năm trở lại đây, huyện đã trồng cải tạo thay thế trên 1.200ha, đưa diện tích chè giống mới lên gần 2 ngàn héc-ta, chiếm gần 50% tổng diện tích chè toàn huyện.
Anh Nguyễn Văn Hồng ở tổ dân phố 5A, thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ đang cùng mấy người hàng xóm làm cỏ cho chè, phấn khởi nói: “Nhà tôi có 6 ngàn mét vuông chè giống cũ, do chè già cỗi dẫu gia đình chăm sóc khá tốt, thu hái đúng kỹ thuật, năng suất cũng không vượt quá 6 tấn/ha. Từ năm 2010, được sự hỗ trợ của tỉnh, cùng với sự vận động, hướng dẫn kỹ thuật của cán bộ khuyến nông và Công ty cổ phần Chè Nghĩa Lộ, gia đình phá bỏ hết chè cũ và trồng thay thế bằng giống chè lai LDP1. Không ngờ giống chè này sinh trưởng phát triển rất tốt, sau ba năm kiến thiết cơ bản, chè đã cho thu hoạch năng suất đã đạt 4 tấn/ha. Năm 2014 là năm thứ tư gia đình đã thu hái được gần 10 tấn/ha. Vụ chè năm nay 2015, khí hậu khắc nghiệt, nhiều diện tích chè bị táp nắng, chè sinh trưởng phát triển kém hơn cùng kỳ, tuy nhiên, lứa chè hái tạo hình đầu vụ cũng được 1 tấn chè búp. Gia đình cũng vừa thu hái lứa chè thứ 2 được hơn 2 tấn chè búp bán với giá bình quân 3.900 đồng/kg, thu gần 8 triệu đồng. Nếu thời tiết thuận lợi, từ nay đến cuối vụ thu hái cũng phải được 3 lứa nữa”.
Cùng như gia đình anh Hồng, hàng ngàn hộ dân làm chè, doanh nghiệp rất vui, phấn khởi bởi cây chè lai đã và đang đâm búp tua tủa, năng suất cao, chất lượng tốt, đáp ứng cho chế biến.
Cùng với cây chè lai, hàng trăm héc-ta chè nhập nội cũng cho thu hoạch với năng suất và sản lượng cao, đáp ứng cho chế biến. Chè Ô Long có giá từ 300 ngàn đến cả triệu đồng/kg chè khô. Giá nguyên liệu búp chè nhập nội cũng rất cao, bình quân hiện nay đạt 9-10 ngàn đồng/kg, cao gấp 3,5 lần giống chè thường. Để tiếp tục phát triển vùng chè nguyên liệu rộng lớn, năng suất cao, chất lượng búp tốt, đáp ứng cho chế biến, huyện tiếp tục vận động bà con nhân dân tích cực đầu tư chăm sóc và áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Người dân vùng chè Văn Chấn hôm nay đã sống được bằng chè, hộ gia đình còn làm giầu từ cây chè đã không còn là chuyện hiếm nữa.
Để cây chè ngày một phát triển và thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, huyện xác định không mở rộng diện tích mà chỉ ổn định ở mức trên 4.200ha nhưng lấy cải tạo, năng suất, chất lượng búp đáp ứng chế biến xuất khẩu, nâng cao giá trị, xây dựng thương hiệu chè Văn Chấn, xóa đói giảm nghèo trong nông nghiệp nông thôn là mục tiêu xuyên suốt.
Theo trung tâm cây giống http://vieneakmat.blogspot.com/