Bạn đang ở đây

Cải tổ nội các tại Algeria và quan hệ với Việt Nam

15/06/2017 07:45:32

(Thương vụ VN tại Algeria kiêm nhiệm Senegal, Mali, Niger và Gambia)Cải tổ nội các và chính sách kinh tế

Ông Abdelmadjid Tebboune trước đó là Bộ trưởng Nhà ở kiêm Bộ trưởng Bộ Thương mại được bổ nhiệm làm tân Thủ tướng. Theo điều 93 của Hiến pháp và sau khi tham vấn tân Thủ tướng Tebboune, Tổng thống Bouteflika đã bổ nhiệm 28 thành viên của chính phủ mới, trong đó ông Ahmed Saci (nguyên tỉnh trưởng tỉnh Adrar và Tlemcen) được bổ nhiệm là Bộ trưởng Thương mại, ông Mahdjoub Bedda (nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Quốc hội) làm Bộ trưởng Bộ Công nghiệp và Mỏ và ông Mustapha Guitouni (nguyên Chủ tịch- Tổng giám đốc Công ty Phân phối điện và gas Algeria) được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Năng lượng.

Phát biểu tại lễ chuyển giao nhiệm vụ ngày 25/5, tân Thủ tướng Algeria- Abdelmadjid Tebboune- đã đưa ra những ưu tiên của chính phủ mới, nhất là chuyển đổi nền kinh tế cần thiết và khẩn cấp để giảm sự phụ thuộc vào dầu mỏ. Ông Tebboune tuyên bố, Algeria sẽ phải xây dựng một nền kinh tế lành mạnh hơn, cân bằng hơn trong đó khu vực tư nhân sẽ có vị trí xứng đáng và ưu tiên.

Ông Tebboune khẳng định, dù trải qua những khó khăn tài chính nhưng Algeria sẽ không đóng băng các dự án hạ tầng, đồng thời cho biết, sẽ tái định hướng các nguồn tài chính cần thiết để phục vụ cho những ưu tiên mà Tổng thống đã đề ra.

Ảnh: Internet

Tăng trưởng GDP

Theo Báo cáo về viễn cảnh kinh tế thế giới mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB), tăng trưởng của Algeria năm 2017 sẽ là 1,8% (giảm 1,1 điểm so với dự báo trước đó vào tháng 1/2017). Năm 2018, tăng trưởng GDP thực tế của Algeria dự báo đạt 1%, giảm 1,6 điểm và năm 2019, tình hình có cải thiện hơn ở mức 1,5%. WB cho rằng, giống như các quốc gia dầu lửa khác ở khu vực Trung Đông - Bắc Phi, Algeria đã chịu tác động tiêu cực từ việc giảm giá dầu lửa, dẫn đến giảm thu ngân sách. Trong khi đó, báo cáo của Quỹ tiền tế quốc tế (IMF) cũng nhấn mạnh: “Hoạt động kinh tế của Algeria nhìn chung vẫn ổn định nhưng đà tăng trưởng đã chậm lại trong lĩnh vực phi dầu lửa, nguyên nhân một phần do giảm chi ngân sách”.

Về chỉ số giá tiêu dùng, theo Tổng cục Thống kê Algeria, tính đến cuối tháng 4/2017, lạm phát của nước này ở mức 7%, ngay trước tháng nhịn ăn ban ngày của người Hồi giáo (Ramadan). Trong khi đó, Chính phủ Algeria đề ra mục tiêu giữ lạm phát ở mức 4% cho cả năm 2017.

Về ngoại thương, trong 4 tháng đầu năm 2017, xuất khẩu của nước này đạt 11,92 tỷ USD, tăng 35,3% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch nhập khẩu đạt 15,42 tỷ USD, giảm 0,14%. Thâm hụt thương mại của Algeria ở mức 3,5 tỷ USD, giảm gần một nửa so với cùng kỳ năm 2016.

Kim ngạch xuất khẩu dầu lửa vẫn chiếm tới 94,26% tổng giá trị xuất khẩu cả nước, đạt 11,23 tỷ USD, tăng gần 37%. Xuất khẩu hàng hóa phi dầu lửa đạt 685 triệu USD, tăng 13,04%. 02 nhóm hàng nhập khẩu có kim ngạch tăng là thực phẩm (đạt 2,82 tỷ USD, + 7,8%) và trang thiết bị (đạt 5,97 tỷ USD, + 11,3%).

5 khách hàng lớn nhất của Algeria gồm Italia (2,14 tỷ USD, chiếm 18,01% tổng giá trị xuất khẩu của Algeria), tiếp đến là Tây Ban Nha (1,43 tỷ USD, 12,02%), Pháp (1,29 tỷ USD, 10,89%), Hoa Kỳ (958 triệu USD, 8,04%) và Hà Lan (753 triệu USD, 6,32%).

Trung Quốc vẫn là nước cung cấp hàng hóa lớn nhất cho Algeria với 3,15 tỷ USD, chiếm 20,47% tổng kim ngạch nhập khẩu của quốc gia Bắc Phi này, đứng trước Pháp (1,31 tỷ USD, 8,5%), Italia (1,08 tỷ USD, 7,02%), Đức (1,01 tỷ USD, 6,6%) và Tây Ban Nha (954 triệu USD, 6,2%).

Về chính sách thương mại của Algeria, trước tình trạng giảm nguồn dự trữ ngoại tệ, Algeria đã ban hành nhiều biện pháp để hạn chế nhập khẩu. Chính phủ đã áp dụng giấy phép nhập khẩu đối với một số sản phẩm như xe ô tô, xi măng, thức ăn gia súc, sắt thép). Theo Bộ trưởng Thương mại Algeria, năm 2017, tất cả các sản phẩm (trừ các mặt hàng có tính thiết yếu với người dân) sẽ phải chịu giấy phép nhập khẩu nhằm kiểm soát thị trường.

Bộ trưởng Thương mại Algeria cũng nhấn mạnh, theo chiều hướng đó, các trang thiết bị sử dụng nhiều năng lượng và không phù hợp với tiêu chuẩn an toàn hoặc không tôn trọng sức khỏe người tiêu dùng sẽ bị cấm nhập khẩu. Các loại trái cây có múi như cam quýt, bưởi và rau xanh bị cấm nhập khẩu khi đang vào thời điểm thu hoạch tại Algeria. Việc áp dụng giấy phép nhập khẩu đã bị đối tác thương mại lớn nhất của nước này là EU chỉ trích. Bên cạnh đó, việc kiểm soát chặt chẽ nhập khẩu đã dẫn đến tình trạng đầu cơ, khan hiếm hàng hóa trên thị trường và gây ra lạm phát trong những tháng đầu năm. Mặc dù vậy, Thủ tướng Algeria vẫn quyết tâm triển khai các biện pháp cứng rắn nhằm thực hiện mục tiêu từ nay đến năm 2019, dự trữ ngoại hối không thể xuống dưới 100 tỷ USD.

Về đầu tư, theo báo cáo Chỉ số hấp dẫn các nhà đầu tư tại châu Phi năm 2017 do Văn phòng Kiểm toán tài chính Anh Ernst & Young công bố, Algeria xếp thứ 15 tại lục địa, tăng 2 bậc so với năm trước đó. Năm 2016, Algeria đã thu hút được 17 dự án FDI, tăng 4 dự án so với năm 2015. 

Hợp tác thương mại và đầu tư Việt Nam - Algeria

Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, trong 5 tháng đầu năm 2017, kim ngạch XK sang Algeria đạt 153,2 triệu USD, tăng 31% so với cùng kỳ năm ngoái. Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam gồm cà phê đạt 26.787 tấn, kim ngạch 58,1 triệu USD, điện thoại và linh kiện đạt 41,51 triệu USD, gạo đạt 17.750 tấn, kim ngạch 7 triệu USD… Hiện Algeria là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam tại châu Phi.

Về đầu tư, theo Tổng công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP), ngày 8/5/2017, Công ty Liên doanh dầu khí Việt Nam - Algeria đã khai thác thùng dầu thứ 10 triệu (kể từ ngày bắt đầu khai thác 12/8/2015). Với dự báo thu về hơn 1 tỷ đôla, đến thời điểm này, đây được xem là dự án đầu tư ra nước ngoài thành công nhất của PVEP.

Nguồn: Báo Công Thương