Bạn đang ở đây

CÁC GIẢI PHÁP NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG CÔNG TÁC KHUYẾN CÔNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH YÊN BÁI

23/04/2013 16:11:49

Để thực hiện chủ trương, định hướng của Đảng trong quá trình đầy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn, Chính phủ đã ban hành các cơ chế, chính sách để hỗ trợ nhằm thúc đẩy phát triển công nghiệp nông thôn như: Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020; chương trình 134; 135; 30a; và đặc biệt là Nghị định số 134/2004/NĐ-CP ngày 09/6/2004 của Chính phủ về khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn.

Thực hiên Nghị định 134, trong 3 năm  2010 -2012, qua chương trình khuyến công Nhà nước đã hỗ trợ cho các cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh Yên Bái trên 7 tỷ đồng.  Riêng  năm 2012, thực hiện hỗ trợ cho 9 đề án khuyến công quốc gia với tổng kinh phí là 1.430 triệu đồng; 27 đề án khuyến công địa phương và các chương trình khuyến công khác do Trung tâm khuyến công thực hiện với tổng kinh phí là 2.000 triệu đồng, nguồn  kinh phí này tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các hộ cá thể đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại nâng cao năng lực sản xuất chế biến chè, gỗ rừng trồng, vật liệu xây dựng; hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn; tổ chức các đoàn tham quan, khảo sát, học tập kinh nghiệm trong nước; hỗ trợ cơ sở CNNT tham gia các hội chợ triển lãm trong nước, tổ chức bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu. Qua đó góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng thu nhập cho người lao động, tăng thu cho ngân sách; góp phần tích cực vào quá trình đẩy nhanh việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về Xây dựng nông thôn mới.

Tuy nhiên qua qúa trình triển khai đã bộc lộ một số tồn tại hạn chế: nguồn kinh phí hoạt động khuyến công được cấp cho từng đề tài còn thấp, chưa thực sự là động lực để cơ sở CNNT quan tâm; đội ngũ cán bộ để triển khai công tác khuyến công còn ít, đôi khi còn phải phụ trách thêm một số lĩnh vực khác; sự liên kết giữa các cơ quan, ban ngành các cấp và doanh nghiệp chưa chặt chẽ,… Mặt khác, do chưa xây dựng được mạng lưới khuyến công, công tác viên cấp xã, huyện dẫn đến việc triển khai thực hiện công tác khuyến công ở nông thôn gặp nhiều khó khăn.

 Ngày 21/5/2012, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 45/2012/NĐ-CP về khuyến công (thay thế Nghị định 134/2004/NĐ-CP ngày 09/6/2004 về khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn). Nghị định số 45/2012/NĐ-CP ra đời  có nhiều điểm mới như: về đối tượng áp dụng, về tổ chức bộ máy khuyến công, bổ sung nguyên tắc ưu tiên về địa bàn và ưu tiên về ngành nghề… Để nâng cao chất lượng hoạt động khuyến công trong thời gian tới các cán bộ làm công tác khuyến công tập trung thực hiện các giải pháp sau:

Tiếp tục chủ động trong công tác tham mưu, đề xuất với Bộ Công Thương, Cục Công nghiệp địa phương và tỉnh bổ sung, xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động khuyến công theo Nghị định số 45/2012/NĐ-CP của Chính phủ về khuyến công.

Củng cố, nâng cao năng lực hoạt động của Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp: Kiện toàn bộ máy tổ chức hoạt động khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp, từng bước nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ; Tổ chức học tập kinh nghiệm về hoạt động khuyến công, tư vấn, quản lý, sản xuất kinh doanh, khảo sát các mô hình tiết kiệm năng lượng, sản xuất sạch hơn có hiệu quả cao để về vận dụng trên địa bàn tỉnh nhằm triển khai công tác khuyến công đạt hiệu quả cao.

Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền đa dạng, phong phú hơn với nội dung thiết thực, phù hợp với từng đối tượng về các vấn đề liên quan tới hoạt động khuyến công nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, ngành địa phương và các doanh nghiệp về chính sách khuyến công;

Thực hiện đầy đủ 7 nội dung theo chương trình khuyến công đã được phê duyệt. Đẩy mạnh hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ, xây dựng mô hình trình diễn; hỗ trợ các doanh nghiệp về hoạt động giới thiệu, quảng bá sản phẩm để củng cố thị trường trong nước và ngoài nước;  triển khai tư vấn và áp dụng các giải pháp sản xuất sạch hơn, tiết kiệm năng lượng và hiệu quả;  tư vấn khởi sự doanh nghiệp, lập dự án; đào tạo nghề, truyền nghề; đào tạo cán bộ, nâng cao năng lực quản lý cho cán bộ doanh .

Xây dựng quy trình triển khai thực hiện các hoạt động khuyến công theo hướng chuyên nghiệp về trình tự, thủ tục triển khai thực hiện cho từng nội dung hoạt động khuyến công cụ thể, để căn cứ vào đó tất cả cán bộ được phân công nhiệm vụ đều có thể chủ động triển khai thực hiện công việc một cách độc lập.

Trước mắt trong năm 2013, Trung tâm khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp cần tập trung vào một số nhiệm vụ sau: Nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ khuyến công thông qua việc xây dựng chuyên đề; tổ chức tham quan học hỏi kinh nghiệm về hoạt động khuyến công, tiết kiệm năng lương, mô hình sản xuất sạch hơn; đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về hoạt động khuyến công tới các doanh nghiệp qua báo, đài địa phương; tăng cường mối liên hệ giữa Trung tâm Khuyến công với địa phương và các doanh nghiệp trong việc rà soát, triển khai đề án; tổ chức hội chợ để giúp doanh nghiệp giới thiệu, quảng bá sản phẩm tới người tiêu dùng; nghiên cứu sửa đổi quy chế khuyến công phù hợp với các văn bản quy phạm pháp luật mới của Chính phủ và các Bộ. Đối với những đề án khuyến công đã được Bộ Công Thương, tỉnh phê duyệt cần nhanh chóng triển khai ký hợp đồng với doanh nghiệp, tổ chức thực hiện đề án theo đúng tiến độ và hoàn thành việc thanh quyết toán trong tháng 6 năm 2013. Tiếp tục khảo sát xây dựng thêm từ 2 đến 3 đề án khuyến công quốc gia trình Bộ Công Thương phê duyệt.

Hoạt động khuyến công trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã góp phần quan trọng trong việc khuyến khích thúc đẩy CN-TTCN nông thôn phát triển, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tạo việc làm cho nhiều lao động tại địa  phương, tăng thu nhập cho người lao động. Với những kết quả đã đạt được, tin tưởng rằng trong những năm tiếp theo công tác khuyến công của tỉnh sẽ tiếp tục được đẩy mạnh và phát huy.

Nguồn: Phòng QLCN