Bạn đang ở đây

Các giải pháp bình ổn giá trong tháng 8

10/09/2011 17:26:44
Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), dự báo tình hình giá cả tháng 8-2011 của một số hàng hóa, nguyên liệu, nhiên, vật liệu thiết yếu trên thị trường thế giới tiếp tục có diễn biến phức tạp. Trong nước, những diễn biến khó lường của thời tiết, nhu cầu một số hàng hóa tăng theo yếu tố mùa vụ có khả năng tác động đến chỉ số giá tiêu dùng (như: phân bón, đường và một số nguyên liệu chuẩn bị cho mùa sản xuất bánh trung thu, rằm tháng 7 âm lịch; hàng hóa phục vụ cho năm học mới). Bên cạnh đó, một số mặt hàng tiếp tục được điều hành nhằm tiến tới thực hiện cơ chế giá thị trường có sự quản lý của Nhà nước cũng có thể gây sức ép tăng giá. Trên lĩnh vực tiền tệ, tỷ giá USD khá ổn định, song giá vàng thế giới biến động mạnh cũng gây tác động không nhỏ.
 
Tuy nhiên, thị trường tháng 8-2011 cũng có nhiều yếu tố tác động giảm áp lực tăng giá: các cân đối vĩ mô tiếp tục được điều hành để giữ ổn định; các tỉnh phía nam đang thu hoạch rộ lúa hè thu, cung lúa gạo tăng, giá nhóm hàng lương thực có khả năng ổn định giảm. Chăn nuôi có chiều hướng thuận lợi do dịch bệnh cơ bản được khống chế, người chăn nuôi có lãi do giá thực phẩm tăng trên thị trường. Ðồng thời, với nhiều giải pháp đang được các địa phương thực hiện nhằm khuyến khích các hộ mạnh dạn đầu tư tái đàn nên chăn nuôi lợn có xu hướng phát triển tốt, tăng nguồn cung trên thị trường.  Giá vật liệu xây dựng không có biến động lớn do nhu cầu xây dựng không tăng mạnh vào mùa mưa bão và thực hiện chính sách cắt giảm đầu tư công theo Nghị quyết số 11/NQ-CP. Các biện pháp tập trung kiềm chế lạm phát theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ sẽ tiếp tục được triển khai quyết liệt, đặc biệt là chính sách tiền tệ chặt chẽ, linh hoạt, chính sách tài khóa thắt chặt, kiểm soát nhập siêu... sẽ tiếp tục phát huy tác dụng góp phần quan trọng để bình ổn giá thị trường.
 
Với dự báo này, Bộ Tài chính đưa ra một số biện pháp để góp phần bình ổn giá tiêu dùng. Bộ chủ trương tiếp tục tăng cường quản lý giá thông qua nhiều biện pháp (như: đăng ký giá, kê khai giá, kiểm soát các yếu tố hình thành giá, kiểm tra, thanh tra chấp hành pháp luật Nhà nước về giá...) đối với một số hàng hóa, dịch vụ thuộc diện bình ổn giá, đăng ký giá, kê khai giá; xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật về giá. Thực hiện kiểm soát chặt chẽ các phương án giá, phương án chi từ nguồn Ngân sách Nhà nước thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ mà Nhà nước đặt hàng, giao kế hoạch sản xuất, hàng hóa dự trữ Nhà nước, hàng hóa, dịch vụ còn được trợ cước, trợ giá..., chuyển mạnh hơn nữa sang cơ chế đấu thầu, đấu giá, thỏa thuận giá đối với các loại hàng hóa, dịch vụ này. Chủ động thực hiện tốt công tác dự báo thị trường, giá cả trong và ngoài nước để kịp thời đề xuất biện pháp chỉ đạo, điều hành, bình ổn giá.
 
Riêng đối với mặt hàng thực phẩm, bộ chủ trương tập trung thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, tránh để lây lan trên diện rộng, ảnh hưởng đến tốc độ tái đàn và tâm lý người chăn nuôi; xem xét có các biện pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ vốn, lãi suất cho các trang trại, hộ gia đình khôi phục đàn gia súc, mở rộng sản xuất, bảo đảm nguồn cung cho thị trường. Trước mắt, đẩy mạnh thực hiện các biện pháp điều hòa thị trường như vận chuyển thực phẩm từ các địa phương đang thiếu; kiểm soát chặt thị trường (nhất là khâu lưu thông phân phối); xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân có hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý.
 
Ngoài  ra, Bộ Tài chính cũng đề xuất nhanh chóng xem xét để có biện pháp về tài chính (như tăng thuế xuất khẩu thực phẩm) kết hợp với biện pháp hành chính nhằm hạn chế việc thu gom, xuất theo đường tiểu ngạch, đồng thời giám sát chặt chẽ việc xuất lậu theo lối mòn các mặt hàng thực phẩm tươi sống sang các nước có chung đường biên giới. Song song với các biện pháp này, cần tăng cường giám sát để hạn chế tăng chi phí đầu vào của ngành chăn nuôi, giết mổ (như: tiếp tục thực hiện biện pháp hỗ trợ sản phẩm giống gốc, vật nuôi; giám sát chặt việc đăng ký tăng giá thức ăn chăn nuôi; xem xét hoãn thu phí giết mổ...).
 
 
Theo Nhân dân