09/09/2011 16:23:21
Tham dự Hội nghị còn có đại diện Lãnh đạo Bộ, lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ, UBND một số tỉnh/thành phố, Sở Công Thương, các Tập đoàn, các Tổng công ty, các Hiệp hội ngành hàng và các cơ quan thông tấn báo chí.
Năm 2010, nền kinh tế nước ta còn gặp nhiều khó khăn, thách thức: kinh tế tăng trưởng nhưng chưa thực sự ổn định, khả năng tái lạm phát cao vẫn tiềm ẩn, nhập siêu còn lớn, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp. Tuy nhiên, do có sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, nhờ có sự đồng thuận và sự hưởng ứng tích cực của toàn dân và doanh nghiệp, nên nền kinh tế nước ta tiếp tục giữ được sự ổn định và có chuyển biến tích cực. Các cân đối kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định. Xuất khẩu tiếp tục tăng. Tốc độ tăng GDP năm 2010 ước đạt 6,7%, trong đó công nghiệp và xây dựng tăng 7,6% (riêng công nghiệp tăng khoảng 6,9%). Đến cuối năm 2010, tỷ trọng ngành công nghiệp và xây dựng đạt 41,1% (trong đó riêng công nghiệp chiếm 34,2%). Giá trị sản xuất công nghiệp toàn ngành tăng 14,0% so với năm 2009.
Năm 2010, lĩnh vực công nghiệp đã tận dụng được tốt những thuận lợi khách quan, đã đẩy mạnh được tốc độ tăng trưởng của ngành, vượt mức kế hoạch đề ra. Năm 2010, toàn ngành ước đạt 794,2 nghìn tỷ đồng, tăng 14,0% so với năm 2009. Cơ cấu nội bộ ngành công nghiệp đã có bước chuyển dịch khá tích cực với tỷ trọng của công nghiệp chế biến, chế tác tăng dần, tỷ trọng của công nghiệp khai khoáng giảm dần. Bên cạnh đó, khả năng cạnh tranh hàng công nghiệp, tuy vẫn còn một số hạn chế, nhưng hầu hết các sản phẩm đã có thị trường tiêu thụ, thị trường nội địa ngày càng được mở rộng, được đáp ứng ngày càng đầy đủ hơn; nhiều mặt hàng xuất khẩu đã qua chế biến, chế tác với mức độ khác nhau, nên đã mở rộng và ở không ít nơi đã chiếm lĩnh được thị trường, tiếp tục duy trì kim ngạch xuất khẩu tăng dần như: dệt may, da giầy, một số sản phẩm cơ khí, điện tử, v.v... Điều này thể hiện sự nỗ lực rất lớn của toàn ngành, đồng thời là cơ sở thuận lợi cho ngành bước vào thực hiện kế hoạch năm 2011.
Dưới sự chỉ đạo kịp thời, sát sao, quyết liệt của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã tích cực triển khai nhiều giải pháp nhằm khai thác và chiếm lĩnh thị trường trong nước. Tổng mức lưu chuyển hàng hoá bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước ước đạt 1.561,6 nghìn tỷ đồng, tăng 24,5% so với năm 2009. Đây là mức tăng khá cao, nếu loại trừ yếu tố tăng giá thì vẫn tăng gần 13%. Năm 2010 được đánh giá là năm thị trường trong nước có những bước phát triển khá, nhờ các giải pháp kích cầu tiêu dùng thông qua Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, các chương trình khuyến mại, giảm giá của các doanh nghiệp phân phối, các đợt đưa hàng về nông thôn, về các khu công nghiệp, các đợt tổ chức hội chợ, triển lãm, thực hiện các đề án hỗ trợ lãi suất hoặc cho vay vốn để mở các điểm bán hàng ổn định giá, v.v... Nhiều doanh nghiệp thương mại đã củng cố và phát triển hệ thống phân phối, triển khai các loại hình bán buôn, bán lẻ mới theo hướng hiện đại và chuyên nghiệp. Mạng lưới chợ và l
oại hình thương mại truyền thống tiếp tục được quan tâm phát triển. Thị trường miền núi, hải đảo được bảo đảm cung cấp đầy đủ các mặt hàng chính sách như sách vở, muối ăn, dầu hỏa, v.v... Nhờ đó, cân đối cung cầu các mặt hàng trọng yếu được bảo đảm, đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của nhân dân.
Trong năm, nhằm bình ổn và kiểm soát thị trường trong nước, các đơn vị quản lý thị trường đã phối hợp với các cơ quan hữu quan kiểm soát các phương án giá và mức giá hàng hoá, dịch vụ; rà soát năng lực sản xuất, hệ thống cung ứng để có phương án cụ thể bảo đảm cân đối cung - cầu các loại hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phục vụ sản xuất, tiêu dùng; kiểm tra các doanh nghiệp tham gia thực hiện bình ổn giá; kiểm tra hoạt động thực tế các cửa hàng bình ổn giá gạo đã đăng ký tại các thành phố lớn; kiểm tra, xử lý các hành vi lợi dụng các chương trình khuyến mại, hội chợ xúc tiến thương mại, chương trình đưa hàng hoá về nông thôn, khu công nghiệp để thu lời bất chính.
Năm 2010, sự phục hồi của kinh tế thế giới đặc biệt là của các thị trường truyền thống, giá nhiều nhóm hàng và nhu cầu thế giới tăng trở lại đã tạo điều kiện tốt hơn cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Xuất khẩu đạt mức tăng trưởng cao 25,5%, vượt mức kế hoạch của Quốc hội giao, nhập siêu đã dần được kiểm soát, dưới mức 20% kim ngạch xuất khẩu, cụ thể là 17,3%. Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá năm 2010 đạt khoảng 71,6 tỷ USD, tăng 25,5% so với năm 2009 và tăng 18% so với kế hoạch. Với nhiều biện pháp tăng cường kiểm soát để hạn chế nhập khẩu những mặt hàng tiêu dùng xa xỉ hoặc trong nước đã sản xuất được, nhiều mặt hàng có khối lượng nhập khẩu giảm so với năm 2009, mặc dù một số mặt hàng vẫn còn có mức nhập khẩu cao. Tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hoá năm 2010 khoảng 84 tỷ USD, tăng 20,1% so với năm 2009.
Hoạt động kinh tế đối ngoại, xúc tiến thương mại tiếp tục thu được những kết quả quan. Các Hiệp định kinh tế, thương mại song phương đã từng bước đi vào thực thi một cách toàn diện và đầy đủ, đã tạo ra cơ hội và điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp khai thác để đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu, nhất là việc giảm thuế, áp dụng xuất xứ hàng hóa, v.v...
Công tác quản lý nhà nước đã được tăng cường, hoàn thành được nhiệm vụ đề ra trong việc xây dựng ban hành và trình ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật. Đặc biệt trong năm 2010, Bộ đã xây dựng và áp dụng Bộ tiêu chuẩn ISO tại cơ quan Bộ Công Thương và đã được Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng cấp giấy chứng nhận từ ngày 08 tháng 6 năm 2010.
Năm 2011 là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI và năm đầu thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011 - 2020 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015. Năm 2011 cũng là năm nền kinh tế nước ta đang có xu hướng phục hồi khá nhanh trên tất cả các ngành, lĩnh vực; kinh tế vĩ mô tương đối ổn định; môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện; thị trường trong nước tiếp tục khởi sắc; hoạt động thương mại, dịch vụ có nhiều cơ hội để phát triển thị trường mới.
Để đạt được mục tiêu đó, Ngành Công Thương đề ra 10 giải pháp phát triển công nghiệp, thương mại năm 2011. Thứ nhất, áp dụng các biện pháp để tăng mạnh xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu chặt chẽ hơn, nhất là hàng tiêu dùng cao cấp đắt tiền, gắn với đẩy mạnh sản xuất trong nước thay thế nhập khẩu để giảm nhập siêu. Bảo đảm các cân đối lớn về hàng hóa do ngành chịu trách nhiệm, gắn với định hướng tiêu dùng. Thứ hai, chủ động thực hiện lộ trình điều chỉnh giá cả một số hàng hóa, dịch vụ nhà nước quản lý như điện, than theo cơ chế thị trường, theo sự chỉ đạo của Chính phủ. Đẩy mạnh các biện pháp quản lý thị trường, xử lý kịp thời, nghiêm minh những hành vi vi phạm; phát triển, hoàn thiện hệ thống phân phối, nhất là những mặt hàng thiết yếu như lương thực, sữa, xăng dầu, phân bón, sắt thép. Thứ ba, thực hiện các giải pháp chuyển dịch cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế, mà trước hết là điều chỉnh cơ cấu đầu tư, bao gồm cơ cấu đầu tư của từng ngành, từng lĩnh vực ngành công thương, của từng doanh nghiệp trong ngành, theo hướng giảm dần đầu tư từ ngân sách, đẩy mạnh xã hội hóa nguồn vốn. Thứ tư, có biện pháp thật cụ thể, chỉ đạo thật quyết liệt để đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án nguồn điện theo Quy hoạch; thực hiện kiên quyết và có hiệu quả việc tiết kiệm điện cả trong sản xuất và tiêu dùng; tăng cường hoạt động giám sát điện năng ỏ các địa phương; phấn đấu bảo đảm cung ứng đủ điện cho yêu cầu sản xuất và sinh hoạt. Thứ năm, điều chỉnh cơ cấu ngành công nghiệp nhằm nâng cao giá trị gia tăng, triển khai tích cực các cơ chế, chính sách khuyên khích, hỗ trợ phát triển công nghiệp hỗ trợ, phát triển các ngành sản xuất thay thế nhập khẩu. Đổi mới cơ cấu và chính sách thu hút FDI, khuyến khích vào những ngành, khu vực sản xuất có hàm lượng công nghệ cao, ít tiêu tốn năng lượng và ảnh hưởng đến môi trường, có khả năng đẩy mạnh xuất khẩu. Thứ sáu, tiếp tục rà soát, điều chỉnh, xây dựng mới các quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực thuộc chức năng quản lý, trước hết là sớm hoàn thành Quy hoạch điện VII, điều chỉnh Quy hoạch ngành thép, hoàn thành quy hoạch boxit, v.v... Thứ bảy, tập trung củng cố, tăng cường năng lực và sự phát triển bền vững của các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước. Các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm, đi đôi với hoàn thiện cơ chế quản lý, tăng cường công tác tự kiểm tra của các Tập đoàn, các Tổng công ty, cũng như tăng cường thanh tra, giám sát của cơ quan nhà nước. Các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước phải tập trung nguồn lực cho lĩnh vực kinh doanh chính và thực hiện chế độ kiểm toán bắt buộc. Thứ tám, tăng cường công tác đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của sản xuất, quản lý; gắn đào tạo với nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực; phát triển hình thức đào tạo theo hợp đồng. Thứ chín, chủ động, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, hiệu quả. Thứ mười, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính và phòng chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí; triển khai có hiệu quả Kế hoạch cải cách hành chính và Kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2011 của Bộ.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng biểu dương những thành tích đã đạt được của Ngành Công Thương trong năm 2010, thành tích này đã đóng góp tích cực, toàn diện vào các mặt của đời sống xã hội, góp phần vào thành tích chung của cả nước. Phó Thủ tướng nhận định cơ cấu nền kinh tế chưa hợp lý, tính hiệu quả của nền kinh tế chưa cao, sức cạnh tranh còn hạn chế. Phó Thủ tướng chỉ đạo, trong năm 2011, Ngành Công Thương phải phát triển theo hướng công nghiệp hóa các ngành kinh tế, đặc biệt chú ý đến việc đưa khoa học kỹ thuật về nông thôn, giúp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương phối hợp với các Bộ, ngành liên quan rà soát lại danh mục đầu tư, đảm bảo chất lượng cơ cấu nền kinh tế. Đồng thời, quan tâm đến chất lượng nguồn nhân lực của Ngành Công Thương. Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Công Thương nâng cao hiệu quản lý nhà nước của mình, làm tốt chức năng tham mưu cho Nhà nước trong điều hành hoạt động của Ngành Công Thương.
Trung tâm tin học - Bộ CT