Bạn đang ở đây

Bộ Công Thương họp giao ban trực tuyến công tác tháng 8 năm 2011

12/09/2011 09:46:35
Tham dự cuộc họp giao ban trực tuyến có lãnh đạo Bộ Công Thương, lãnh đạo các Cục, Vụ, Viện, Cơ quan đại diện của Bộ tại Thành phố Hồ Chí Minh, đại diện một số Sở Công Thương và đại diện các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty trực thuộc Bộ.
 
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, giá trị sản xuất công nghiệp tháng 8/2011 tăng 5,8% so với tháng 8/2010. Tính chung 8 tháng, sản xuất công nghiệp tuy vẫn tăng 7,3% so với cùng kỳ nhưng tốc độ tăng giảm dần, trong đó: ngành công nghiệp khai thác mỏ giảm 0,7%, công nghiệp chế biến tăng 10,7% và sản xuất, phân phối điện, ga, nước tăng 9,8%. Một số ngành có tốc độ tăng trưởng cao như: sản xuất bia và các loại đồ uống tăng 14,9%; sợi và dệt vải tăng 14,3%; trang phục tăng 16,3%; sản xuất phân bón và hợp chất nitơ tăng 14,6%; các sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 22,8%; sản xuất mô tô, xe máy tăng 16,9%.
 
Sản xuất điện tháng 8 ước đạt 9,2 tỷ kWh, tăng 4,8% so với tháng 8/2010; tính chung 8 tháng ước đạt 66,0 tỷ kWh, tăng 9,9% so với cùng kỳ. Trong tháng 8, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã đưa vào vận hành tổ máy số 2 Nhà máy Thủy điện Sơn La và tổ máy số 2 Nhà máy Thủy điện An Khê. Nhìn chung, nguồn cung ứng điện trong tháng 8 đã đảm bảo đủ điện cho sản xuất và tiêu dùng dân cư, ước đạt 8,8 tỷ kWh, thăng 4,9% so với tháng 7. Tính chung 8 tháng nguồn cung điện ước đạt 61,8 tỷ kWh, tăng 11,3% so với cùng kỳ.
 
Kim ngạch xuất khẩu tháng 8 ước đạt 8,3 tỷ USD, giảm 11,0% so với tháng 7 nhưng tăng 19,6% so với tháng 8/2010, trong đó, xuất khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) ước đạt 3,8 tỷ USD, giảm 2,2% so với tháng 7 nhưng tăng 19,4% so với tháng 8/2010. Tính chung 8 tháng, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 60,8 tỷ USD, tăng 33,7% so với cùng kỳ, trong đó, xuất khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) ước đạt 27,7 tỷ USD, tăng 31,9%.
 
Các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu  tăng trưởng mạnh như: sắn và các sản phẩm từ sắn tăng 88,4%, hạt tiêu tăng 75,0%, cà phê tăng 71,4%, cao su tăng 66,0%, xăng dầu tăng 74,6%, quặng và khoáng sản tăng 72,0%, dầu thô tăng 51,5%; sắt thép các loại tăng 55,3%, sản phẩm hóa chất tăng 52,7%, chất dẻo nguyên liệu tăng 40,3%, v.v...
 
Nhìn chung, xuất khẩu sang các thị trường chính đều có mức tăng trưởng khá cao: xuất khẩu vào ASEAN tăng 23,6; xuất khẩu vào Nhật Bản tăng 30,5%; xuất khẩu vào Trung Quốc tăng 61,0%; xuất khẩu thị trường Mỹ tăng 20,2%; xuất khẩu vào EU tăng 46,8%.
 
Kim ngạch nhập khẩu hàng hoá tháng 8 ước đạt 9,1 tỷ USD, tăng 10,7% so với tháng 7. Tính chung 8 tháng, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 67,0 tỷ USD tăng 25,4% so với cùng kỳ, trong đó: kim ngạch nhập khẩu của các doanh nghiệp 100% vốn trong nước đạt 36,9 tỷ USD, tăng 21,1% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 55,1%; kim ngạch nhập khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 30,10 tỷ USD, tăng 31,1% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 44,9% tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước.
 
Ước nhập siêu 8 tháng khoảng 6,21 tỷ USD, chiếm 10,21% kim ngạch xuất khẩu, trong đó, khối doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) nhập siêu hơn 2,4 tỷ USD. Tỷ lệ nhập siêu giảm dần (7 tháng là 10,3%) và chủ yếu từ các nước như Trung Quốc, ASEAN, Hàn Quốc, Đài Loan.
 
Tình hình thị trường trong nước tháng 8 tương đối ổn định, cung cầu hàng hoá tiếp tục được đảm bảo. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ xã hội tháng 8 ước đạt 157,3 nghìn tỷ đồng, tăng 1,1% so với tháng 7; tính chung 8 tháng ước đạt 1.224,4 nghìn tỷ đồng, tăng 22,2% so với cùng kỳ. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 8 hạ nhiệt nhưng vẫn tăng 0,93% so với tháng 7 và tăng 15,68% so với tháng 12/2010; bình quân 8 tháng tăng 17,64% so với cùng kỳ.
 
Thực hiện các biện pháp quản lý giá cả, kiểm tra, kiểm soát thị trường, tháng 8 lực lượng quản lý thị trường đã xử lý 7.054 vụ vi phạm, thu được trên 18,16 tỷ đồng.
 
Phát biểu kết luận cuộc họp giao ban tháng 8, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng chỉ đạo các đơn vị tiếp tục thực hiện Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 09 tháng 01 năm 2011 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2011 và Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24 tháng 01 năm 2011 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ tập trung giám sát chặt chẽ tiến độ các dự án đầu tư, tiến độ giải ngân các dự án, đặc biệt là các dự án trọng điểm và các dự án hoàn thành trong năm 2011. Các Sở Công Thương cần tiếp tục theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả các mặt hàng thiết yếu để có biện pháp điều tiết kịp thời, không để xảy ra thiếu hàng, sốt giá nhằm bình ổn thị trường, góp phần kiềm chế lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội; đồng thời, chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, găm
hàng, tăng giá, gian lận thương mại, kiểm soát chặt chẽ chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm hàng hoá lưu thông trên thị trường; tiếp tục triển khai các chương trình xúc tiến thương mại nội địa.
 
Bộ trưởng cũng chỉ đạo các Hiệp hội, ngành hàng tăng cường hỗ trợ, phổ biến thông tin cho hội viên về chủ trương, đường lối, chính sách của Chính phủ, đồng thời các Hiệp hội, ngành hàng cũng cần tham gia tích cực, có hiệu quả vào các hoạt động xúc tiến thương mại, đấu tranh chống rào cản thương mại bất hợp lý.
 
Bên cạnh đó, Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ triển khai có hiệu quả công tác cải cách hành chính và đấu tranh phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí từ cơ quan Bộ tới các đơn vị thuộc Bộ.
 
Các đơn vị thuộc Bộ cần tiếp tục phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, định hướng dư luận, tạo đồng thuận giữa doanh nghiệp và nhân dân trong việc thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, nhất là về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội.
 
Trung tâm Tin học