Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, trong thời gian vừa qua, nhiều cá nhân, đơn vị đã lợi dụng sơ hở trong công tác quản lý để kinh doanh và sử dụng trái phép vật liệu nổ.
Trước thực trạng trên, ông Cao Anh Dũng - Phó cục trưởng Cục an toàn và môi trường công nghiệp cho biết, trong giai đoạn 2015 - 2020, ngành vật liệu nổ công nghiệp sẽ được phát triển theo hướng kết hợp chặt chẽ với ngành công nghiệp hóa chất và quốc phòng. Đồng thời, ngành công nghiệp đặc thù này khuyến khích đào tạo nguồn nhân lực trong hoạt động nghiên cứu, áp dụng có hiệu quả thành tựu công nghệ tiên tiến của thế giới.
Đối với các doanh nghiệp trong nước, Bộ Công Thương đề xuất khuyến khích đầu tư phát triển sản xuất tiền chất thuốc nổ, chất tạo nhũ, sáp phức hợp. Ngoài ra, dây chuyền có đặc tính lưỡng dụng phục vụ nhu cầu kinh tế và quốc phòng và dây chuyền có công nghệ tiên tiến; vật liệu nổ công nghiệp phục vụ ngành dầu khí,...cũng nằm trong danh mục được khuyến khích đầu tư.
Theo ông Dũng, sẽ có chính sách tạo điều kiện thuận lợi để xuất khẩu sản phẩm và nâng cao năng lực sản xuất ra những sản phẩm vật liệu nổ công nghiệp. Cụ thể, thuế xuất khẩu và lãi suất vốn vay đầu tư ra nước ngoài mặt hàng vật liệu nổ công nghiệp sẽ được ưu đãi.
"Sẽ có cơ chế ưu đãi nhằm thúc đẩy việc hình thành dịch vụ nổ mìn chuyên nghiệp trên cơ sở các doanh nghiệp sử dụng vật liệu nổ công nghiệp của Nhà nước. Tiến tới sẽ xóa bỏ dần các cơ sở sử dụng vật liệu nổ công nổ nhỏ lẻ, hoạt động có tính thời vụ.
Đồng thời, ngành này sẽ khuyến khích áp dụng phương pháp nổ mìn tiên tiến, cơ giới hóa công tác nạp mìn để sản xuất thuốc nổ ngay tại bãi mình. Việc này tránh được nguy cơ thất thoát vật liệu nổ công nghiệp và nguy cơ mất án toàn khi phải vận chuyển trên đường bộ.
Trong giai đoạn 2016 - 2020, Bộ Công Thương sẽ xây mới và hoàn thiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn về nguyên liệu sản xuất vật liệu nổ công nghiệp đảm bảo quản lý chặt chẽ hơn nữa chất lượng", ông Dũng nói.
Về văn bản quy phạm pháp luật, năm 2016, Bộ Công Thương sẽ đề xuất Chính phủ cho phép xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 39/2009/NĐ-CP, Nghị định số 54/2012/NĐ-CP và Nghị định số 76/2014/NĐ-CP bảo đảm tinh gọn phù hợp với quy định pháp luật, và giảm thủ tục hành chính.
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, sản lượng thuốc nổ và phụ kiện nổ sản xuất từ năm 2009 đạt 114.153 tấn. Sản lượng này tăng dần theo từng năm và đến năm 2014 đạt 137.510 tấn, tăng khoảng 20% sau sáu năm. Bình quân sản lượng cung ứng vật liệu nổ công nghiệp trong 6 năm tăng 4,1%, trong đó ngành than chiếm tỷ trọng khoảng 60%.
Tuy nhiên, đầu năm 2015, nhà máy sản xuất Amoni Nitrat của Micco công suất thiết kế 200.000 tấn/năm tại Thái Bình đã vận hành và đáp ứng được nhu cầu trong nước.
Sáu loại tiền chất thuốc nổ còn lại gồm Nitro metan, Natri nitrat, Kali nitrat, Natri clorat, Kali clorat, Kali perclorat và một số chất nhũ hóa, sáp phức hợp vẫn phải nhập khẩu 100%.
Theo Vinanet