Bạn đang ở đây

Bộ Công Thương: “Tăng lực” cho xuất khẩu

14/07/2015 08:59:28

Giảm nhập khẩu nguyên phụ liệu dệt may, da giày

Những năm vừa qua, dệt may, da giày luôn là điểm sáng trong bức tranh xuất nhập khẩu với kim ngạch đứng top đầu trong những ngành XK chủ lực. Tuy nhiên, điểm yếu nhất của những nhóm hàng này là tỷ lệ nhập khẩu (NK) nguyên phụ liệu còn cao, dẫn đến tăng giá thành, giảm tính cạnh tranh của sản phẩm.

Để cải thiện tình hình, Chiến lược phát triển ngành công nghiệp (CN) dệt may Việt Nam đến năm 2015 đã được Chính phủ phê duyệt và triển khai thực hiện. Một số dự án được đầu tư nhằm phát triển một số sản phẩm CN phụ trợ cho ngành dệt may như Dự án sơ sợi Đình Vũ, Dự án Nhà máy Sợi Vinatex – Hồng Lĩnh… Nhờ đó, so với năm 2010, tỷ lệ nội địa hóa của ngành dệt may đã được tăng lên đáng kể. Trước đây, nước ta NK đến 70% nguyên phụ liệu cho ngành dệt may nhưng đến năm 2014, Việt Nam chỉ còn NK dưới 50%.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, tới đây, khi hoàn tất đàm phán TPP cũng như các FTA khác, với những ưu đãi đặc biệt về thuế quan, cơ hội cho ngành dệt may, da giày là rất lớn. Tuy nhiên, để được hưởng những ưu đãi này, DN phải đáp ứng được những yêu cầu khắt khe về xuất xứ nguyên phụ liệu. Đây sẽ là điều kiện thuận lợi nhằm kích thích thu hút mạnh mẽ đầu tư trong nước và nước ngoài vào ngành công nghiệp hỗ trợ.

“Trong kế hoạch trình Chính phủ thời gian tới, Bộ Công Thương tập trung vào những chính sách cụ thể để cụ thể hóa những chương trình đầu tư nhằm phát triển ngành CN hỗ trợ. Sắp tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục cùng các bên liên quan triển khai xây dựng các khu công nghiệp hỗ trợ tại một số địa phương, tập trung vào các ngành CN nhuộm, sản xuất vải cũng như các trang thiết bị phục vụ cho dệt may và da giày. Bên cạnh đó, đẩy mạnh hơn nữa việc chủ động xây dựng các sản phẩm có thương hiệu Việt Nam trong ngành CN dệt may” - Thứ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết.

Tận dụng tối đa ưu đãi từ hội nhập

Việt Nam đang trong quá trình hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng với thế giới bằng hàng loạt những FTA đã và đang chuẩn bị ký kết. Nhằm khai thác tối đa các cơ hội cũng như ứng phó có hiệu quả những thách thức từ các FTA, Bộ Công Thương luôn quan tâm đến khâu tuyên truyền về hội nhập đến các DN, ngành hàng. Hiện nay, Bộ Công Thương đang xây dựng Đề án tuyên truyền về công tác hội nhập kinh tế quốc tế để tiếp tục triển khai đến cộng đồng DN mạnh mẽ hơn trong năm 2015 và những năm tiếp theo. Bên cạnh đó, xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật nhằm thể chế hóa các FTA này, tạo điều kiện tốt nhất cho hoạt động xuất nhập khẩu của DN.

Thứ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh: “Bộ Công Thương đang đẩy nhanh tiến độ tái cơ cấu ngành Công Thương nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN và sản phẩm; tiếp tục xem xét phản ứng của thị trường nhằm thực thi các cam kết của hội nhập”. Theo Thứ trưởng Trần Tuấn Anh, sẽ tổ chức lại các hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường theo hướng phân định có trọng tâm, trọng điểm để khai thác những cơ hội từ thị trường mới, kiến tạo những điều kiện phát triển bền vững tại thị trường trọng điểm, có tiềm năng, mang lại giá trị gia tăng lớn cho XK.

Nhiệm vụ trọng tâm của Bộ Công Thương và các bộ, ngành có liên quan trong giai đoạn tới là tiếp tục đẩy nhanh mở cửa các thị trường thông qua các FTA, từ đó tiếp cận thị trường mới ở quy mô, dung lượng lớn hơn, mang đến chất lượng cao cho hoạt động XK.

Theo Báo Công Thương