Bạn đang ở đây

Bình ổn giá heo, giải pháp nào?

17/04/2018 09:00:20
 
Sản xuất theo chuỗi khép kín làm cho thịt heo tăng thêm giá trị

Giá heo hơi tăng nóng

Tính từ đầu tháng 4/2018, giá heo hơi ở miền Nam tăng nhanh từng ngày, dự báo giá heo hơi vẫn còn biến động theo chiều hướng tăng. Tại khu vực miền Nam, hiện tại giá heo hơi so với đầu tháng 4 đã tăng 12.000-13.000 đồng/kg, cán mức 40.000- 41.000 đồng/kg, mức giá cao nhất so với gần hai năm qua.

Tại Đồng Nai, ngày 16/4/2018, thương lái mua heo tại chuồng dao động từ 40.000- 41.000 đồng/kg. Ông Trần Văn Bảy, chủ trang trại nuôi heo xã Phú Ngọc, huyện Định Quán cho biết, vừa bán 120 con heo thịt, giá heo hơi 40.500 đồng/kg. Ông Bảy nói, giá heo hơi tăng là do nhiều trang trại giảm nuôi. “Năm ngoái giá heo xuống thấp nên bị lỗ gần 400 triệu đồng, nay giá heo tăng thì không có nhiều để bán”, ông Bảy tiếc rẻ.

Trước đây trại heo của ông Huỳnh Văn Linh (xã Gia Kiệm, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai) có khoảng 2.000 con, hiện nay chỉ nuôi khoảng 600 con vì lỗ vốn kéo dài. Ông Linh nói rằng, trước đây giá heo hơi trong nước tăng giảm đều phụ thuộc sức mua của thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, đợt tăng giá heo hơn lần này thị trường Trung Quốc không có tác động đến giá heo hơi ở Việt Nam vì giá heo bên đó hiện nay ở mức thấp, không còn nhập heo Việt Nam.

Ông Trần Nguyên Quân, một đầu mối chuyên thu mua heo ở khu vực miền Đông Nam bộ cho biết, dịp này Tết cổ truyền của Campuchia đang diễn ra, vì thế một lượng heo khá lớn được xuất qua thị trường này đã góp phần làm cho giá heo hơi trong nước tăng thêm. Một số thương lái nhận định, khi giá heo hơi tăng và biến động mạnh, một số chuồng trại ở khu vực Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu hạn chế bán ra để chờ giá tăng mới xuất bán cũng góp phần kích giá heo hơi tăng.

Theo đánh giá của giới nuôi heo, mức giá heo hơi trên dưới 40.000 đồng/kg như hiện nay đã có lãi, người chăn nuôi mừng vì thoát được lỗ vốn kéo dài nhưng không khỏi lo ngại khi giá heo cao sẽ thúc đẩy ngành chăn nuôi tăng đàn, dẫn đến “dội chợ” và mất vốn.

Thách thức lớn khi hội nhập

Hiện tại chưa thể khẳng định giá heo hơi đạt mức cao như hiện nay có bền vững hay không, trong tương lai gần nhu cầu của thị trường sẽ diễn ra như thế nào.

Ông Nguyễn Mạnh Tâm, chủ trại heo 3.000 con ở thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương nhìn nhận, người chăn nuôi heo trong nước hiện nay hầu hết không dự báo được nhu cầu về thịt heo của thị trường. Mặc dù nhiều chủ trang trại nuôi heo theo hướng công nghiệp nhưng khi thấy giá heo lên thì tăng đàn, đến lúc heo rớt giá lại phơi chuồng để bớt lỗ, tình trạng này xảy ra trong nhiều năm qua và sẽ còn tiếp diễn.

Tiến sĩ Kiều Minh Lực - Phó Tổng giám đốc phụ trách lĩnh vực chăn nuôi Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam - đánh giá, chăn nuôi heo Việt Nam đang đứng trước 2 thách thức lớn là giá thành và an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP). Hiện tại, Mỹ và Nam Mỹ đang có giá xấp xỉ 1 USD/kg heo hơi, trong khi Việt Nam là 1,3 USD/kg heo hơi nhưng ngành chăn nuôi vẫn còn lỗ thì dưới tác động của CPTPP thịt heo nhập sẽ có cơ hội vào Việt Nam, khả năng cạnh tranh về giá của Việt Nam rất thấp, chưa nói là VSATTP. “Chuỗi giá trị sản xuất thịt heo là một công cụ để giải quyết tốt 2 thách thức nêu trên. Việc tiếp cận chuỗi giá trị thịt heo cần phải tư duy lại”, ông Lực khẳng định..

Thịt heo truy xuất nguồn gốc là giải pháp ATVSTP cho người sử dụng  

Giải pháp nào để bình ổn giá heo?

Theo ông Kiều Minh Lực, về ATVSTP cần phải tiếp cận và giải quyết theo mô hình feed-farm-food (thức ăn chăn nuôi - trang trại chăn nuôi - thực phẩm). Trong khi đó về tổ chức sản xuất và thị trường cần phải đi ngược lại từ food-farm-feed. Feed-farm-food là mô hình áp dụng các giải pháp công nghệ trong quản lý ATVSTP. Food-farm-feed là mô hình tổ chức sản xuất và làm nền tảng cho việc áp dụng khoa học công nghệ.

Ông Lực cho rằng, để chăn nuôi heo đi vào chuỗi giá trị sản xuất thịt heo nhất thiết phải đi từ nhà máy giết mổ. Nhà máy giết mổ heo không còn là của một DN mà phải là của người chăn nuôi heo (tham gia cổ phần), họ có quyền đưa sản phẩm đến đó tiêu thụ và có trách nhiệm cung cấp đầy đủ về số lượng và đảm bảo về chất lượng cho nhà máy. Như vậy quy mô nhà máy giết mổ phụ thuộc vào quy mô trang trại hay của hiệp hội các trang trại tham gia cổ phần. Nhà nước cần có cơ chế và quy hoạch cho định hướng phát triển này, nếu chỉ phát triển theo quy mô đã quy hoạch sẽ rất khó ai tham gia vào được. Nhà nước cần chấp nhận phải có các bước đi trung chuyển để đưa người chăn nuôi đi từ nhỏ đến lớn bằng chuỗi giá trị của họ. Vai trò của DN trong hệ thống chuỗi giá trị ở đây là nhà máy giết mổ và nhà máy thức ăn chăn nuôi sẽ có người chăn nuôi tham gia trong đó.

Chuỗi giá trị này cũng có thể đưa quy mô sản xuất của nông dân tăng hàng chục lần quy mô mà họ có. Ví dụ, một hộ nuôi 120 heo nái theo cách truyền thống, xuất bán heo thịt trung bình 8 con/ngày, gây lãng phí về nhân công, vận chuyển và thương lái trung gian tham gia. Nếu họ là cổ đông của nhà máy giết mổ 150-200 con/ngày và tổ chức lại cách sản xuất, có thể xuất bán 150-200 heo thịt/lần xuất chuồng, như vậy họ đóng vai của một trang trại với quy mô 3.000 heo nái sản xuất 75.000 heo thịt/năm.

“Để chuỗi sản xuất này trở thành hiện thực, đòi hỏi sự vào cuộc của nhà nước bằng chính sách, sự nhận thức và hiệu quả kinh tế của người chăn nuôi, khả năng sẵn sàng chuyển giao, giúp đỡ của các nhà khoa học để chuỗi mang lại giá thành thấp nhất, ATVSTP hiệu quả cao nhất”, ông Lực chia sẻ thêm.

Nguồn: Báo Công thương