Đây là vườn chè của gia đình bà Đỗ Thị Mai – thôn Khe Ngay, xã Bảo Hưng, huyện Trấn Yên. Trước kia, đây ruộng là mảnh ruộng một vụ của gia đình, do thường xuyên thiếu nước nên năm 2010 gia đình bà Mai quyết định chuyển đổi sang trồng chè. Cùng với một số diện tích chè già cỗi được trồng cải tạo bằng các giống chè chất lượng cao như Phúc Vân Tiên, Bát Tiên, chè lai LDP1 đã được bà Mai đưa vào trồng kiến thiết, đến nay, gia đình đã có trên 1,2 mẫu chè và gần 1 mẫu là chè kinh doanh. Năm 2015, gia đình thu hoạch, bán với giá 10 – 12 nghìn đồng/kg tươi và 100 nghìn đồng/kg khô loại chè lai, chè Bát tiên giá 20 – 22 nghìn đồng/ kg tươi và 150 – 160 nghìn đồng/kg khô, sau khi trừ chi phí đã cho thu nhập từ 50 đến 60 triệu đồng.
Sau nhiều năm tuyên truyền, vận động và hướng dẫn bà con áp dụng quy trình chè an toàn, người dân Bảo Hưng đã tuân thủ quy trình từ trồng, chăm bón đến thu hái và khi cho ra sản phẩm chè khô. Chè búp tươi người dân hái theo tiêu chuẩn 1 tôm 2 lá và chỉ thu hái trong thời gian từ sáng sớm đến trước 10 giờ. Đây là thời gian mà búp chè có chất lượng ngon nhất. Chè thu hái được chế biến ngay nên sản phẩm chè giữ được hương vị, được thị trường ưa chuộng.
So với những năm trước thì năm nay giá chè có thấp hơn nhưng hiệu quả mà cây chè mang lại vẫn cao hơn các loại cây trồng khác của địa phương nên Đảng bộ, chính quyền xã tiếp tục thực hiện nghị quyết và xây dựng kế hoạch giao cho các thôn triển khai vận động nhân dân cải tạo, đầu tư thâm canh và chế biến chè an toàn đảm bảo tiêu chuẩn VietGAP để phấn đấu hình thành vùng sản xuất chè xanh an toàn có uy tín ở Trấn Yên. Hiện Bảo Hưng đã trồng, cải tạo chè già cỗi chất lượng thấp bằng các giống chè chất lượng cao như: Phúc Vân Tiên, Bát Tiên, chè lai LDP1, chè trung du với tổng diện tích 223 ha, trong đó chè kinh doanh trên 138ha, năng suất đạt trên 83 tạ/ha, sản lượng ước đạt 1.160 tấn.
Thuận lợi và tiềm năng không ít nhưng những khó khăn vẫn còn nhiều do hầu hết nông dân ở đây vẫn tổ chức sản xuất chè theo quy mô hộ gia đình, việc đầu tư chế biến hạn chế, đầu ra cho sản phẩm chưa ổn định. Năm 2012, Ban quản lý Dự án nâng cao chất lượng an toàn sản phẩm nông nghiệp và phát triển chương trình khí sinh học (QSEAP) tỉnh Yên Bái thực hiện Tiểu dự án vùng sản xuất chè xanh an toàn, chất lượng cao theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Bảo Hưng. Đến nay, nhà máy chế biến chè đã hoàn thành và chuẩn bị đưa vào sử dụng. Xã thành lập 9 nhóm hộ sản xuất với 251 gia đình tham gia và đã có gần 108 ha chè được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn. Đây là cơ hội để người làm chè Bảo Hưng xây dựng “thương hiệu” chè sạch, góp phần nâng cao thu nhập cho người làm chè ở địa phương.
Theo YBĐT