Tại diễn đàn xúc tiến thương mại xuất khẩu Việt Nam 2014 với chủ đề “tăng cường xúc tiến xuất khẩu, tiến tới hội nhập sâu vào AEC” do Bộ Công Thương tổ chức ngày 17-4, bà Phạm Hồng Thanh, Hàm Vụ trưởng, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á, Thái Bình Dương (Bộ Công Thương) cho biết, kim ngạch thương mại của Viêt Nam và ASEAN đã tăng gần 4 lần, từ khoảng 9 tỷ USD năm 2003 lên gần 40 tỷ USD vào năm 2013.
Năm 2013 ASEAN là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam chỉ đứng sau Mỹ và EU với kim ngạch đạt 18,47 tỷ USD, tăng 4,4% so với năm trước đó. Ba tháng đầu năm nay, ASEAN tiếp tục duy trì vị trí này với kim ngạch ước đạt 4,7 tỷ USD tăng 6,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Các mặt hàng xuất khẩu sang ASEAN rất đa dạng như gạo, dầu thô, xăng dầu, sắt thép, điện thoại, phụ tùng, linh kiện…, trong đó 2 mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch và tỷ trọng lớn nhất là dầu thô (thường chiếm tỷ trọng xung quanh mức 40%) sau đó là gạo (chiếm tỷ trọng trên 10%).
Tuy nhiên, theo bà Thanh, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường ASEAN chưa cao như các thị trường khác. Nguyên nhân là do sản sản phẩm của Việt Nam với các nước ASEAN mang tính chất tương đồng. “Nếu không tích cực cải tiến thì sản phẩm của Việt Nam khi xuất khẩu sang thị trường này sẽ càng khó khăn hơn”, bà Thanh nói.
Thêm vào đó, những mặt hàng được coi là thế mạnh khi xuất khẩu sang ASEAN là dầu thô, gạo đang có xu hướng giảm dần cũng là nguyên nhân làm giảm kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này. Đặc biệt, hàng hóa của Việt Nam cũng khó cạnh tranh với hàng Trung Quốc giá rẻ, hàng Thái Lan...
Cuối năm 2015, AEC sẽ được hình thành, nếu tận dụng tốt các ưu đãi thuế quan trong thương mại với các nước AEC, Việt Nam sẽ có cơ hội lớn để xuất khẩu các mặt hàng chủ lực như dệt may, gạo, thủy sản, linh kiện điện tử... sang các nước ASEAN.
Bà Thanh dự báo, xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường ASEAN sẽ tiếp tục duy trì mức tăng trưởng ổn định nhờ hưởng ưu đãi thuế quan với tổng số trên 99% dòng thuế của ASEAN 6 (gồm Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan sẽ về mức 0% theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN - ATIGA).
Ngoài các thị trường có kim ngạch xuất khẩu lớn (Malaysia, Thái Lan, Campuchia, Singapore và Indonesia), Myanmar sẽ là thị trường XK tiềm năng cho doanh nghiệp Việt Nam trong ASEAN với những mặt hàng tiềm năng như hàng tiêu dùng, gia dụng, điện và điện tử, vật liệu xây dựng.
Theo Báo Hải quan