Bạn đang ở đây

ASEAN: Khu vực có nhiều hoạt động kinh tế thông suốt và cơ hội tăng trưởng

03/05/2018 09:06:54
 
Thứ trưởng Trần Quốc Khánh (thứ 5 từ trái sang) và các nhà lãnh đạo dự phiên họp lần thứ 16 Hội đồng Cộng đồng Kinh tế ASEAN      Ảnh: M.A

Trước đó, ngày 26/4, Hội đồng Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) đã tiến hành phiên họp lần thứ 16 với sự tham dự của các Bộ trưởng phụ trách AEC. Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh đã thay mặt Bộ trưởng Trần Tuấn Anh tham dự phiên họp này.

Hội đồng AEC đã báo cáo tiến triển và kết quả đạt được trong khuôn khổ AEC kể từ Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 31 ngày 13/11/2017 tại Manila, Philippines. Theo đó, ASEAN có mức tăng trưởng kinh tế cao hơn trong năm 2017 với tốc độ 5,2% và dự kiến trong năm 2018 (so với 4,8% năm 2016) nhờ tiêu dung tư nhân, đầu tư cơ sở hạ tầng và xuất khẩu tăng mạnh. Cùng với sự phát triển của thương mại toàn cầu, dựa vào số liệu thống kê trong ba quý đầu năm 2017, giá trị thương mại hàng hóa của ASEAN đã đạt 1.817 tỷ USD, trong đó 22,9% là thương mại nội khối. Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào khu vực cũng phục hồi với tổng vốn tích lũy ba quý đầu năm 2017 là 98,7 tỷ USD.

Trong giai đoạn từ tháng 11/2017 đến nay, ASEAN đã thực thi nhiều biện pháp then chốt bao gồm vận hành Cơ chế hải quan một cửa ASEAN giữa 5 nước thành viên sẵn sàng trao đổi (Indonesia, Malaysia, Singapore, Thái Lan và Việt Nam) ngày 01/01/2018; hoàn tất đàm phán để giải quyết các lĩnh vực chủ chốt nhằm tạo thuận lợi vận hành kịp thời Cơ chế tự chứng nhận ASEAN; ký kết Hiệp định Khung ASEAN về tạo thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa qua biên giới bằng phương tiện đường bộ (CBTP) giữa tất cả các nước thành viên; phê chuẩn đầy đủ Nghị định thư số 1 (Chỉ định các đường vận tải quá cảnh) của Hiệp định Khung ASEAN về tạo thuận lợi cho hàng hóa quá cảnh (AFAFGIT) ngày 05/02/2018; ký kết Nghị định thư số 2 (Chỉ định cửa khẩu biên giới) của hiệp định AFAFGIT; thông qua Tuyên bố ASEAN về sáng tạo và thông qua Tuyên bố chung ASEAN về du lịch biển.

Tại Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN trù bị lần thứ 24 hồi tháng 02/2018, các Bộ trưởng đã thông qua các nhiệm vụ kinh tế ưu tiên của năm Chủ tịch ASEAN 2018 với chủ đề chung là “sức bật và đổi mới”. Mục tiêu của nước chủ nhà Singapore năm nay là làm sâu sắc kết nối khu vực để ASEAN trở thành một khu vực có hoạt động kinh tế thông suốt và các cơ hội tăng trưởng, đặc biệt trong thương mại điện tử và kinh tế số. Tính đến ngày 31/12/2017, có 72 trên 118 biện pháp ưu tiên của năm ASEAN 2017 đã được thực thi đầy đủ. Mức độ thực thi của mỗi nước thành viên dao động từ 78 đến 83 ưu tiên. Sau đó có thêm 8 biện pháp được thực thi. Trong số 38 biện pháp chưa thực thi của năm 2017, có 29 biện pháp sẽ được chuyển sang năm 2018, 8 biện pháp vẫn đạt mục tiêu hoàn thành trong năm 2018 (dù không được xác định là ưu tiên của năm) và giữ lại 1 biện pháp. ASEAN tiếp tục tiến trình hội nhập kinh tế khu vực trong giai đoạn tiếp theo của Kế hoạch Tổng thể AEC 2025 để hoàn thành đúng thời hạn các biện pháp còn lại.

Với việc xóa bỏ thuế nhập khẩu thuộc danh mục 7% dòng thuế linh hoạt của Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam (CLMV) trong năm 2018, tỷ lệ xóa bỏ thuế với ASEAN, ASEAN-6 và CLMV dự kiến sẽ là 98,67%; 99,02% và 97,81%. Về thương mại dịch vụ, có 5 nước thành viên đã hoàn tất Gói cam kết thứ 10 trong khuôn khổ Hiệp định Khung ASEAN về dịch vụ (AFAS) và Nghị định thư về Thực thi Gói cam kết dự kiến ký kết tại Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần thứ 50 vào tháng 8/2018. Đồng thời, việc đàm phán Hiệp định Thương mại Dịch vụ ASEAN (ATISA) cũng gần đến hồi kết và dự kiến được ký tại Hội nghị AEM 50. Hiệp định này đánh dấu việc chuyển từ cách tiếp cận chọn cho truyền thống sang cách tiếp cận chọn bỏ nhằm nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh của ASEAN, góp phần thúc đẩy thương mại dịch vụ qua biên giới. Về đầu tư, sau khi hoàn tất Chương trình hành động tập trung và chiến lược (FAST), Ủy ban Điều phối Đầu tư (CCI) đang thảo luận về những hoạt động nhằm thúc đẩy, tạo thuận lợi, tự do hóa và bảo hộ đầu tư. Hai sáng kiến chính đã được thống nhất là: các ưu tiên về đầu tư của Singapore liên quan đến kinh tế thuộc Hiệp định Đầu tư toàn diện ASEAN (ACIA), bao gồm Hiệp định TRIMs của WTO cộng với cấm yêu cầu thường trực (PPR) trong ACIA, chuyển đổi danh mục bảo lưu hiện tại của ACIA thành danh mục chọn bỏ hai phụ lục; xây dựng cơ sở dữ liệu về các biện pháp liên quan đến đầu tư bằng cách sử dụng trang thông tin về đầu tư ASEAN.

Trong năm 2018, việc thực thi Kế hoạch Làm việc ASEAN về nâng cao các chuỗi giá trị toàn cầu (GVC) chương trình nghị sự 2016-2025 sẽ bao gồm bắt đầu triển khai Nghiên cứu cơ bản về những lĩnh vực chính sách then chốt liên quan đến GVC. ASEAN đã thông qua dự thảo khung của nghiên cứu cơ bản, và báo cáo nghiên cứu sẽ được hoàn tất và trình bày tại Hội nghị AEM 50. Nhóm Chuyên gia ASEAN về cạnh tranh (AEGC) tiếp tục triển khai Kế hoạch Hành động Cạnh tranh ASEAN 2016-2025. Với mục tiêu tăng cường các chế độ cạnh tranh của khu vực, Campuchia là nước thành viên duy nhất chưa ban hành luật cạnh tranh, hiện đã nộp dự thảo luật tới Hội đồng Bộ trưởng xem xét. Hai nước thành viên (Malaysia và Việt Nam) đã báo cáo kết quả rà soát các chế độ cạnh tranh sử dụng Bộ Công cụ tự đánh giá ASEAN về thực thi cạnh tranh tại Hội nghị Nhóm Chuyên gia lần thứ 21 vào tháng 3/2018, với sự tham gia của bốn nước thành viên khác đã báo cáo trong năm 2017 (Lào, Myanmar, Philipines và Singapore). Hai nước thành viên khác (Brunei và Thái Lan) dự kiến báo cáo tại Hội nghị Nhóm Chuyên gia lần thứ 22 vào tháng 10/2018. Các báo cáo rà soát này có mục tiêu hỗ trợ các cơ quan cạnh tranh đánh giá định kỳ chế độ pháp lý, thể chế và thực thi nhằm cải thiện và học hỏi kinh nghiệm từ các nước khác.

ASEAN đang tiếp tục thực Kế hoạch Hành động chiến lược về Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) giai đoạn 2016-2025 với 5 mục tiêu: Nâng cao năng suất, công nghệ và sáng tạo của MSME; tiếp cận tài chính; tiếp cận thị trường và quốc tế hóa; môi trường chính sách và quy định; phát triển lãnh đạo doanh nghiệp và nguồn nhân lực. ASEAN tiến hành nghiên cứu nhằm rà soát mức độ tham gia của MSME trong nền kinh tế số hóa với sự phối hợp của Ủy ban Điều phối ASEAN về MSME, Kết nối ASEAN- Hoa Kỳ thông qua chương trình Thương mại và đầu tư (ACTI), phù hợp với thực thi Kế hoạch Tổng thể về Kết nối ASEAN (MPAC) 2025. Cùng với đó, một cuộc khảo sát của các cơ quan đại diện SME của các thành viên ASEAN (thông qua đầu mối trong nước) đã được thực thi qua thư điện tử là bước đi đầu tiên để đánh giá hiện trạng ứng dụng và năng lực số hóa của MSME trong ASEAN.

Việc xây dựng công cụ pháp lý phù hợp để thúc đẩy và tạo thuận lợi thương mại điện tử giữa các nước thành viên ASEAN, nhất là Campuchia, Lào và Myanmar là nhu cầu cấp thiết để theo kịp làn sáng kinh tế số. Các quan chức CLMV đã thống nhất xây dựng Khuôn khổ Phát triển CLMV về chiến lược chung cho các nước CLMV phát triển kinh tế quốc gia. Sáng kiến này được sự hỗ trợ tài chính của Chính phủ Đức với đề xuất dự án mới về “Thúc đẩy cạnh tranh trong khuôn khổ Sáng kiến hội nhập ASEAN (COMPETE)” tập trung vào thương mại dịch vụ, chính sách cạnh tranh. Dự án kéo dài ba năm dự kiến khởi động từ tháng 9/2018 đến tháng 8/2021.

Trong quan hệ kinh tế đối ngoại, ASEAN đã tiếp tục cam kết nhằm cải thiện các hiệp định thương mại tự do và các hiệp định đối tác kinh tế toàn diện giữa ASEAN với các đối tác cũng như tăng cường thực thi các hiệp định đã ký kết. FTA ASEAN- Hồng Kong, Trung Quốc (AHKFTA) và Hiệp định Đầu tư ASEAN- Hồng Kong, Trung Quốc (AHKIA) đã được 8 nước thành viên và Hồng Kong, Trung Quốc ký kết ngày 12/11/2017. Sau đó, Việt Nam đã ký AHKFTA ngày 26/02 và sẽ sớm ký hiệp định AHKIA. Myanmar đang trong quá trình hoàn tất thủ tục để ký kết hai hiệp định này. Các bên đều đang thực hiện thủ tục phê chuẩn để hiệp định có hiệu lực từ ngày 01/01/2019. Đối với Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), việc đàm phán năm 2017 đã kết thúc với Hội nghị Cấp cao RCEP lần thứ nhất được tổ chức ngày 14/11/2017 tại Manila, Philippines khi các Nhà Lãnh đạo đã xem xét báo cáo đánh giá của các Bộ trưởng RCEP và thống nhất giao các quan chức nỗ lực để kết thúc đàm phán trong năm 2018. Sau đó, phiên đàm phán thứ 21 đã được tổ chức tại Yogyakarta, Indonesia vào tháng 02/2018. Hội nghị Bộ trưởng giữa kỳ lần thứ 4 đã tổ chức vào tháng 03/2018 tại Singapore ghi nhận tiến triển đàm phán trong các lĩnh vực bao gồm tiếp cận thị trường, quy tắc và hợp tác. Để xác định vai trò trung tâm của ASEAN trong tiến trình đàm phán RCEP, ASEAN đã đề xuất điểm chốt nhằm tìm kiếm sự cân bằng phù hợp giữa giải quyết những nhạy cảm của các bên và đảm bảo những kết quả tin cậy. Các nước RCEP thống nhất sẽ cần tham vấn song phương để giải quyết những vướng mắc trong các vấn đề lâu nay. Để kết thúc cơ bản đàm phán RCEP, các nhà đàm phán phải đảm bảo rằng mỗi phiên đàm phán và các hội nghị giữa kỳ trong năm 2018 đạt được các kết quả cụ thể.

Nguồn: Báo Công thương