Chưa thoát khỏi "vỏ bọc" xuất khẩu thô
Ông Nguyễn Tiến Vỵ, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Công Thương) cho biết, 6 tháng đầu năm, kim ngạch hàng hóa XK ước tính đạt 77,7 tỷ USD, tăng 9,3% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức tăng 15,4% của 6 tháng năm 2014. Nếu kim ngạch XK của khối DN có 100% vốn trong nước đạt 22,864 tỷ USD, giảm 2,9% (chiếm tỷ trọng 29,4%) thì khu vực DN FDI (kể cả dầu thô) đạt 54,9 tỷ USD, tăng 15,3%, thấp hơn mức tăng 16,1% của cùng kỳ năm 2014 (chiếm 70,6% tổng kim ngạch XK) - mức cao nhất từ trước đến nay. Nếu trừ dầu thô thì khu vực này chiếm 67,8% tổng kim ngạch XK và tăng 20,8%, cao hơn mức tăng 16,8% của cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, tăng trưởng XK của DN FDI là những mặt hàng dựa vào nguồn lao động rẻ và gia công hơn là những mặt hàng có giá trị gia tăng cao.
Sở dĩ khu vực FDI tăng cao chủ yếu do mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch XK cả nước và thuộc nhóm hàng công nghiệp chế biến như: Điện thoại các loại và linh kiện chiếm 99,6%; hàng dệt may chiếm 60,6%; giày dép chiếm 79,9%; máy móc thiết bị và phụ tùng chiếm 89,6%... Riêng nhóm hàng công nghiệp chế biến có mức tăng trưởng 18,8% so với cùng kỳ năm 2014 đã mang về 60,727 tỷ USD cho tổng kim ngạch XK của cả nước.
Tỷ lệ nghịch với sự tăng trưởng của nhóm hàng công nghiệp chế biến, nhóm hàng nông, lâm, thủy sản trong 6 tháng qua vẫn liên tiếp sụt giảm về lượng lẫn kim ngạch. Theo đó, kim ngạch XK nhóm hàng nông sản, thủy sản 6 tháng ước đạt 10,031 tỷ USD, chiếm 12,9% trong tổng kim ngạch XK, giảm 7,8% so với cùng kỳ năm 2014. Trong đó, các mặt hàng có kim ngạch giảm so với cùng kỳ là thủy sản ước đạt 3 tỷ USD, giảm 14,5%; cà phê ước đạt 1,4 tỷ USD, giảm 34,8%; gạo ước đạt 1,3 tỷ USD, giảm 8,9% và cao su ước đạt 464 triệu USD, giảm 5,2%... Còn tính về lượng, trong số 7 mặt hàng tính được về lượng thì có 4 mặt hàng có lượng XK giảm, đó là: Cà phê giảm 35%, chè giảm 5%, hạt tiêu giảm 16%, gạo giảm 4%.
Bộ Công Thương nhận định, sự sụt giảm về lượng, về kim ngạch của nhóm hàng này là nguyên nhân chính khiến tốc độ tăng trưởng XK tăng chậm lại. XK nhóm hàng này giảm mạnh là có lý do khách quan, thông thường những tháng đầu năm chưa phải là thời điểm và mùa vụ XK, đặc biệt, đối với một số mặt hàng như thủy sản, kim ngạch XK trong những tháng đầu năm đều giảm do thị trường tiêu thụ chưa hết hàng từ cuối năm trước. Tuy vậy, nguyên nhân sâu xa hơn vẫn là do chúng ta chưa thoát ra khỏi “vỏ bọc” XK thô, phụ thuộc vào thị trường thế giới. Mặt khác, các mặt hàng XK chủ lực chủ yếu là các mặt hàng gia công, vì vậy giá trị gia tăng thấp, chưa thực sự tham gia được vào chuỗi sản xuất và lưu thông sản phẩm của các tập đoàn đa quốc gia trong khu vực và thế giới.
Chính sự sụt giảm về lượng, giá và kim ngạch của nhóm hàng nông, lâm, thủy sản cũng khiến cho kim ngạch XK của nhiều địa phương giảm sút đáng kể. Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, các “đầu tàu” của nền kinh tế như TP. HCM, Hà Nội, Bắc Ninh, Bình Dương, Đồng Nai… đều có sự sụt giảm tuyệt đối về kim ngạch XK. Cụ thể, kim ngạch XK của TP. HCM tính đến tháng 5 đạt 12,003 tỷ USD, giảm trên 6% so với cùng kỳ năm ngoái (chủ yếu do giá dầu thô giảm sâu). Nhóm hàng nông lâm thủy sản vốn chiếm gần 20% tổng kim ngạch XK của thành phố giảm mạnh nhất, đến 9,6% so cùng kỳ, trong đó giảm mạnh nhất là mặt hàng gạo chỉ đạt 339.000 tấn, giảm đến 73% so với cùng kỳ về lượng và giảm 38% về giá trị. Với Hà Nội, kim ngạch XK 5 tháng đạt 4,308 tỷ USD, giảm 1,2% so cùng kỳ. Một số nhóm hàng XK tăng khá so cùng kỳ là giày dép các loại và sản phẩm từ da (tăng 4,4%), linh kiện máy tính và thiết bị ngoại vi (tăng 3,8%). Tuy nhiên, nhóm hàng nông sản có kim ngạch XK giảm nhẹ so cùng kỳ (giảm 0,1%).
Có thể hoàn thành chỉ tiêu?
Có cái nhìn lạc quan hơn về tình hình XK thời gian qua, ông Phan Văn Chinh, Vụ trưởng Vụ XNK (Bộ Công Thương) cho biết, kim ngạch XK quý I có khó khăn nhưng đến quý II đã tốt lên, đặc biệt giữa tháng 5 và tháng 6 có tích cực hơn. So sánh với các nước trong khu vực, Việt Nam là nước có kim ngạch XK tăng cao trong các tháng đầu năm, dù cạnh tranh trên thị trường còn khó khăn. Ông Chinh dẫn chứng, 5 tháng đầu năm, Nhật Bản tăng khoảng 8%, Trung Quốc tăng nhẹ 0,7%, Indonesia giảm 11,8%, Hàn Quốc giảm 5,7%...
Tuy vậy, tại hội nghị giao ban 6 tháng mới đây, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cũng thẳng thắn nhìn nhận, XK 6 tháng mới chỉ đạt 77,7 tỷ USD, trong khi mục tiêu kim ngạch XK cả năm là 165 tỷ USD, đây là một thách thức không nhỏ của ngành Công Thương trong những tháng cuối năm. Mặc dù kinh tế thế giới đã hồi phục nhưng nguồn cung tăng mạnh, trong khi cầu chưa tăng tương ứng nên cạnh tranh ngày càng gay gắt hơn. Tất nhiên, vẫn có nhiều cơ hội mở rộng thị trường tiêu thụ cho các DN khi Việt Nam ký kết một số hiệp định thương mại tự do (FTA) như FTA với Liên minh kinh tế Á – Âu, FTA với Hàn Quốc và sắp tới là FTA với EU, Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương. Do vậy, trong 6 tháng còn lại, ngành Công Thương có thể hoàn thành chỉ tiêu Quốc hội giao, XK tăng 10% và nhập siêu ở mức 5%.
Xác định đây là nhiệm vụ nặng nề, Bộ Công Thương đang thực hiện nhiều biện pháp để phát triển sản xuất, khơi thông thị trường. Ông Chinh cho rằng, các biện pháp chính sẽ được tập trung vào việc đa dạng hóa thị trường để giảm thiểu rủi ro do phụ thuộc vào một số thị trường nhất định, tăng cường công tác đàm phán mở cửa thị trường, trong đó chú trọng các nội dung về giảm thuế, rà soát thủ tục XNK chuyên ngành, dỡ bỏ các rào cản về thương mại, kỹ thuật không phù hợp đối với nông, thủy sản Việt Nam nhằm tạo thuận lợi cho sự phát triển XK nhóm hàng này.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng tập trung vào việc xây dựng các thông tư, văn bản để tháo gỡ khó khăn cho DN, cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động XNK. “Hiện Bộ Công Thương đang thí điểm cấp giấy chứng nhận xuất xứ qua Internet, sắp tới ban hành thông tư tự chứng nhận xuất xứ, quản lý XNK, tham gia cơ chế một cửa quốc gia... Đặc biệt, Bộ Công Thương sẽ triển khai nhiều giải pháp liên quan đến quản lý NK, trong đó có việc xây dựng đề án quản lý NK phù hợp cam kết quốc tế theo định hướng chiến lược XNK hàng hóa thời kỳ 2020 - 2030”, ông Chinh cho hay. Ngoài ra, nhằm đảm bảo thực hiện việc kiểm soát nhập siêu cả năm 2015 dưới mức 5%, lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết, sẽ có những chính sách hợp lý nhằm kiểm soát chặt chẽ nhóm hàng hạn chế NK và nhóm hàng cần kiểm soát NK, trong đó có việc quản lý NK nhóm hàng tiêu dùng và nhóm hàng trong nước đã sản xuất được.
Trước dấu hiệu suy giảm của nhóm nông, lâm, thủy sản, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng yêu cầu các vụ, cục phối hợp với các địa phương tăng cường các biện pháp để tháo gỡ khó khăn cho DN. Cụ thể, trong lĩnh vực nông nghiệp, Bộ trưởng chỉ đạo phải đẩy mạnh sự liên kết giữa sản xuất với chế biến, tiêu thụ sản phẩm ở trong nước và XK. Việc cần làm trước mắt là tập trung đẩy mạnh phát triển hệ thống thu mua và tiêu thụ hàng nông sản trong nước, đồng thời có các biện pháp để kiểm soát NK các mặt hàng nông sản từ các thị trường nước ngoài vào Việt Nam.
Theo Báo Công Thương