Bạn đang ở đây

Ảnh hưởng của suy thoái kinh tế: Người lao động trông vào “đôi chân” của doanh nghiệp

31/08/2011 16:11:37
Nhiều ngành nghề và đơn vị có số công nhân nghỉ việc nhiều như: các doanh nghiệp cơ khí 200 người, Công ty Vật tư tổng hợp Vinashin 379 người, các công ty quản lý đường bộ và công ty môi trường đô thị 263 người, các doanh nghiệp khác 146 người. Tại 27 nhà máy sản xuất giấy đế có đến 600 lao động phải sản xuất cầm chừng, chưa kể đến cả nghìn công nhân tại các doanh nghiệp chế biến và kinh doanh chè phải ngừng việc khi niên vụ còn chưa kết thúc.
 
Quý I/2009, tình hình còn căng hơn, khảo sát tại 144 doanh nghiệp, sử dụng 10.384 lao động cho thấy đã có 27 doanh nghiệp khó khăn do suy giảm kinh tế và số lao động bị mất việc làm và nghỉ chờ việc đã lên tới 1.113 người (mất việc là 376 người, chờ việc 737 người). Bên cạnh đó, tỉnh Yên Bái còn 391 người lao động tại các khu công nghiệp trong nước bị mất việc làm phải về quê và 140 người đi xuất khẩu lao động phải về nước trước thời hạn.
 
Qua phân tích, nguyên nhân lao động dôi dư và tạm ngừng việc là do các doanh nghiệp có năng lực sản xuất kinh doanh yếu kém, công nghệ sản xuất lạc hậu, đội ngũ cán bộ quản lý và công nhân kỹ thuật năng lực yếu, không đáp ứng được yêu cầu của sự đổi mới và phát triển của doanh nghiệp trong xu thế hội nhập. Cùng với đó là một số nguyên nhân khách quan khác như nguyên, nhiên liệu đầu vào tăng, lãi suất ngân hàng cao, đặc biệt nhất là thị trường xuất khẩu bị thu hẹp hoặc đóng cửa...
 
Sản xuất đình đốn khiến nhiều doanh nghiệp không bảo toàn được vốn, mất khả năng thanh toán. Không những vậy, nhiều doanh nghiệp phải nợ lương công nhân và nợ tiền bảo hiểm xã hội. Tình cảnh ấy khiến đời sống của người lao động vốn đã khó khăn lại càng khó khăn hơn khi mất việc mà không có nghề phụ, không có ruộng nương và càng không thể kinh doanh buôn bán. Giống như nhiều bạn đồng nghiệp khác, anh Bình - công nhân Công ty cổ phần Khoáng sản VIGLACERA đã phải nghỉ việc từ mấy tháng nay. Không đi làm đương nhiên là không có lương và chắc hẳn là không có bảo hiểm xã hội; để duy trì cuộc sống anh đi làm phụ cho một xưởng cơ khí với mức lương một triệu đồng/tháng. Tưởng thế là tạm ổn, nào ngờ do không có trình độ và kinh nghiệm nên anh đã bị bỏng hàn rất nặng, giờ chỉ còn biết ôm tay ngồi nhìn ra đường. Anh than thở: “Ở công ty tôi có nhiều đôi vợ chồng đều là công nhân, nay mất việc nên cực khổ lắm. Người công nhân chỉ mong kiếm được bốn, năm chục nghìn một công là cũng thấy ổn rồi. Biết bao giờ mới tới ngày đó?”.
 
Nhìn bản thống kê những doanh nghiệp cho công nhân nghỉ việc và nợ lương, chúng tôi thật buồn khi nhận thấy những đơn vị gắn với những thương hiệu lớn, tầm cỡ quốc gia lại đứng ở "tốp đầu" danh sách như: Vật tư tổng hợp Cửu Long Vinashin, Công ty Khoáng sản Cửu Long Vinashin, cổ phần Khoáng sản VIGLACERA hay những đơn vị mà đáng lẽ ra “bão khủng hoảng” còn chưa "thổi" tới như: Lâm trường Lục Yên, Lâm trường Văn Chấn, Lâm trường Việt Hưng... Nói như vậy vì ngành nghề chính của những lâm trường này là trồng rừng và khai thác gỗ mà thực tế thời gian qua giá gỗ giảm không đáng kể, nhiều loại không những không giảm mà còn tăng, đầu ra cũng không quá thu hẹp... nhưng họ vẫn khó khăn và nguyên do chỉ có thể là chủ quan đem lại, hay nói cụ thể hơn là từ trước đến nay họ chưa đi bằng chính đôi chân của mình nên "nhìn" thấy "bão" đã ngã!
 
Đứng trước thực trạng sản xuất khó khăn, lao động mất việc, tỉnh đã nhanh chóng triển khai các chính sách ưu đãi của Chính phủ nhằm kích cầu sản xuất kinh doanh, ngăn chặn suy giảm kinh tế như: triển khai việc hỗ trợ 4% năm lãi suất theo Quyết định 131 của Thủ tướng Chính phủ; giãn, hoãn, giảm thuế cho các doanh nghiệp và hỗ trợ người lao động mất việc làm theo Quyết định 30 của Thủ tướng Chính phủ và bảo lãnh cho doanh nghiệp vay vốn các ngân hàng thương mại theo Quyết định 14 của Thủ tướng Chính phủ. Sau một thời gian triển khai, hơn 400 tỷ đồng đã được 3 ngân hàng thương mại trên địa bàn cho các doanh nghiệp vay theo chính sách hỗ trợ.
 
Mặc dù vậy, phần lớn nguồn tiền lại chảy vào lĩnh vực thương mại - dịch vụ, tỷ lệ khiêm tốn còn lại được giải ngân tại các doanh nghiệp sản xuất và như vậy đội ngũ công nhân lao động đang làm việc tại các nhà máy, xí nghiệp trên địa bàn Yên Bái ít có cơ hội. Lãnh đạo một ngân hàng cho biết, có những trường hợp, ngân hàng cũng rất lúng túng không biết phải xử lý thế nào vì doanh nghiệp đã nợ nhiều, nợ quá hạn tất cả các ngân hàng thương mại và ngân hàng phát triển trên địa bàn.
 
Việc cho doanh nghiệp vay để nộp bảo hiểm cho công nhân cũng khó vì bản thân họ đã nợ cũ cả tỷ đồng tiền bảo hiểm của công nhân rồi, nay cho vay để nộp thêm không biết bên Bảo hiểm xã hội tính toán ra sao? Đáng nói nhất là có những đơn vị đã không còn sản xuất như Vật tư tổng hợp Cửu Long Vinashin, ngân hàng cho họ vay với đầy đủ chính sách hiện hành nhưng thời gian chỉ là 1 năm thì làm sao họ có thể khôi phục được sản xuất để nuôi được công nhân và trả nợ ngân hàng? Vậy là ngân hàng đã nhìn thấy rất rõ khả năng mất vốn nếu cho vay trong trường hợp này.
 
Được biết, Chính phủ vừa có quyết định tăng thời hạn vay vốn hỗ trợ lãi suất lên 2 năm để các doanh nghiệp có điều kiện đầu tư dây chuyền công nghệ khôi phục và phát triển sản xuất, như vậy, nguồn vốn đã rất dồi dào, lãi suất thấp, thời hạn vay đã kéo dài. Đây thực sự là cơ hội vàng cho các doanh nghiệp các cơ sở sản xuất kinh doanh, mỗi đơn vị cần chủ động liên hệ với các cơ quan đầu mối như Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Ngân hàng Phát triển, Cục Thuế và các ngân hàng thương mại để tìm hiểu các chính sách, từ đó áp dụng cho mình trong quá trình xây dựng phương án sản xuất kinh doanh nhằm khôi phục sản xuất, nếu không những chính sách đặc biệt ưu đãi của Chính phủ cũng không tự đến với mình và thời hạn cho vay 2 năm cũng không phải là dài đối với những trường hợp không biết chớp lấy cơ hội.
 
Khi cả trăm doanh nghiệp còn chưa tìm đến Ngân hàng Phát triển để được bảo lãnh tín dụng, cả nghìn cơ sở còn chưa đến ngân hàng thương mại để vay vốn với chính sách hỗ trợ lãi suất thì đã xuất hiện những nhóm công nhân như anh Dũng ở Bảo Hưng (Trấn Yên), anh Quang, anh Thanh ở thành phố Yên Bái và mấy người có tay nghề đã mất việc ở Malaixia, ở Bình Dương và mấy công ty trong tỉnh đã tụ hợp nhau lại thành lập đội thợ nề. Quan điểm của họ thật đơn giản: “Ly nông, không ly hương”, “Giá công xây nhà trên 300 nghìn đồng/m2 là sống được. Vả lại, nếu làm tốt thì không bao giờ thiếu việc”.
 
Phải chăng đó là cũng là giải pháp cho những người mất việc do khủng hoảng và do cả sự yếu kém của đội ngũ lãnh đạo?
 
Lê Phiên